Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Vietnam+ trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (số 61-CT/TW, ngày 28-12-2000).

Chỉ thị này đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục thu được những kết quả quan trọng; cơ sở vật chất được củng cố và phát triển; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những tiến bộ nhất định.

Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người lớn. Giáo dục mầm non chất lượng còn thấp và chưa được đầu tư thỏa đáng; chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa thật vững chắc, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn, tỉ lệ lưu ban và bỏ học còn lớn. Số người lớn mù chữ và tái mù chữ còn nhiều ở đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú dân nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc, tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề rất thấp. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt kết quả như mong muốn. Cơ sở vật chất, trường, lớp học ở nhiều địa phương còn nhiều yếu kém. Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo và thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp dưới đây:

1- Quan điểm chỉ đạo

Phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Chăm lo giáo dục cho toàn dân, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của mọi gia đình và toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho giáo dục, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Kiên trì thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội.

2- Mục tiêu

– Mục tiêu tổng quát

Nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, tiến tới phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện; cơ bản xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

– Mục tiêu cụ thể

Năm 2015, huy động 80% trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo; phấn đấu cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Năm 2020, huy động được 99,7% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỉ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%. 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 99,5% đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ. Tỉ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,8%; tỉ lệ lưu ban và bỏ học ở bậc trung học cơ sở dưới 1%; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xóa mù chữ cho 1 triệu người từ 36 tuổi đến hết tuổi lao động.

3- Một số nhiệm vụ và giải pháp

3.1- Bổ sung và hoàn thiện chính sách và bảo đảm các điều kiện cần thiết hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững; nâng dần tỉ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015.

3.2- Tiếp tục củng cố vững chắc và phát triển kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở những huyện, xã chưa đạt chuẩn; từng bước tiến hành phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện theo quy định của Chính phủ.

3.3- Nhà nước tăng cường hỗ trợ giúp các địa phương đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người tái mù chữ ở người lớn, nhất là Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long và miền núi phía Bắc, người lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lớn.

3.4- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học nghề; hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn với dạy nghề; có cơ chế khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau trung học cơ sở qua đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được học liên thông lên các cấp học cao hơn.

3.5- Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những giải pháp tích cực để nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỉ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số.

3.6- Tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm; đổi mới chính sách thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm nhằm bảo đảm đủ số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm chuẩn hóa về trình độ đội ngũ giáo viên.

3.7- Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hoàn thiện chính sách thu hút giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn và giáo viên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông cho cơ sở dạy nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên.

3.8- Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt chương trình đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề; đồng thời tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.

3.9- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt và những địa phương làm tốt công tác phổ cập giáo dục; phối hợp liên ngành, phát huy kết quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

4- Tổ chức thực hiện Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức quán triệt, xây dựng các chương trình và kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị này.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc thể chế hóa về mặt Nhà nước các giải pháp xây dựng và triển khai Đề án thực hiện Chỉ thị gắn với việc thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình và kế hoạch động viên nhân dân tích cực, chủ động thực hiện chương trình phổ cập giáo dục.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giúp Bộ Chính trị hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị tình hình thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ để thực hiện./.

 

(TTXVN/Vietnam+)