Biotin (vitamin B7) có những lợi ích và tác dụng phụ nào?

Biotin còn được gọi là vitamin B7, là một trong 8 loại vitamin nhóm B. Biotin giúp cơ thể tạo ra axit béo và glucose. Loại vitamin này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate và axit amin, đồng thời hỗ trợ sự phân hủy chất béo. Đây đều là những chức năng rất quan trọng đối với quá trình sản sinh năng lượng trong cơ thể.

Biotin (vitamin B7) được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, ví dụ như sữa, nội tạng, trứng, cà rốt, cá hồi và các loại hạt. Lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày đối với biotin là 30 microgam. (1) Hiện nay còn có các sản phẩm viên uống biotin dành cho những người có nhu cầu bổ sung. Tuy nhiên, việc uống bổ sung biotin không được khuyến khích trừ khi được bác sĩ chỉ định.

Biotin là một phần cần thiết trong quá trình sản sinh năng lượng cũng như là duy trì các chức năng bình thường của cơ thể. Giống như tất cả các loại vitamin khác, cơ thể con người phải có đủ biotin thì mới khỏe mạnh. Biotin có vai trò quan trọng đối với nhiều bộ phận cơ thể như gan, hệ thần kinh, da, tóc, mắt,…

Các nghiên cứu cho thấy biotin có thể giúp điều trị một số vấn đề sức khỏe như: (2)

  • Hạ đường huyết
  • Tăng lipid máu
  • Kiểm soát mức đường huyết ở người béo phì mắc bệnh tiểu đường (khi kết hợp với chromium picolinate)

Biotin còn được cho là có tác dụng cải thiện tình trạng tóc và móng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có rất ít bằng chứng cho thấy điều này. Cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ về các lợi ích của biotin.

Biotin trong thực phẩm không có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Mặc dù hầu hết mọi người đều nhận được đủ lượng biotin cần thiết từ chế độ ăn uống hàng ngày nhưng trong những trường hợp bị thiếu hụt thì sẽ cần dùng viên uống bổ sung để tăng lượng biotin cho cơ thể. Chỉ nên sử dụng những sản phẩm này khi được bác sĩ chỉ định. Nếu sử dụng đúng liều lượng thì viên uống biotin sẽ không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể xảy ra là đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Nếu được khuyến uống biotin thì cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng cũng như là bất kỳ bệnh lý nào đang mắc phải. Biotin có thể tương tác với một số loại thuốc và dẫn dến phản ứng không mong muốn hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh.

Mặc dù thiếu biotin là một vấn đề không phổ biến nhưng một số thói quen ăn uống hoặc sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt loại vitamin này. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hút thuốc lá có thể làm tăng tốc độ chuyển hóa biotin trong cơ thể và dẫn đến thiếu hụt, đặc biệt là ở phụ nữ. (3)

Thường xuyên ăn trứng sống, nhất là lòng trắng trứng cũng có thể gây thiếu hụt biotin. Nguyên nhân là do lòng trắng trứng sống có chứa một loại protein có tên là avidin có khả năng liên kết chặt chẽ với biotin và điều này làm giảm lượng biotin mà ruột có thể hấp thụ. Nấu chín sẽ làm thay đổi hoạt động của avidin, nhờ đó làm giảm khả năng liên kết với biotin. Sự thiếu hụt biotin do ăn nhiều lòng trắng trứng sống có thể dẫn đến một tình trạng gọi là yếu chi phản ứng với biotin. Tình trạng này tương tự như chứng liệt tứ chi.

Ngoài ra, thiếu hụt biotin còn có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như:

  • Đang dùng một số loại thuốc gây cản trở khả năng hấp thụ vitamin của cơ thể, ví dụ như thuốc chống động kinh
  • Có vấn đề về đường ruột, dẫn đến giảm lượng biotin được hấp thụ
  • Chế độ ăn uống không cân bằng, ăn kiêng khắc nghiệt
  • Thiếu men biotinidase

Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị thiếu biotin gồm có:

  • Rụng tóc
  • Móng yếu, dễ gãy hoặc tách
  • Cholesterol tăng cao
  • Phát ban, đóng vảy trên da
  • Vấn đề tim mạch, ví dụ như tim đập nhanh

Khi lượng biotin tiêu thụ vượt quá mức liều lượng khuyến nghị thì sẽ được coi là quá nhiều. Tổng lượng biotin tiêu thụ trong một ngày bao gồm cả biotin trong thực phẩm và biotin từ viên uống bổ sung nếu có.

Lượng biotin quá lớn sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe và dẫn đến một số vấn đề như:

  • Làm giảm lượng vitamin C và giảm sức đề kháng
  • Làm tăng mức đường huyết
  • Giảm lượng vitamin B6 và ảnh hưởng đến hệ thần kinh
  • Phát ban da
  • Ảnh hưởng đến sự giải phóng hormone insulin và gây hại cho chức năng gan
  • Vấn đề về tiêu hóa
  • Làm tăng lượng nước tiểu và gây hại đến thận

Ngoài ra, lượng biotin cao còn có thể khiến một số phương pháp xét nghiệm cho kết quả không chính xác, ví dụ như kết quả dương tính giả khi làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh tuyến giáp.

Ở đa số mọi người thì chỉ cần có chế độ ăn uống cân bằng là đủ để đáp ứng nhu cầu biotin của cơ thể nên không cần thiết phải uống bổ sung biotin. Viên uống biotin chỉ được khuyên dùng trong trường hợp bị thiếu hụt.

Tóm tắt bài viết

Đa phần thì chế độ ăn uống hàng ngày có thể đáp ứng đủ lượng biotin mà cơ thể cần. Do đó, không cần thiết phải uống bổ sung thêm. Việc dùng viên uống biotin thường chỉ được khuyến nghị cho những trường hợp bị thiếu hụt, ví dụ như đang dùng một số loại thuốc hoặc mắc các bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Khi có những dấu hiệu thiếu biotin như rụng tóc, móng yếu hay phát ban da thì nên đi khám để bác sĩ tư vấn cách bổ sung và liều lượng thích hợp. Việc bổ sung biotin quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng đường huyết, ảnh hưởng hệ thần kinh, vấn đề về tiêu hóa và gây hại đến gan hoặc thận.