[Blog Chứng khoán] Đổi trụ bất thành!
[Blog Chứng khoán]
Đổi trụ bất thành!
Mọi diễn biến đã đảo chiều từ khoảng 14h khi áp lực bán gia tăng mạnh nhất lên nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, BID, VCB, TCB…
Mọi diễn biến đã đảo chiều từ khoảng 14h khi áp lực bán gia tăng mạnh nhất lên nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, BID, VCB, TCB…
Tình hình dịch Covid 19 đang trở nên phức tạp hơn sau thông tin số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc tăng vọt và có thêm 2 trường hợp tử vong ở Nhật Bản đã khiến thị trường tài chính châu Á chao đảo, các chỉ số KOSPI hay Nikkei đều giảm điểm mạnh. Và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi hệ lụy đó.
Không thể duy trì đà bùng nổ từ phiên hôm qua, mở cửa phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index giảm điểm nhẹ và giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Các phân lớp cổ phiếu có sự phân hóa trong từng nhóm ngành, từ ngân hàng, tiêu dùng đến bất động sản, xây dựng và khu công nghiệp.
Nổi bật nhất trong nhóm Blue-chip lớn là VNM, MSN, BVH, SAB… bật tăng mạnh, đóng vai trò nâng đỡ cho thị trường. Ở chiều ngược lại CTG, BID, VHM, FPT, PNJ… là những cổ phiếu chìm trong sắc đỏ đã kéo lùi điểm số thị trường.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hôm nay VIC gặp áp lực chốt lời ngay từ đầu phiên và bị bán khá mạnh. Có thời điểm VIC giảm đến 2% nhưng sau đó đã dần lấy lại được vị thế cân bằng và chỉ giảm nhẹ.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index
Thay vào đó, VNM nổi lên như một “leader” của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay. Luôn duy trì đà tăng vững chắc, VNM còn tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa sang nhiều cổ phiếu lớn khác. Đóng cửa, VNM tăng 2% lên 108.500 đồng/cổ phiếu. Mức tăng này có sức đóng góp không nhỏ từ khối ngoại khi đã mua ròng hơn 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là những tín hiệu tích cực đến từ MSN, VVH, VPB… với những mức tăng giá ấn tượng, phần nào tạo tâm lý cân bằng cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý trong khoảng từ đầu năm 2020 tới nay là cái tên quen thuộc VPB. Chỉ trong 2 tháng trở lại đây VPB đã tăng tới 40%, lên vùng 29.000 đồng/cổ phiếu.
Hẳn nhiều nhà đầu tư cũng biết đến những thông tin tích cực đến từ VPB khi đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, rồi kế hoạch IPO hoặc bán cổ phần cho đối tác chiến lược mảng FE Credit – vốn là con gà đẻ chứng vàng của VPB trong nhiều năm qua.
Ngoài ra trên các diễn đàn, giới đầu tư còn truyền nhau thông tin tổ chức JP Morgan Chase & Co. nâng target cho cổ phiếu VPB! Đây là một trong những hãng dịch vụ tài chính hàng đầu và lâu đời nhất trên thế giới.
Mọi diễn biến đã đảo chiều từ khoảng 14h khi áp lực bán gia tăng mạnh nhất lên nhóm ngân hàng như CTG, BID, VCB, TCB… Cả BID và CTG đều có mức giảm giá trên 3,5% với khối lượng lớn.
Đây đều là những mã cổ phiếu có mức tác động lớn lên chỉ số thị trường đã tạo tâm lý “hoảng loạn” ở thời điểm cuối phiên giao dịch khiến sắc đỏ bao trùm trên diện rộng, số mã đỏ áp đảo mã xanh với 221/131 mã cổ phiếu.
Đóng cửa VN-Index giảm 5,04 điểm (0,54%) với khối lượng giao dịch đạt 180 triệu đơn vị. HNX-Index cũng khớp lệnh 33 triệu đơn vị, giảm 1,48 điểm, tương ứng giảm 1,35%.
Kỳ vọng về sự tích cực đến từ khối ngoại đã không được đáp ứng khi họ đã bán ròng hơn 130 tỷ trên toàn thị trường, tập trung chủ yếu vào E1VFVN30, BID và PVD.
Điều này có thể được giải thích qua đồ thị kỹ thuật khi VN-Index đã chạm vùng kháng cự 940 điểm mà đã 3 lần trước đã kiểm chứng thất bại. Tại ngưỡng này, vô hình chung đã tạo nên tâm lý chốt lời của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cùng với đó là những dấu hiệu rơi gãy khỏi vùng tích lũy trước áp lực bán quá mạnh của các cổ phiếu có tầm ảnh hưởng như CTG, BID… Đó thực sự là một hệ lụy tất yếu.
Trong những phiên tới, nếu không hãm được đà giảm và không hàn gắn lại được mức phá vỡ của điểm số, rất có thể VN-Index sẽ đứng trước nguy cơ giảm điểm trong thời gian tới. Thận trọng không thừa!