Blog: Nhật ký của vợ – Người đàn ông trong hôn nhân

Người đàn ông trong hôn nhân không thể đắm chìm mãi trong tình yêu đã đạt được. Đây là điều khác biệt rất rõ rệt trong quan niệm về hôn nhân giữa đàn ông và phụ nữ.

couple

pixabay

Hôn nhân của người phụ nữ giống như gieo một hạt mầm. Hạt mầm mang tên Tình Yêu nảy nở, đơm hoa kết trái thành Hôn nhân. Người phụ nữ tiếp tục nâng niu chăm sóc cái cây đó mỗi ngày, chọn nó là lẽ sống của đời mình. Và rồi họ ngỡ ngàng nhận ra, chồng mình không còn ga-lăng, lãng mạn hay hào hiệp giống như hồi mới yêu. Nỗi thất vọng ngày càng lớn lên, đẩy khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa. Có lẽ vì vậy mà các câu chuyện cổ tích đều kết thúc bằng đám cưới giữa hoàng tử và công chúa, giữa chàng và nàng. Rồi… câu chuyện của chúng ta tới đây là hết. Nếu muốn tiếp tục thì có lẽ nó không còn mang tên “Chuyện cổ tích” nữa. Vì “hôn nhân là cuốn tiểu thuyết mà người anh hùng chết ngay từ trang đầu”, để lại những ông chủ cau có, những kẻ tính toán chi li, những kẻ tiêu xài hoang phí, những gã biếng lười hoặc những người chỉ yêu bản thân, yêu tiền bạc vô đối…

sad man

pixabay

Sự thật có phải đàn ông thay đổi đáng sợ như vậy sau khi kết hôn không?

Nhiều bà vợ tự hỏi vì sao chồng mình và người mình yêu trước đây sao khác biệt quá? Hay tại trước kia mình quá ngây thơ tin vào tình yêu mà không nhận ra bản chất thật của anh ta?

Đàn ông là tên gọi của phái mạnh. Vì được xếp vào loại “phái mạnh” nên họ không thể sống yếu đuối được, họ phải che giấu sự yếu đuối và nước mắt vào bên trong. Họ phải tỏ ra mạnh mẽ, vững chãi để làm trụ cột của gia đình. Đàn ông không thể khóc lóc, than thở như phụ nữ khi đối diện với khó khăn. Nếu nước mắt là đặc ân giành cho phụ nữ thì đàn ông lại sợ hãi nếu để phụ nữ thấy nước mắt của mình. Họ chỉ còn giải pháp là lặng im trong những đêm dài trăn trở, không biết tâm sự cùng ai, bởi mở lời đã không dễ dàng, mà nói ra có người vợ nào thấu hiểu và thông cảm cho chồng không? Hay chỉ nhận lại những tiếng khóc hờn, trách móc, giận dỗi rằng anh bất tài, vô dụng.

Hôn nhân với người phụ nữ là kết thúc có hậu của tình yêu. Hôn nhân của người đàn ông lại là sự khởi đầu. Khởi đầu một chặng đường mới, sống có trách nhiệm, là trụ cột của gia đình.

sad man

pixabay

Vì lẽ đó mà họ mang theo một gánh nặng: kiếm tiền và phải có nhiều tiền. Một ngày mới của họ ngoài bình minh, nắng ấm như dự báo thời tiết thì còn có “đám mây giông bão” áp lực kéo theo tiền nhà, tiền xe cộ, tiền điện, nước, bảo hiểm, tiền học cho con, tiền mua sắm, chợ búa… bủa vây “Mr Bill”. Vì vậy, người chồng thấy mặc cảm bất tài nếu bị vợ than thở suốt ngày về tiền bạc, về sự thiếu thốn vật chất. Cơn ác mộng về tài chính sẽ lên đến đỉnh điểm khi vợ đem chồng so sánh với “chồng nhà người ta”. Đó là đòn chí mạng đánh vào lòng tự trọng và quật ngã sự nỗ lực của anh ấy hệt như một dũng sĩ ngã ngựa. Vì vậy, người vợ nên hiểu chồng mình luôn bị áp lực tài chính rất nặng nề. Người vợ có chồng làm chỗ dựa về kinh tế, còn người chồng chỉ biết dựa vào chính mình mà thôi. Khi người vợ biết chia sẻ và cảm thông và với chồng về chuyện tiền bạc sẽ khiến anh ấy có thêm động lực để làm việc và trân trọng người vợ mình hơn. Điều may mắn là ở Úc có chính sách xã hội tốt. Centrelink luôn trợ giúp cho các gia đình có thu nhập thấp, trẻ em tới 18 tuổi được trợ cấp tiền sữa mỗi 2 tuần/ tháng… nên người vợ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Bên cạnh đó, đàn ông sợ nhất là những cuộc cãi nhau với vợ. Phụ nữ bao giờ cũng nhiều lý lẽ và khả năng “lý sự” nổi trội hơn đàn ông. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người chồng trở về nhà và đón nhận bộ mặt hầm hầm của vợ, tiếp theo là trận cãi nhau, lời qua tiếng lại và rồi nước mắt kèm theo những lời kết tội của vợ tuôn ra không ngừng. Rất nhiều phụ nữ tâm sự rằng họ không thể trò chuyện với chồng vì anh ấy chỉ im lặng trước mọi lời nói của họ. Giữa hai vợ chồng không hề có cuộc đối thoại nào để giải quyết mâu thuẫn vì người chồng hoàn toàn không có phản ứng, nếu nói nhiều quá thì anh ấy sẽ bỏ đi. Vậy người vợ có xem lại cách mình nói chuyện với chồng như thế nào chưa? Có thể lúc ấy bạn căng thẳng quá khiến anh ấy không dám tiếp tục trò chuyện. Bởi đàn ông sợ nhất khi thấy nước mắt của phụ nữ kèm theo những lời oán trách nên họ chọn giải pháp im lặng để không phải châm mồi cho những cơn “đại hồng thuỷ” ập đến. Thử chọn một ngày mà tâm trạng chồng dễ chịu nhất. Buổi tối bạn cho con đi ngủ sớm, pha hai tách trà nóng, đốt một ngọn nến ấm áp, rủ chồng ra ngồi uống ly trà thơm, ăn miếng bánh ngọt, thủ thỉ với chồng bằng những lời nhỏ nhẹ như ngày xưa vì “tiếng ngọt nó lọt tới xương”.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Trước khi cưới, cô gái muốn được hôn thì chìa má ra. Sau khi cưới, người vợ muốn được hôn thì phải giữ người chồng lại để hôn”. Người đàn ông trong hôn nhân không còn thử thách chinh phục người phụ nữ như trước kia nữa. Người vợ, thay vì giận dỗi để chồng tự tìm hiểu nguyên nhân, hãy bày tỏ lòng mình trước chồng để cả hai cùng hiểu và thông cảm cho nhau. Bởi vì trong gia đình, người phụ nữ luôn là người nắm giữ chiếc chìa khoá hạnh phúc. Nên trong tiếng Việt, người ta dùng từ Vợ- Chồng (vợ đứng trước chồng) cũng là cách đề cao và nhấn mạnh vai trò của người vợ trong cuộc sống hôn nhân. Ở thời phong kiến luôn “trọng nam, khinh nữ” thì mọi danh xưng nam đều đứng trước nữ như “Ông – Bà”, “Anh – Chị”, “Cha – mẹ”, “Thầy – Cô”, “Chú – Thím”… Duy chỉ có mối quan hệ “Vợ- chồng” thì người phụ nữ mới được trân trọng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, người đàn ông không thay đổi sau khi kết hôn. Họ chỉ có thể tốt hơn hoặc xấu đi tuỳ vào cách người vợ chấp nhận và tôn trọng họ. Cuối cùng, chúng ta luôn hiểu rằng người nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Người vợ khéo léo biết thu nhỏ khuyết điểm của chồng, người vợ vụng về hay moi móc khiến nó ngày càng xù xì thêm.

Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/vietnamese