Blog Tâm Sự Gia Đình, Câu Chuyện Tình Yêu, Tâm Sự Gia Đình, Tâm Sự Phụ Nữ, Tâm Sự Ngoại Tình
NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE (TÂM SỰ)
Hay: Làm sao để có được cảm tình của người khác?
Chia sẻ có lẽ là nhu cầu bao trùm lên hầu hết chúng ta, tuy nhiên khả năng lắng nghe thì lại giới hạn ở một vài cá nhân.
Bạn đang xem: Blog tâm sự gia đình, câu chuyện tình yêu
Một người có khả năng lắng nghe bẩm sinh thường là một điểm dựa tinh thần, một cái “hotspot niềm tin” (hay gì đó đại loại vậy) của nhiều người. Trong khi đó, nhiều người còn lại không giỏi việc lắng nghe ai đó lắm, và dù đã rất cố gắng nhưng cũng chẳng thể làm người khác tin tưởng và chia sẻ được. Tuy nhiên luyện tập bài bản có thể giúp được họ.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp thế giới có thêm nhiều “good listener” để lắng nghe những người như mình.
Những nguyên tắc cơ bản
– Trao đổi trực tiếp thì tốt hơn là nói chuyện điện thoại, và tốt hơn là nhắn tin hay chat.
– Bạn là người lắng nghe, việc chính cần làm là nghe. Tốt nhất là chỉ nghe thôi.
– Chọn lọc đối tượng: chỉ khi lắng nghe những người bạn muốn nghe thì bạn mới yên lặng làm người tốt được. (sad but true:) )
– Dành thời gian và sự quan tâm của bạn cho họ, một cách trọn vẹn.
– Hãy giữ bí mật 😉
Trong lúc lắng nghe Bắt đầu câu chuyện
Thường thì, sẽ chẳng có chuyện một đứa nào đó chạy đến đập vào mặt bạn “Này, câm mồm, theo tao, và tao sẽ nói cho mày nghe một chuyện”. Tất nhiên bất thường đôi khi cũng xảy ra. Tuy nhiên, một cuộc hẹn bất ngờ, một tin nhắn từ một người quen cũ hay một lời mời từ một người đang gặp những khó khăn (mà bạn có biết sơ về chúng) thì phổ biến hơn. Nếu bạn nhận được những dấu hiệu như thế thì xin chúc mừng: có khả năng bạn đã được chọn làm người lắng nghe.
Trong lúc gặp mặt, một ánh mắt buồn, một câu nói vu vơ sau màn hỏi thăm lịch sự sẽ khiến bạn hỏi “Sao thế?” hay “Có chuyện gì à?”, và câu chuyện bắt đầu. Đây là giai đoạn mở, nhớ rằng:
– Không vội vã.
– Hãy tạo cảm giác an toàn.
– Không hỏi dò haylặp lại câu hỏi.
– Không đổi chủ đề hay kiếm chuyện khác để nói.
– Nhìn vào mắt họ và nghĩ trong đầu “Có điều gì, sao không nói cùng anh?~”. Mắt bạn sẽ tự buồn ở một mức chấp nhận được.
– Nếu họ hỏi bạn về khả năng giữ bí mật, hãy hứa. Và hãy giữ bí mật.
Một khi họ đã quyết định nói cho bạn nghe tức là họ đang tin tưởng bạn, hay nói cách khác là bạn bốc ra một “mùi an toàn” tuyệt vời.
Nghe
Nếu giai đoạn một êm xuôi (tức là không nói thêm vài ba câu vớ vẩn rồi tính tiền đi về) thì hãy tập trung ở giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn này là chủ đạo và kéo dài xuyên suốt cuộc trò chuyện. Khi họ đang chia sẻ, hãy:
– Im lặng. Bạn có thể chờ đến lượt mình nói tuy nhiên thường thì bạn không có lượt. Sự khao khát muốn nói hay cảm giác muốn giơ tay “Bạn ơi mình có ý kiến” là khó tránh khỏi ở một số đoạn của câu chuyện, hãy cố gắng, thật cố gắng kiềm chế muốn buông ra vài lời nhận xét bao đồng nào đó. Thật đó, hãy cố gắng nhé.
– Giữ tập trung. Và cho họ biết rằng bạn đang như thế. Nhìn thẳng vào mắt họ (tránh nhìn chằm chằm) khi họ nói, gật đầu khi cần thiết và ậm ừ ở một vài đoạn. Tuy nhiên sự xao nhãng vẫn sẽ đến dù bạn không muốn, ai đó đi qua lại hay một tiếng động cũng có thể khiến bạn nhìn ra chỗ khác. Hãy cố giảm thời gian và tần số xao nhãng xuống thật thấp.
– Tư thế thích hợp. Ngoài việc bạn phải ngồi cho thật lịch sự, hãy tránh hành động vô thức (rung đùi, nhịp nhịp tay, xoay xoay cốc,…) và cũng hãy tránh gây ra tiếng động. Một nghiên cứu tâm lí cho thấy khi bạn có một tư thế, hành động giống đối phương cũng sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái. Vì thế hãy giữ nhịp thở hay nhịp cử động của bạn cùng với nhịp chia sẻ câu chuyện của người nói.
– Định hình tư tưởng Muốn làm tốt 3 gạch đầu dòng trên và cả những điều khác, hãy cập nhật những khả năng sau vào bộ não của bạn: + Đặt mình vào vị trí của người nói. + Hạ cái tôi của mình xuống. + Nghĩ rằng bạn muốn làm người tốt và bạn sẽ như thế. Bạn sẽ biết mình cần làm gì và làm như thế nào.
Xem thêm: Hỏi Đáp: Ăn Trứng Vịt Có Tốt Không Được Ăn Trứng Gà, Vịt, Lý Do Trứng Vịt Nên Có Trong Bữa Cơm Gia Đình
Đấy, bước này đơn giản chỉ là ngồi im và lắng nghe họ thôi.
Nghĩ
Trong lúc nghe, câu chuyện khiến bạn phải nghĩ, và hãy nghĩ cho đúng. Có những lời khuyên sau:
– Đặt bản thân vào trong câu chuyện, tình huống đó với tư cách là người đó.
– Vẫn giữ tập trung, tránh xao nhãng trong ánh mắt.
– Cố gắng nhớ càng nhiều thông tin càng tốt.
– Không dùng kinh nghiệm cá nhân để suy xét sự việc họ kể.
– Đừng quan tâm đến những cảm nhận cá nhân và hãy phớt lờ mỗi khi ai đó trong bạn bắt bạn lên tiếng.
– Nghĩ cho họ.
Khi ai đó chọn bạn để chia sẻ, ắt hẳn họ tin rằng bạn là một người sáng suốt. Thế nên hãy sáng suốt.
Phản hồi
Nhu cầu của người chia sẻ thường là lắng nghe, tuy nhiên họ cũng muốn nhận một số phản hồi từ bạn. Sau đây là một số nguyên tắc khi phản hồi:
– Nhìn vào họ khi trả lời Cũng như khi nghe, khi nói bạn cũng phải tạo một liên kết bằng mắt với đối phương.
– Lặp lại các thông tin quan trọng Khi phản hồi, hãy lặp lại các sự kiện, tên,.. để chứng tỏ bạn đã tập trung lắng nghe họ.
– Đừng vội đưa ra lời khuyên Cho đến khi bạn cảm thấy cần thiết hoặc họ đưa ra các dấu hiệu muốn lắng nghe bạn. Im lặng nhìn bạn chẳng hạn.
– Không phán xét Please. Họ đến để chia sẻ cho bạn và chắc chắn là không muốn nghe thêm bất kì lời phán xét nào.
– Hạn chế sử dụng các từ kiểu “cá nhân”, “tôi”, “mình”,.. Trước mỗi lời nhận xét nào đó. Nó khiến bạn trông thật lố bịch khi cố gắng đặt bạn vào họ trong khi họ đang kể câu chuyện của họ và chính họ chứ không phải bạn đã phải trải qua chuyện đó.
– Không hỏi dò các thông tin nhạy cảm Chắc chắn họ đã cân nhắc rất nhiều, thế nên họ sẽ nói nhiều hơn khi cảm thấy nhiều sự đảm bảo hơn. Đừng dồn họ vào tình huống khó xử.
– Đừng cố tỏ ra hài hước Để giải tỏa không khí? Cảm ơn, không phải lúc này.
– Hạn chế đưa ra quan điểm cá nhân Nhắc lại: không sử dụng kinh nghiệm của bạn để nhận xét việc của họ.
– Sử dụng các câu trả lời mở Khi buộc phải đưa ra một ý kiến, hãy bắt đầu bằng “Mình nghĩ thế này không biết có đúng không…”, “Mình cảm thấy… nếu bạn thấy không đúng thì chỉnh nhé”. Có thể bạn sẽ sai, nhưng sẽ đỡ gây khó chịu cho đối phương hơn. Họ cũng sẽ thoải mái và nhẹ lòng khi biết bạn không có hề có chủ ý nói thế.
– Cảm thông Nhưng đừng thương hại hay tiếc nuối cho họ. Mọi chuyện đã ở quá khứ, hãy giúp họ có thêm sức mạnh đối mặt với nó.
Thật ra khi ai đó chia sẻ, việc họ nói ra được sẽ khiến họ nhẹ lòng đi nhiều. Những lời bạn nói ra chỉ nên có tác dụng tương tự thế hoặc tạo thêm liên kết giữa bạn với họ để họ cảm thấy an toàn. Đừng nâng cao quan điểm hay mở rộng vấn đề, đó không phải việc của bạn.
III. Sau câu chuyện
Sau khi kết thúc buổi tâm sự, thỉnh thoảng hãy gọi, nhắn tin hoặc hẹn gặp họ để hỏi thăm về chuyện cũ. Tất nhiên hãy hỏi một cách ý nhị. Việc này sẽ giúp họ và bạn rất nhiều, ít nhất là họ biết rằng họ không đơn độc và bạn không phải là một bác sĩ tâm lí tạm thời của họ. Khi biết được chuyện của họ, hãy giữ bí mật. Đây có lẽ là nguyên tắc sống còn. Bạn hãy dùng câu chuyện bạn biết để dõi theo và giúp đỡ họ ở một mức nào đó nhưng tốt nhất đừng can thiệp sâu.
“Khéo ăn khéo nói sẽ được lòng thiên hạ”, 50% của khéo nói là khả năng lắng nghe.