Bộ Nhận Diện Thương Hiệu Là Gì? Vai Trò Và Quy Trình Thiết Kế
Bộ nhận diện thương hiệu chiếm vai trò quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh gồm những gì. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên và cung cấp thêm nhiều thông tin mới.
Mục Lục
Bộ Nhận Diện Thương Hiệu Là Gì?
Trong Marketing, khái niệm “bộ nhận diện thương hiệu” dùng để chỉ những yếu tố hữu hình, tượng trưng cho doanh nghiệp với mục đích truyền tải thông điệp, bản sắc riêng; tạo ấn tượng trong trí nhớ của khách hàng. Cụ thể, bộ ấn phẩm này bao gồm tên gọi, logo, biểu tượng, slogan, typo, màu sắc chủ đạo,… Hiện nay, các doanh nghiệp muốn có được chỗ đứng trên thị trường lẫn trong tâm trí khách hàng thì cần phải xây dựng một hình ảnh thương hiệu nổi bật, khác biệt và độc đáo. Một bộ nhận diện thương hiệu tốt sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ.
Người tiêu dùng thường dựa vào bộ nhận diện thương hiệu để phân biệt các doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Hệ Thống Nhận Diện Thương Hiệu Bao Gồm Những Yếu Tố Nào?
Logo và màu sắc chủ đạo
Logo và màu sắc là hai yếu tố chính giúp khách hàng nhận biết thương hiệu của bạn với các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành. Nhờ hai yếu tố này mà doanh nghiệp thể hiện được bản sắc, cá tính riêng. Dù không được phác họa thành hình ảnh cụ thể nhưng chúng ta vẫn nhận ra các thương hiệu nổi tiếng thông qua màu sắc đặc trưng như màu đỏ của Coca-Cola, màu xanh dương của Pepsi, màu xanh lá của 7up,…
Thông thường, mỗi doanh nghiệp sẽ có một logo chính và các phiên bản thay thế để ứng dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp khác nhau. Một logo hoàn chỉnh gồm: logo chính, các logo phụ (đặt ngang, đặt dọc, nền đen, nền trắng, khung vuông, khung chữ nhật,…), biểu tượng.
Bao bì sản phẩm
Một sản phẩm chỉn chu sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc truyền bá hình ảnh thương hiệu và giúp việc bán hàng thuận lợi hơn. Điều này được thể hiện thông qua bao bì, tem nhãn, phiếu bảo hành, sách hướng dẫn. Mẫu mã được thiết kế đẹp mắt, nhất quán với nhau, vừa tạo sự chuyên nghiệp vừa khẳng định tính độc quyền, tránh các trường hợp làm giả, làm nhái trên thị trường.
Đồ dùng văn phòng
Bộ nhận diện thương hiệu còn được thể hiện qua các đồ dùng, văn phòng phẩm của công ty. Các hạng mục được thiết kế dựa trên logo, màu sắc chủ đạo bao gồm: danh thiếp, giấy viết, phong bì thư, bìa hồ sơ, hóa đơn, thẻ bảng tên, đồng phục,…
Bộ nhận diện thương hiệu được ứng dụng trong văn phòng phẩm. Nguồn: Internet
Bảng hiệu ngoài trời
Thiết kế đồng bộ các pano ngoài trời, bảng hiệu, biển quảng cáo, băng rôn, standee,… sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và thu hút sự chú ý của khách hàng ở khắp nơi. Ngoài ra, các thiết kế này cũng tạo nên lợi thế để thúc đẩy người tiêu dùng quyết định chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp tại điểm bán.
Các công cụ hỗ trợ marketing offline, online
Ngày nay, hầu hết các công ty đều chú trọng đến những hoạt động marketing, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ nên việc phát triển bộ nhận diện thương hiệu thông qua catalogue, brochure, tờ rơi, hồ sơ năng lực, website, ảnh đại diện mạng xã hội,… là rất hợp lý. Khách hàng sẽ dễ nhớ đến và tìm kiếm doanh nghiệp của bạn khi họ có nhu cầu.
Vai Trò Của Bộ Nhận Diện Thương Hiệu
Ngoài việc tạo dấu ấn trong tâm trí khách hàng thì bộ nhận diện thương hiệu còn có những vai trò chính phải kể đến như sau:
- Truyền đạt giá trị cốt lõi: thông qua việc xây dựng hình ảnh đại diện giúp doanh nghiệp truyền tải được trách nhiệm và những giá trị, mong muốn mang đến cho khách hàng.
- Nổi bật giữa đám đông: Nếu bộ ấn phẩm của thương hiệu thể hiện được điểm riêng thì khách hàng sẽ có ấn tượng nhất định và dành sự ưu tiên cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khi quyết định mua hàng.
- Giá trị doanh nghiệp tăng lên: Hệ thống nhận diện thương hiệu đầy đủ và chuyên nghiệp thể hiện uy tín, sự đẳng cấp cho doanh nghiệp và hỗ trợ tốt trong trường đang kêu gọi vốn đầu tư của các đối tác.
- Thuận lợi cho việc bán hàng: Thương hiệu của bạn chiếm ưu thế và được khách hàng tin tưởng hơn nhờ sự đồng nhất về hệ thống nhận diện. Từ đó, đội ngũ nhân viên kinh doanh, tư vấn cũng thêm tự tin để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng thành công.
Việc quảng bá hình ảnh doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn khi có bộ ấn phẩm thương hiệu. Nguồn: Internet
Tóm lại, một bộ nhận diện thương hiệu chất lượng là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo về ý tưởng quảng cáo. Điều này đem đến những giá trị lớn vào việc tăng mức độ phủ sóng trên thị trường, nâng tầm thương hiệu, đẩy mạnh bán hàng, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Quá Trình Tạo Nên Một Bộ Ấn Phẩm Nhận Diện Thương Hiệu
Bước 1: Tìm hiểu toàn diện về thương hiệu
Đây là bước đầu tiên, có vai trò tạo “nền móng” cho sự phát triển của thương hiệu trong suốt quá trình kinh doanh. Bạn cần tìm hiểu thương hiệu thuộc lĩnh vực nào, kinh doanh ngành hàng nào, khách hàng được nhắm đến là ai, có đặc điểm gì, giá trị hữu hình và vô hình mà sản phẩm mang đến, bản sắc thương hiệu có điểm gì nổi bật,… Ban lãnh đạo và bộ phận thiết kế cùng nhau đưa ra những giải pháp và ý tưởng phù hợp với những đặc điểm trên để thể hiện được phương châm kinh doanh, mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Một bảng đánh giá tường tận sẽ giúp quá trình thực hiện bộ nhận diện thương hiệu của bạn dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bộ nhận diện thương hiệu là công cụ hỗ trợ phát triển quy mô doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Bên cạnh hiểu về doanh nghiệp của mình, bộ phận thiết kế còn phải xem xét, nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh để tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu của mình. Đây là một bước cần nhiều thời gian và yêu cầu người thực hiện phải nắm rõ từng chi tiết nhỏ lẫn bức tranh toàn diện về thương hiệu trên thị trường.
Bước 2: Lên ý tưởng và thiết kế bộ ấn phẩm
Khi đã hiểu về thương hiệu thì nhân viên thiết kế hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo bằng những bảng phác thảo. Quá trình này được thực hiện theo thứ tự sau:
Tên thương hiệu
Mỗi tên thương hiệu đều ẩn chứa một ý nghĩa riêng để mở ra câu chuyện của doanh nghiệp. Chúng ta cần chọn lọc kỹ lưỡng những tên thương hiệu dễ đọc, dễ nhớ, có hình ảnh gợi nhớ, liên tưởng và không bị trùng lặp.
Slogan
Slogan thường ngắn gọn với khoảng 8 từ nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng và có vai trò định vị thương hiệu trên thị trường. Khẩu ngữ này sẽ đồng hành xuyên suốt quá trình xây dựng hình ảnh và phát triển doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng nên đòi hỏi sự chỉn chu, phù hợp với các xu hướng hiện nay và tương lai.
Logo
Logo đóng vai trò quan trọng trong bộ nhận diện thương hiệu vì là yếu tố đầu tiên mà mọi người nhớ đến khi nhắc về doanh nghiệp hay sản phẩm, dịch vụ. Để tạo nên một logo ấn tượng, hiệu quả chưa bao giờ dễ dàng, người thiết kế cần đầu tư rất nhiều chất xám lẫn thời gian. Quá trình bắt đầu từ việc tìm kiếm hình ảnh liên quan, lựa chọn bảng màu, kiểu chữ đến phác họa bản vẽ, phối màu. Yêu cầu đặt ra cho một logo hoàn chỉnh là thể hiện được cá tính doanh nghiệp, phù hợp với thị hiếu và có sự khác biệt để tồn tại lâu dài trên thị trường.
Logo được phác thảo từ việc lồng ghép nhiều hình ảnh với nhau. Nguồn: Internet
Bước 3: Đăng ký bảo hộ thương hiệu
Khi các ý tưởng đã hoàn thành và được ban lãnh đạo phê duyệt thì bạn phải thực hiện việc đăng ký lên Cục Bảo hộ thương hiệu để bảo vệ bản quyền, tránh bị sao chép, bắt chước từ các đối thủ. Đồng thời, việc này cũng giúp thể hiện được tính chuyên nghiệp, đẳng cấp và uy tín của doanh nghiệp trong việc kinh doanh.
Bước 4: Hoàn chỉnh, đưa vào sản xuất và ứng dụng
Sau khi hoàn thành thì bộ phận thiết kế vẫn tiếp tục giám sát quá trình ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu vào thực tế nhằm chỉ ra những ưu, nhược điểm để điều chỉnh phù hợp hơn. Ngoài ra, họ còn phải tổng hợp tất cả những lưu ý về logo, cách sử dụng màu sắc, vật liệu và quy cách in ấn thành một cuốn cẩm nang để nhân viên trong doanh nghiệp đều sử dụng đúng.
Bộ nhận diện thương hiệu được ứng dụng trong văn phòng làm việc. Nguồn: Internet
Bộ nhận diện thương hiệu là một ấn phẩm không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào khi tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường. Bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về khái niệm này cũng như lợi ích và quy trình xây dựng. Bạn hãy tiếp tục theo dõi chuyên mục thuật ngữ marketing có thêm những thông tin hữu ích về lĩnh vực Marketing nhé!
☆
☆
☆
☆
☆
Điểm: 4.4 (12 bình chọn)
Cảm ơn bạn đã bình chọn!