Bộ Công an đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình tiêm thuốc độc

Chính phủ vừa có báo cáo cập nhật số liệu 10 tháng (từ 1-10-2020 đến 31-7-2021) gửi các cơ quan của Quốc hội về công tác thi hành án năm 2021.

Báo cáo cho biết, hiện có 57/69 trại tạm giam đã xây dựng khu giam riêng người bị kết án tử hình, với tổng số 700 buồng giam, hơn 1.200 chỗ giam giữ. Tuy nhiên, trong số này có 24 buồng giam xuống cấp không đảm bảo cho công tác quản lý giam giữ; 12 trại tạm giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình; 28/69 trại tạm giam phải sửa chữa các buồng tạm giam, buồng kỷ luật để giam người bị kết án tử hình…

 

{keywords}

Công an đưa tử tù vào nhà thi hành án

Hiện có 60/69 trại tạm giam đã được đầu tư lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh phục vụ công tác giám sát buồng giam người bị kết án tử hình, với tổng số gần 1.200 camera nhưng hơn 60 camera đã xuống cấp, hư hỏng.

Bộ Công an đã đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phân chia khu vực thi hành án tử hình thành 11 địa điểm theo vùng miền. Còn 4 nhà thi hành án tử hình tại công an địa phương gồm Đà Nẵng, Lào Cai, Khánh Hoà, Hậu Giang chưa xây dựng vì chưa bố trí được quỹ đất và số lượng giam giữ người bị kết án tử hình không nhiều.

Nữ tử tù thường tìm cách có thai để thoát án tử hình

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình có nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh, gần 30%, trong khi cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến quá tải.

Đáng chú ý là đối tượng bị kết án tử hình thường có tâm lý hoang mang, hoảng loạn về tinh thần hoặc tâm lý không còn gì để mất nên thường xuyên có biểu hiện chống đối, luôn tìm cách trốn, tự sát hoặc tự gây thương tích, xúc phạm, tấn công người thi hành công vụ. Đối tượng là nữ thì tìm cách có thai để thoát án tử hình.

Bên cạnh đó, tình trạng kéo dài thời gian giam giữ bị án tử hình do chưa có quy định cụ thể về thời gian chờ xét quyết định ân giảm hoặc bác đơn xin ân giảm án tử hình…

Báo cáo của Chính phủ cho biết qua theo dõi, tổng hợp của Bộ Công an, còn rất nhiều bản án tử hình từ năm 2017, 2018 nhưng chưa có quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong khi theo quy định, trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. 

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, vượt quá khả năng khám, điều trị của y tế trại tạm giam, phải đưa người bị kết án tử hình tới bệnh viện ngoài cơ sở giam giữ điều trị. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giám sát, canh gác, áp giải… 

Đánh giá báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp lưu ý, trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 phức tạp lây lan đến một trại tạm giam.
Như tử tù Nguyễn Kim An lợi dụng việc di chuyển phạm nhân ra khỏi trại tạm giam khi phòng, chống dịch đã bỏ trốn khỏi trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) hôm 13/7. Thời điểm bỏ trốn, An đang nhiễm Covid-19. Hàng trăm trinh sát đã vất vả truy tìm, đưa tử tù này về trại tạm giam Chí Hòa để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thu Hằng

Tử tù nhiễm Covid-19 vượt ngục tiếp xúc gần với ít nhất 8 người

Tử tù nhiễm Covid-19 vượt ngục tiếp xúc gần với ít nhất 8 người

Công an TP.HCM căn cứ vào mức độ của những người mà tử tù Nguyễn Kim An tiếp xúc gần có nhiễm Covid-19 hay không, sẽ củng cố xử lý thêm hành vi “làm lây lan dịch bệnh”.