Bộ GD-ĐT phản hồi bạn đọc VietNamNet về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên
Đại diện Bộ GD-ĐT đã lựa chọn và giải đáp các trường hợp điển hình. Quý độc giả có các câu hỏi tương tự có thể tham khảo.
1 – Tôi chỉ có bằng Cao đẳng sư phạm, và bằng Trung cấp Âm nhạc vậy phải làm thế nào. Trong khi tôi chỉ còn 7 năm nữa là đến tuổi hưu, vậy tôi có cần đi học không? (độc giả Mai Thanh Nhàn)
Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, trình độ chuẩn được đào tạo của cấp tiểu học và THCS là đại học. Do đó, thầy/cô cần căn cứ vào đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ) và đối tượng không phải tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo (Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) để xem mình có thuộc đối tượng phải nâng chuẩn trình độ không. Trường hợp cần thiết, thầy/cô có thể liên hệ phòng GD-ĐT địa phương để được giải đáp.
2 – Tôi có chức danh nghề nghiệp hạng 2, chưa hưởng lương đại học, hiện đang ở hạng 3. Vậy theo thông tư mới mà Bộ GD-ĐT quy định, tôi có cần học hạng 3 nữa không? (độc giả Khánh Linh)
Nếu thầy/cô đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III.
Vì yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học hạng III được áp dụng đối với:
1) giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư số 01, 02/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành;
2) những giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT;
3) giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT.
Nếu thầy/cô đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS/THPT hạng III, thì không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III. Vì yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS, THPT hạng III được áp dụng đối với giáo viên THCS, THPT được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều khoản áp dụng của các Thông tư.
Nếu thầy/cô đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III mà đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II thì chứng chỉ này được bảo lưu khi thầy/cô tham gia thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.
3 – Tôi là giáo viên mầm non có bằng đại hoc, đang hưởng lương cao đẳng, học xong lớp thăng hạng có chứng chỉ hạng 2. Vậy giờ tôi có phải học hạng 3 không? (độc giả Nguyễn Thị Xuân Thanh)
Nếu cô đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II thì không cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III; còn nếu đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III, đồng thời chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II sẽ được bảo lưu khi thầy/cô tham gia thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
4 – Tôi đã được áp từ hạng 4 lên hạng 2 từ năm 2009 đến nay. Vậy tôi có phải đi học lấy chứng chỉ hạng 2 để giữ hạng không? (độc giả có địa chỉ qhao…@gmail.com)
Thời điểm thầy/cô được chuyển từ ngạch giáo viên tương ứng sang chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. Như vậy, cho đến thời điểm này, thầy/cô đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.
Để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì thầy/cô phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.
5 – Tôi giáo viên THCS hạng II, nhưng chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II và đang hưởng lương mã số V.07.04.11 bậc 9/9, hệ số 4,98. Như vậy, theo Thông tư 03 của Bộ GD-ĐT vừa ban hành, đến 20/3/2021, tôi sẽ được hưởng theo mã số lương nào? bậc mấy? và hệ số lương là bao nhiêu? (độc giả Nguyễn Văn Luận)
Khi Thông tư 03 có hiệu lực, thầy sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III cho đến khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng (khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).
Như vậy, hiện tại thầy sẽ được áp dụng hệ số lương của của viên chức loại A1 và giữ hệ số lương 4,98 như hiện hành. Đến khi thầy bổ sung các tiêu chuẩn còn thiếu và được bổ nhiệm vào hạng II theo quy định tại Thông tư 03 thì được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
6 – Tôi đang ở hạng 2. Tôi có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 1, vậy có cần học thêm chứng chỉ hạng 2 để giữ hạng hiện nay không? (độc giả Trương Thương)
Thời điểm cô được chuyển từ ngạch giáo viên tương ứng sang chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì cô phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. Như vậy, cho đến thời điểm này, cô đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.
Để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì cô phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.
Nếu cô đang ở hạng II mà đã có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I thì chứng chỉ này được bảo lưu khi thầy/cô tham gia thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
7 – Khi thực hiện Thông tư 03, giáo viên THCS đang ở hạng 3 (trước đây) để được chuyển sang hạng 3 mới có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 3 không? Ngoài ra, hiện huyện Sóc Sơn chúng tôi đã gửi thông tin xuống các trường để các thầy cô đăng ký học, vậy chúng tôi có cần học hay không? (độc giả Lê Nga, Sóc Sơn, Hà Nội)
Cô không phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III. Vì đối với cấp THCS, yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III chỉ áp dụng đối với giáo viên THCS được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (khoản 5 Điều 10 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT).
Bên cạnh đó, việc đi học để có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư mới, cô cần chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ, Sở và Phòng GD-ĐT.
8 – Tôi đã trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng mà Bộ tổ chức năm 2018 và trở thành giáo viên hạng 1 từ năm 2019, giờ tôi chưa có bằng thạc sĩ thì có được giữ nguyên hạng 1 hay không, nếu không thì tôi thành giáo viên hạng mấy? (độc giả Hùng Sơn)
Nếu hiện tại thầy đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I thì khi chuyển vào chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư mới, thầy tạm thời được xếp vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và sau khi thầy có bằng thạc sỹ và đạt các tiêu chuẩn của hạng I thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng.
Mục Lục
Bộ GD-ĐT trả lời về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa giải đáp cụ thể những câu hỏi băn khoăn của nhiều giáo viên liên quan đến việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo các thông tư mới ban hành.
Thanh Hùng (ghi)
Hiệu trưởng lên tiếng vụ 11 giảng viên Hàn Quốc học đồng loạt nghỉ việc
11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cùng lúc xin nghỉ việc.
Chi tiết bảng lương giáo viên các cấp kể từ ngày 20/3
Kể từ ngày 20/3, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT sẽ chính thức được hưởng lương với hệ số lương cao hơn hiện nay.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chính thức của giáo viên
Theo Nghị định 135/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên sẽ tăng dần. Tuy nhiên, một số giáo viên có thể được nghỉ hưu trước tuổi nếu trong các trường hợp đặc thù.