Bleisure travel – xu hướng công tác kết hợp nghỉ dưỡng
Bleisure travel hình thành trước đại dịch và dự đoán sẽ phát triển mạnh những năm tới, khi thế giới mở cửa hoàn toàn và du lịch trở lại bình thường.
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM 2022 từ 8 đến 10/9, hội thảo “Tiềm năng du lịch kinh doanh” đã làm rõ hơn một xu hướng ngày càng được giới trẻ, nhất là những người thành đạt ưa chuộng, đó là “bleisure travel”.
Bleisure travel là gì?
Bleisure là từ ghép của “business – công việc” và “leisure – giải trí. “Bleisure travel” là hình thức đi công tác kết hợp nghỉ dưỡng. Lực lượng lao động chính thuộc Millennials – thế hệ Y (sinh từ 1981 đến 1996) và đầu thế hệ Z (sinh từ 1997 đến 2012), những người quan tâm tới sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng chính là đối tượng của xu hướng này.
Với họ, những chuyến công tác không chỉ là thời gian làm việc “đầu tắt mặt tối” để rồi ngay khi xong việc đáp chuyến bay trở về. Những chuyến đi công việc thành cơ hội để họ kết hợp du lịch sau những ngày bận rộn. Họ sẵn sàng ở lại thêm vài ngày để khám phá những điều mới mẻ tại nơi đến công tác.
Ông Martin Koerner, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, khách sạn và nhà hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, thống kê có 40% khách du lịch doanh nhân kết hợp nghỉ dưỡng khi công việc kết thúc. Họ thường kéo dài chuyến công tác thêm ít nhất một ngày để nghỉ ngơi. Xu hướng này hình thành từ trước đại dịch nhưng được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong năm nay và năm tới, khi thế giới hoàn toàn mở cửa và du lịch trở lại bình thường.
Bleisure có thể là một “cái cớ” để nhân viên xin thêm ngày nghỉ và dùng tiền của công ty để trang trải cho chuyến du lịch cá nhân. Tuy nhiên, bản chất của loại hình này không phải vậy và lợi ích mang tới không nhỏ. Nhiều công ty hiện ủng hộ nhân viên ở lại du lịch sau chuyến công tác. Họ hiểu rằng đó là cách kết hợp giữa nghỉ ngơi và làm việc, để giảm stress, thậm chí tiết kiệm tiền bạc và cả thời gian.
Việc kéo dài chuyến công tác thành chuyến du lịch nghỉ dưỡng được nhiều người trẻ ưa chuộng. Ảnh: Pexels.
Những tác động tích cực của du lịch bleisure
Đối với người lao động, nhất là những người trẻ có kinh nghiệm và vị trí nhất định, động lực làm việc của họ không chỉ là lương. Những phúc lợi từ công ty là điều nhiều người cân nhắc. Trong đó, bleisure là một xu hướng và phúc lợi hấp dẫn với thế hệ Millennials và gen Z. Những chuyến công tác của họ sẽ không còn nhàm chán và mệt mỏi nếu được khuyến khích ở lại thêm để nghỉ dưỡng.
Kết hợp công tác và nghỉ dưỡng cũng là cách tiết kiệm chi phí đi lại đáng kể. Không chỉ tiết kiệm mà bleisure còn gia tăng giá trị cho bản thân. Thời gian nghỉ dưỡng sau chuyến đi có thể giúp họ khám phá thêm văn hóa ở khu vực thị trường mà công ty đang hướng tới hay gặp gỡ những người mới trong cùng ngành nghề nơi họ đang ở. Từ đó họ học hỏi, kết nối và phát triển thêm bản thân, cuối cùng là phát triển những kỹ năng mềm có thể bổ trợ cho công việc.
Không chỉ với người lao động mà bleisure cũng mang tới nhiều ích lợi cho các công ty. Khi ủng hộ nhân viên đi công tác kết hợp nghỉ dưỡng, công ty đã khuyến khích nhân viên cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Từ đó nhân viên sẽ có xu hướng làm việc hiệu quả và gắn bó lâu dài hơn với công ty. Tỉ lệ nhân viên nghỉ việc giảm, hiệu suất công việc cao hơn, đồng thời nhân viên cũng sẽ ít khi xin nghỉ phép hơn bởi họ đã có cơ hội nghỉ ngơi khi đi công tác.
Với doanh nghiệp du lịch, bleisure mang đến nguồn khách hàng mới, tăng doanh thu ngay cả trong mùa thấp điểm. Còn với điểm đến, những vị khách của bleisure chính là kênh quảng bá hữu hiệu nếu họ đạt được những trải nghiệm đáng nhớ.
TP HCM với không gian đa dạng, dịch vụ phong phú là điểm đến có thể thu hút nhiều đối tượng khách du lịch bleisure. Ảnh: Pexels
TP HCM – điểm đến tiềm năng cho khách bleisure
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, “bleisure travel” đang được kỳ vọng sẽ trở thành một phong cách sống phổ biến không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, giúp mọi người cân bằng giữa công việc và giải trí, đồng thời mang lại lợi ích cho các bên liên quan.
TP HCM phát triển mạnh với nhiều công ty đa dạng ngành nghề, đồng thời cơ sở vật chất cho du lịch ở đây cũng đáp ứng lượng khách lớn. Thành phố có nhiều công trình cổ, khách sạn 5 sao, nơi nghỉ dưỡng đẹp, hoạt động giải trí sôi động. Theo thống kê, hiện TP HCM có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng, khoảng 1.280 doanh nghiệp lữ hành và gần 7.000 hướng dẫn viên du lịch với gần 60% là hướng dẫn viên quốc tế.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá Việt Nam nói chung và TP HCM có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bleisure. Dòng khách doanh nhân kết hợp nghỉ dưỡng thường quan tâm nhiều đến những dịch vụ du lịch wellness kết hợp giữa sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời hào hứng với việc khám phá thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống địa phương. Ngoài ra, do tính chất chuyến đi, họ cũng kỳ vọng vào các tiện ích công nghệ cao, mang đến trải nghiệm dễ dàng cho công việc.
Với việc TP HCM được chọn là điểm đến du lịch kết hợp công tác hàng đầu châu Á tại World Travel Awards 2022, cùng những tiềm năng và kế hoạch phát triển, các chuyên gia dự đoán lượng khách của du lịch bleisure TP HCM và Việt Nam sẽ tăng nhanh, xu hướng này ngày càng phổ biến.
Veronica Linh