Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với tỉnh Thanh Hóa

(TTV) – Ngày 15/02, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển giáo dục đào tạo và công tác tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

 

Các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở ngành và một số địa phương tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song ngành giáo dục Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước; chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực. Ngành giáo dục Thanh Hóa đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Quy mô hệ thống mạng lưới trường lớp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2021, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,7%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 78,6%.

Năm học 2021 – 2022, ngành giáo dục Thanh Hóa đã triển khai thực hiện kế hoạch năm học một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19. Từ khi khai giảng năm học mới, cơ bản các trường học triển khai hoạt động dạy học trực tiếp; chỉ chuyển trạng thái dạy học trực tuyến đối với một số đơn vị có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; và chuyển dạy học trực tiếp ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện tại, 100% các trường học trong tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Về dạy học trực tuyến, các đơn vị luôn chủ động các phương án dạy phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo thực hiện theo phương châm: “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Hiện tại, toàn tỉnh có 259 lớp học tổ chức học trực tuyến với gần 9.600 học sinh.

Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 và đánh giá những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Đối với khu vực miền núi cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường Tiểu học theo mô hình bán trú. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng; tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể công chức làm việc tại phòng GDĐT, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc; sớm có hướng dẫn, lộ trình phủ vaccine phòng Covid-19 cho học sinh dưới 12 tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu các sở ngành và địa phương nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác tại hội nghị này để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Thanh Hóa là địa phương có truyền thống hiếu học và bề dày thành tích trong giáo dục và đào tạo. Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực luôn được xác định là vấn đề trọng tâm; từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình hành động để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và của tỉnh đối với vấn đề giáo dục và đào tạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết: là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội; nhưng Thanh Hóa cũng rất dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh Covid-19 bởi đặc thù đất rộng, người đông, nền kinh tế có độ mở cao. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn xác định: việc chống dịch là quyết liệt nhưng phải luôn linh hoạt, sáng tạo, đúng cách, phù hợp với thực tế địa phương; để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế, học sinh và giáo viên yên tâm đến trường. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn xác định: đảm bảo môi trường học tập an toàn cho giáo viên và học sinh không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục và Đào tạo; mà đó còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực tế đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa vẫn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Học sinh, về cơ bản, được đảm bảo an toàn khi đến trường.

Phân tích thêm về những tồn tại, hạn chế của ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho biết: tỉnh đã có kế hoạch, lộ trình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời mong muốn: cùng với sự quan tâm, hỗ trợ trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ cùng với các bộ ngành chức năng, các cơ quan hữu quan báo cáo với Chính phủ, Quốc hội xem xét để tháo gỡ, giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, về đội ngũ cán bộ nhà giáo… Thanh Hóa cam kết sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, để xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa phát triển tương xứng với truyền thống “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ” của quê hương Thanh Hóa, đóng góp xứng đáng đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: trong thời điểm hiện nay, phát triển giáo dục đào tạo và phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho các cơ sở giáo dục là hai nhiệm vụ cấp bách để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của đất nước. Đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ ấn tượng với tỷ lệ 100% các trường học đang tổ chức dạy học trực tiếp. Điều này thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn với những chỉ đạo linh hoạt, sát thực tế của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; cũng như sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của toàn xã hội để đảm bảo cho học sinh có môi trường học tập an toàn trước dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý: chúng ta phải xác định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lâu dài. Do vậy, cách ứng xử với dịch trong môi trường học đường cũng phải xác định lâu dài; từ đó để nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiểu biết và chuẩn bị chu đáo các phương án, biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, việc nâng cao thái độ, tư tưởng và hiểu biết về dịch bệnh trong từng học sinh và giáo viên phải được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu; để từng thành viên trong môi trường học đường không chủ quan nhưng cũng không hoang mang trước dịch Covid-19. Bộ trưởng lưu ý ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa xác định năm 2022 là năm củng cố, bù đắp kiến thức và kiên trì mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, lịch trình năm học cũng cần phải được thực hiện một cách linh hoạt. Nếu những nơi nào có điều kiện kết thúc năm học sớm, thì cần dùng thời gian còn lại của năm học để củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh.

Về một số vấn đề liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa lịch sử và hiếu học. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018; trong đó ưu tiên việc rà soát, thực hiện đầu tư, đảm bảo có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học. Đối với một địa phương có gần 1 triệu người sinh sống tại địa bàn các huyện miền núi, trong đó có hơn 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số, Thanh Hóa quan tâm, ưu tiên cho vấn đề củng cố Tiếng Việt và lưu giữ tiếng, chữ viết, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các thành phố, khu vực đô thị, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, cần tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Đối với các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu, tổng hợp để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, tháo gỡ./. 

Hữu Đại – Hồng Thư/ Bản tin Thời sự tối TTV