Bộ GTVT, Phú Yên đứng bét bảng về cải cách thủ tục hành chính

Số liệu này được công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành (PAR INDEX 2018) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS 2018) do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức ngày 24/5. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Quảng Ninh – địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX 2018.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 được đánh giá ở 18 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố cho thấy: giá trị trung bình đạt 82,68% và chỉ có 8 Bộ đạt trên mức giá trị trung bình. Trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt cao nhất với kết quả là 90,57%, Bộ Giao thông Vận tải thấp nhất với là 75,13%.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 76,92%. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%. Tỉnh Phú Yên là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ số đạt 69,53%.

Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính 2018 còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 địa phương đó là Long An và Ninh Bình. Đây cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực không ngừng trong tổ chức triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian qua tại các đơn vị này. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết: “Thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ninh xác định phải đột phá đầu tiên. Điều đó thể hiện qua việc xử lý văn bản bằng công nghệ thông tin qua 4 cấp. Tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả các xã , có hơn 200 điểm cầu.

Bên cạnh đó giải quyết các thủ tục hành chính tại các trung tâm hành chính công. Hiện nay với phương châm 4 tại chỗ là tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt  và trả kết quả. Hiện chúng tôi đã khắc con dấu thứ 2  của các cơ quan đặt tại Trung tâm hành chính như thế là không phải chuyển hồ sơ này về các cơ quan để đóng dấu, đảm bảo công khai và đỡ mất thời gian”.

Theo Báo cáo về mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS 2018), tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 82,99%; hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 69,98% – 97,88%.

So với năm 2017, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2018 tăng hơn 2%. Chỉ số hài lòng về 4 yếu tố, là tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ, cũng đều tăng so với năm 2017. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để đạt kết quả tích cực trong công cuộc cải cách, tuy nhiên công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 về sự phục vụ hành chính năm 2018 trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong cải cách thể chế.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; thực hiện việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa theo yêu cầu của Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các thủ tục hành chính đang là rào cản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương qua đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị: các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử./.