Bộ Giáo dục đề xuất bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên
Hiện, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2020-2021 đã hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Đáng chú ý, số này không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019.
Chi tiết số giáo viên còn thiếu ở các cấp học theo thống kê của Bộ GD-ĐT
Hiện nay, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%.
Theo Bộ GD-ĐT, các địa phương đã chủ động rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để xác định số lượng biên chế giáo viên cần bổ sung cho từng cấp học; xây dựng lộ trình, các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên gắn với nâng cao hiệu quả việc tinh giản biên chế; tính toán nhu cầu đào tạo nâng chuẩn trình độ đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng triển khai tập huấn, bồi dưỡng bằng hình thức bồi dưỡng qua mạng.
Năm 2021, các địa phương sẽ cử 37.389 giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ, gồm: 9.859 giáo viên mầm non (chiếm tỉ lệ 10,96% giáo viên chưa đạt chuẩn); 17.822 giáo viên tiểu học (chiếm tỉ lệ 6,36% giáo viên chưa đạt chuẩn); 9.708 giáo viên THCS (chiếm tỉ lệ 3,86% giáo viên chưa đạt chuẩn).
Chất lượng đội ngũ không đồng đều
Bộ GD-ĐT nhìn nhận, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập.
Thiếu gần 95.000 giáo viên, phần lớn là giáo viên mầm non song hàng loạt trường cao đẳng sư phạm đang tồn tại lay lắt, không thể tuyển đủ chỉ tiêu sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. (Ảnh minh họa)
Giải quyết những vấn đề này được Bộ GD-ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, căn cơ.
Theo đó, một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong năm học 2021-2022 là triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình phổ thông mới; tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, từ khâu tuyển sinh đến nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, gắn liền việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học; thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng.
Cùng đó, đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo hướng linh hoạt để các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định.
Đông Hà
‘Đề xuất phụ cấp 36% cho giáo viên mầm non chưa phải là cao’
“Mức phụ cấp 36% chỉ cao hơn so với các bậc học khác còn nếu so với nhu cầu của công việc thì chưa phải cao” – Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho hay.
Bộ trưởng GD-ĐT: Phải tìm cách tăng thu nhập cho giáo viên mầm non
Chia sẻ với giáo viên mầm non là thời gian làm việc dài, áp lực lớn, yêu cầu cao, nhưng thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, phải bằng nhiều cách thức để tháo gỡ, làm sao tăng thu nhập thực tế để giáo viên gắn bó với nghề.