Bộ Giáo dục khảo sát kiểu này, liệu giáo viên có dám nói thẳng, nói thật?

GDVN- Bộ lấy ý kiến dự thảo Thông tư về vị trí việc làm, về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp nhưng phiếu khảo sát gần như mặc định việc chia hạng giáo viên.

Các trường học trên cả nước hiện đang lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Phiếu khảo sát ghi rõ:

Để phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và bảo đảm quyền lợi trực tiếp của các thầy/cô, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thầy/cô cung cấp thông tin về một số nội dung như việc bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp và một số nội dung lấy ý kiến khác.

Bài khảo sát sẽ được giáo viên làm trên phần mềm Temis và gửi lên hệ thống.

Bộ Giáo dục khảo sát kiểu này, liệu giáo viên có dám nói thẳng, nói thật? ảnh 1

Bộ đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư về vị trí việc làm, về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp nhưng phiếu khảo sát lại gần như mặc định việc chia hạng giáo viên

Khi được yêu cầu thực hiện khảo sát, nhiều nhà giáo đồng nghiệp đã chia sẻ với người viết rằng họ hoàn toàn không đồng ý với việc chia hạng giáo viên trong các trường học.

Ngay như Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập Bộ Giáo dục cũng đang lấy ý kiến rộng rãi, thế nhưng, nhiều câu hỏi trong bài khảo sát lại đưa ra gần như mặc định việc chia hạng nhà giáo đã là chắc chắn.

Ví dụ như câu hỏi:

3.1. Giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì giữ nguyên mã số và hệ số lương hiện hưởng, khi đạt các tiêu chuẩn thì bổ nhiệm vào hạng mà không phải thông qua thi, xét thăng hạng

3.2. Giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì tạm thời bổ nhiệm vào hạng thấp hơn liền kề:

3.3. Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi bổ nhiệm CDNN từ các Thông tư liên tịch 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang CDNN theo quy định tại Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT để bảo đảm quy định về thời gian làm việc tối thiểu trong hạng tại khoản 4 mục ghi chú Bảng 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP

3.4. Giáo viên được bổ nhiệm hạng CDNN nào thì được xếp lương theo hạng đó để bảo đảm đúng với quy định về nguyên tắc xếp lương tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

(Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ hệ số lương 3,33 đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới thì được chuyển xếp lương vào hệ số 4,00)

3.5. Khi giáo viên đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm từ hạng I, II cũ vào hạng I, II mới nhưng hệ số lương hiện hưởng chưa ngang bằng với hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì chưa thực hiện chuyển xếp lương mới mà giữ nguyên hệ số lương hiện hưởng.

(VD: giáo viên THCS hạng II cũ đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới, nhưng hệ số lương hiện hưởng là 3,33 thì chưa chuyển xếp lương vào hệ số 4,00 mà phải đợi đến khi được hưởng hệ số lương 3,99 thì mới được xếp lương 4,00).

Sau mỗi câu hỏi đều có 2 đáp án: Đồng ý hoặc Không đồng ý.

Ở phần “Nội dung xin ý kiến khác” cũng mặc định luôn về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (tức là vẫn chia hạng nhà giáo).

1.1.Quy định nhiệm vụ chung cho tất cả giáo viên các hạng, giáo viên ở hạng cao thì quy định thêm một số nhiệm vụ phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp, yêu cầu về năng lực và sự thăng tiến nghề nghiệp của giáo viên (như quy định hiện hành)

1.2. Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công

Ngoài ra, còn nhiều mục khảo sát về các quy định như quy định đạo đức nghề nghiệp của giáo viên; quy định trình độ đào tạo của giáo viên hạng I; Về quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN)…

5. Để phân biệt được giáo viên ở hạng cao, theo thầy, cô cần dựa vào những yếu tố nào (có thể lựa chọn nhiều phương án)…

Những câu hỏi này gần như mặc định việc xếp hạng nhà giáo khiến giáo viên muốn đưa ra ý kiến khác cũng không biết phải làm như thế nào?.

Trăn trở về hiệu quả thật sự của việc khảo sát

Ngay sau khi các trường học yêu cầu giáo viên thực hiện bài khảo sát trên phần mềm Temis, nhiều thầy cô giáo chia sẻ cứ nhấn vào ô “Đồng ý” đại cho xong.

Lý do được đưa ra là vì không muốn ai để ý đến mình bởi ngay trên phần mềm có đầy đủ tên giáo viên, địa chỉ nơi công tác, số điện thoại…

Gần 30 năm đi dạy ở nhiều trường học khác nhau, tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở nhiều địa phương khác nhau, người viết cũng nhận thấy phần đông các thầy cô giáo thường không có ý kiến trái chiều khi góp ý một vấn đề gì đó.

Nó xuất phát từ nguyên nhân có những trường học khi ai đó có ý kiến trái chiều thường được lãnh đạo nhà trường nhắc nhở hoặc bị để ý nên nhiều thầy cô giáo không muốn mình bị lọt vào “tầm ngắm”.

Bởi thế, nếu góp ý công khai ở nhà trường ghi vào biên bản hay góp ý trên phần mềm Temis như thế này thì rất ít có được những góp ý nói thẳng, nói thật.

Phải chăng, vì không có những ý kiến trái chiều nên phần lớn những dự thảo của các thông tư hay những mô hình dạy học thử nghiệm, những phương pháp dạy học mới, chương trình, sách giáo khoa mới luôn có sự đồng thuận cao nhưng sau đó lại có vô số những hạt sạn?

Người viết cho rằng, nếu để lấy ý kiến đóng góp từ giáo viên cho thông tư thật là hoàn chỉnh thì Bộ Giáo dục, Cục Nhà giáo nên tổ chức công khai diễn đàn góp ý ngay trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Tạp chí hiện đang được lực lượng đông đảo nhà giáo khắp nơi theo dõi) mà không phải ghi rõ họ tên, nơi ở…

Hãy để giáo viên tự do trả lời mà không buộc phải chọn đồng ý hay không. Cần có câu hỏi đầu tiên kiểu như bạn có đồng ý xếp hạng giáo viên trong trường học hay không? Vì sao?

Nếu giáo viên không đồng ý, sẽ không cần trả lời tiếp những câu hỏi phía sau. Nếu thầy cô giáo nào đồng ý xếp hạng mới tiếp tục trả lời những câu hỏi đã đưa ra ở phần khảo sát.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nếu thật sự muốn nghe tiếng nói thật từ đội ngũ giáo viên để điều chỉnh chính sách cho nhà giáo một các phù hợp thì giải pháp người viết đưa ra chắc chắn sẽ nhận được những câu trả lời thành thật nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết