Bình thường mới đừng ‘bỏ quên’ dịch vụ giải trí
Phóng viên
– 20/03/2022 | 15:37 (GTM + 7)
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Việc sớm mở cửa dịch vụ giải trí còn có nhiều ý nghĩa với cơ quan quản lý, bởi tình trạng các cơ sở mở “chui” còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, không chỉ là dịch bệnh mà còn cả những yếu tố tiêu cực, không lành mạnh có thể phát sinh
Khi hợp đồng thuê nhà hết hạn vào cuối năm 2021, anh Nguyễn Đức Anh, chủ một cửa hàng trò chơi điện tử tại quận Đống Đa, Hà Nội đã thu dọn đồ đạc và chuyển sang làm shipper. Sau nhiều tháng mòn mỏi chờ đợi, anh buộc phải tìm kế mưu sinh khác:
“Mấy năm nay đóng suốt, thu nhập không ổn định. 5 triệu tiền mặt bằng thì 1 năm là 60 triệu rồi, chủ nhà chỉ giảm cho được một nửa, mà bọn em đóng theo quý. Máy móc không chơi thì nó sẽ hỏng, sửa mấy cái rồi. Chỉ mong là bây giờ được mở lại thôi”.
Nhiều dịch vụ kinh doanh có điều kiện khác như: karaoke, bar, massage,… cũng ở trong trạng thái tương tự, bỏ không được, cầm cự cũng không xong. Anh Đoàn Trung Quân ở quận Long Biên cho biết, trong 2 năm qua, thời gian cửa hàng karaoke của anh được mở chỉ khoảng 10%, còn 1 năm trở lại đây thì gần như đóng hoàn toàn:
“2 cơ sở của em mỗi tháng khoảng 80 triệu tiền chi phí. Tiền nhà mang đi hết rồi, phải đi vay. Mà Thành phố cũng chưa công bố lộ trình gì cụ thể cả, để bọn em còn tiếp tục cầm cự hay là giải thể. Anh em nhân viên cũng mỗi người một nơi, làm các công việc khác. Và các đồ đạc bây giờ có mở lại thì cũng phải nâng cấp. So với số tiền đầu tư ban đầu mà bây giờ thanh lý thì không được bao nhiêu”.
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ngày 18/2/2022, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tự xây dựng và tổ chức kế hoạch mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, căn cứ theo kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh. Những dịch vụ này hiện đã được hoạt động trở lại tại một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai,… TP. Hải Phòng cũng cho phép quán karaoke, vũ trường mở cửa thử nghiệm trong 2 tháng.
Còn tại Hà Nội, theo Kế hoạch số 243 ngày 29/10/2021, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu bia) được bán hàng tại chỗ và đóng cửa trước 21h hằng ngày. Còn cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, trò chơi điện tử ngừng hoạt động. Thời gian qua, báo chí nhiều lần phản ánh về những bất cập khi quy định cửa hàng ăn uống phải đóng cửa trước 21h.
Và trong văn bản mới nhất ngày 15/3/2022, TP. Hà Nội đã cho phép nhà hàng, quán ăn uống được hoạt động bình thường, không quy định đóng cửa trước 21h hằng ngày. Tuy nhiên, văn bản mới nhất không đề cập hoạt động của vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, trò chơi điện tử. Như vậy, sau gần 5 tháng từ Kế hoạch số 243, “số phận” của những dịch vụ này vẫn chưa được “định đoạt”.
Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có thể hiểu sự thận trọng của TP. Hà Nội bởi những địa điểm như quán bar, vũ trường, karaoke,… có môi trường đóng kín, khả năng thông khí kém, khách hàng thường không đeo không trang và hoạt động hát – nói có nguy cơ phát tán virus.
Tuy nhiên, theo ông Nga, trong bối cảnh độ phủ vaccine cao trong cộng đồng, dịch bệnh dần được kiểm soát, và đặc biệt, hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn, thì Thành phố nên sớm xem xét cho các dịch vụ giải trí được hoạt động trở lại:
“Dịch tại Hà Nội bắt đầu có chiều hướng tốt hơn, thì các dịch vụ giải trí: quán bar, karaoke, spa,… nghiên cứu cho mở đi, bởi khách du lịch mình đã cho đến rồi, thì phải có nơi để họ giải trí.
Tất nhiên là chúng ta sẽ điều chỉnh, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng khí cho tốt, mỗi người đến đấy phải ý thức được sức khỏe của mình. Trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch thuộc về người dân, chứ không phải thuộc về Nhà nước nữa. Có bệnh nền, sức đề kháng yếu thì không nên tham gia”.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, mỗi ngành nghề đều có vai trò quan trọng trong chuỗi hoạt động của nền kinh tế. Và du lịch nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung đều có ngành “vệ tinh” của mình:
“Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước. Chúng ta đã mở cửa cho khách quốc tế thì nên khởi động lại các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của họ.
Tôi nói ví dụ, mở khách sạn chẳng hạn, không chỉ có mình khách sạn, mà kèm theo đó là bán đồ lưu niệm, người chạy xe ôm, taxi,… cũng tăng doanh thu. Còn quản lý như thế nào, chúng ta có thể tăng cường, đưa ra những điều kiện để đảm bảo phòng chống dịch tốt hơn”.
Dưới một góc nhìn khác, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, việc sớm mở cửa dịch vụ giải trí còn có nhiều ý nghĩa với cơ quan quản lý. Bởi tình trạng các cơ sở mở “chui” được báo chí phản ánh thời gian qua thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, không chỉ là dịch bệnh mà còn cả những yếu tố tiêu cực, không lành mạnh có thể phát sinh:
“Việc hồi phục các hoạt động dịch vụ có rất nhiều ý nghĩa trong nền kinh tế quốc dân cũng như nhu cầu của người dân trong điều kiện bình thường mới.
Nhưng đây là những hoạt động tương đối phức tạp và nhạy cảm, chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, vừa đảm bảo tính công bằng trong hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo văn minh và các yêu cầu quản lý Nhà nước được thực thi tốt nhất”.
Có cầu ắt có cung, khi nhu cầu không được đáp ứng thì một số người sẽ tìm đến những dịch vụ trái quy định
Giải trí với các dịch vụ vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, trò chơi điện tử là nhu cầu có thực của người dân, và chủ cơ sở cũng mong mỏi được hoạt động trở lại để vượt qua khó khăn. Thực tế, không ít cơ sở “túng quá hóa liều”, hoạt động “chui” bất chấp quy định.
Do vậy, thay vì cấm và không rõ những gì đang diễn ra sau cánh cửa đóng kín, các cơ quan quản lý nên xem xét, từng bước cho các dịch vụ giải trí được hoạt động trở lại. Góc nhìn của VOV Giao thông qua bình luận: “Mở cửa để quản lý tốt hơn”
Đại dịch COVID-19 là biến cố chưa từng có trong lịch sử, chính vì vậy, công tác phòng chống dịch trong hơn 2 năm qua khó tránh khỏi thiếu sót. Cả nước đã cùng nhau đi qua những thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh. Những bất cập của các quy định như: “luồng xanh”, giấy đi đường, giấy chứng nhận F0… hay yêu cầu đóng cửa nhà hàng ăn uống trước 21h đều đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế sau những phản của dư luận.
Ngay cả quy định 5K, vốn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động, cũng được đề xuất điều chỉnh thực hiện theo thứ tự ưu tiên lần lượt là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khai báo y tế – Khoảng cách – Không tụ tập đông người, khi nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung có thể không còn phù hợp. Tất cả vì mục tiêu khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội và thiết lập trạng thái bình thường mới.
Nếu hàng quán đóng cửa thì người dân lại tụ tập ăn uống, vui chơi tại nhà. Trong bối cảnh có hàng trăm nghìn F0 mới mỗi ngày, ai cũng có thể mắc bệnh với rất nhiều nguồn lây khác nhau trong cộng đồng, dù chẳng vào quán xá.
Do đó, việc trì hoãn mở cửa, hoặc giới hạn các hoạt động dịch vụ không còn nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh hơn 90% người dân cả nước trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đa phần ca bệnh ở thể nhẹ, và chúng ta đang trên đường tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu trong tương lai.
Với các dịch vụ vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, trò chơi điện tử, như các chuyên gia đã đề cập, đó là những “mắt xích” quan trọng trong chuỗi hoạt động của nền kinh tế, tạo sinh kế cho một lực lượng lớn lao động và đáp ứng yêu cầu mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Việc nối lại hoạt động cũng là mong mỏi của cả chủ và khách.
Rất nhiều chủ cơ sở đã kiệt quệ kinh tế sau hơn 2 năm đương đầu với đại dịch. Còn với người dân, nhu cầu giải trí có thể là chưa thiết yếu lúc dịch bệnh căng thẳng, nhưng nay đã xác định chung sống với dịch, thì họ cần có những địa điểm vui chơi, giải tỏa áp lực dồn nén bấy lâu.
Có cầu ắt có cung, khi nhu cầu không được đáp ứng thì một số người sẽ tìm đến những dịch vụ trái quy định. Chính vì vậy, cho phép các dịch vụ giải trí hoạt động là cách quản lý, kiểm tra, giám sát tốt hơn của cơ quan chức năng, tránh tình trạng hoạt động “chui”, không đảm bảo an toàn, hay những tệ nạn xã hội đang lẩn khuẩn phía sau cánh cửa vờ như đang đóng.
Việc khôi phục dịch vụ giải trí tại Hà Nội có thể chậm hơn các tỉnh thành khác, có thể cần lộ trình từng bước, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương, nhưng những chủ cơ sở đang mắc kẹt trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” mong chờ người có trách nhiệm không “bỏ quên” mình.
Lộ trình mở cửa và quy định phòng chống dịch cụ thể, cùng việc kiểm tra, giám sát nghiêm túc là cách thực sự thiết lập trạng thái “bình thường mới”, chứ không dừng lại ở mức khẩu hiệu đơn thuần.