Bình đẳng và pháp luật
Bình đẳng và pháp luật
Nguyễn Thanh Bình, Ban Dân chủ
Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quyền bình đẳng của con ng-ời
Trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta, bình đẳng được xác định là quyền con người: “Những sự thật sau đây là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hoá ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Như vậy, bình đẳng được diễn giải bằng các quyền tự nhiên như nhau cho tất cả mọi người mà không một ai có thể xâm phạm, có ý nghĩa của luật pháp và được bảo đảm bởi luật pháp. Vì là “hiển nhiên ” do “ tạo hoá ban cho” nên pháp luật được tạo ra cho con người chứ không phải con người tạo ra pháp luật. Bình đẳng của con người nhờ luật pháp mà có thể thủ đắc. Vì vậy, từ hàng nghìn năm nay, nhân dân đã đấu tranh để “ bảo vệ luật pháp như bảo vệ chốn nương thân của mình” như lời của nhà triết học cổ đại Hy Lạp Hêraclít đã từng nói. Bình đẳng giữa mọi người là một thuộc tính tự nhiên của con người. Bởi vì, tất cả mọi người đều có năng lực hiểu được những quyền và nghĩa vụ của mình; có năng lực như nhau về khoái cảm và đau khổ; có phẩm giá như nhau vì họ đều là những thực thể đạo đức, có khả năng sử dụng lý trí của mình để đề ra và noi theo các chuẩn mực đạo đức và mọi người đều phải được coi như mục đích tự thân mà không phải như phương tiện, nên mọi người đều bình đẳng. Bình đẳng xã hội Bình đẳng xã hội là bình đẳng về cơ may ban đầu (những điều kiện xã hội bình đẳng giống nhau cho mọi con người khi họ bước vào đời sống xã hội) chứ không nên hiểu là sự phân phối của cải xã hội ở những mức giống nhau cho mọi người (là “ bình đẳng về phân phối” rất gần gũi với chủ nghĩa bình quân). Bình đẳng về quyền mưu cầu hạnh phúc trên cơ sở quyền sống và quyền tự do chứ không phải là quyền được hạnh phúc. Điều tốt nhất nhà nước có thể làm là tạo ra một số điều kiện mà nhờ đó người dân có thể mưu cầu hạnh phúc. Những yếu tố khác trong việc mưu cầu hạnh phúc đều nằm ngoài khả năng của nhà nước. Do vậy, điều quan trọng nhất là nhà nước có pháp luật bảo vệ quyền được sống, quyền tự do, quyền sở hữu, quyền được an toàn và chống áp bức… một cách bình đẳng (đây không có gì khác hơn là nhà nước pháp quyền) để tất cả mọi người có thể mưu cầu hạnh phúc. Cho nên, bình đẳng giữa người và người không có nghĩa rằng không có người giầu và người nghèo, không có người hạnh phúc và người bất hạnh v.v… mà tất cả mọi người đều có cùng những quyền mà không một nhà nước nào có thể tước bỏ. Quyền con người xuất hiện dưới dạng quyền tự nhiên, do vậy, “ Dù tôi đã nói ở trên “về bản chất tất cả mọi người đều bình đẳng”, tôi cũng không thể cho rằng mình hiểu tất cả các kiểu “bình đẳng”. Tuổi tác hoặc đức hạnh có thể cho con người một quyền ưu tiên chính đáng. Sự xuất sắc về các mặt và công đức có thể đặt những người khác nằm trên mức chung… nhưng tất cả chuyện này đều nhất quán với sự bình đẳng mà tất cả mọi người đều có được xét về quyền tài phán hoặc quyền thống trị của người này đối với ng-ời khác” (John Locke “ Về chính quyền dân sự ”). Có thể thấy rằng, quyền được bình đẳng trước pháp luật (quyền được luật pháp bảo vệ đồng đều) là quyền căn bản cho tất cả các xã hội công bằng và dân chủ. Dù giầu hay nghèo, dù thuộc sắc dân chiếm đa số trong xã hội hay thuộc thiểu số tôn giáo… tất cả đều được bảo vệ công bằng trước pháp luật. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà nước cũng không được quyền áp đặt thêm những chuyện bất bình đẳng, nhà nước buộc phải cư xử đúng mức và đồng đều với tất cả nhân dân trong n-ớc.
Bình đẳng và công bằng
Khái niệm bình đẳng gắn bó chặt chẽ với khái niệm công bằng. Công bằng là sự tương xứng giữa “ cống hiến ” và “ hưởng thụ ” trong điều kiện mọi người có “ cơ may ngang nhau” (loại bỏ các đặc quyền, mở ra khả năng cho mọi cá nhân thực hiện năng lực và tài năng của mình). Theo khái niệm truyền thống, công bằng được hiểu trong sự tôn trọng pháp luật và các quyền được công nhận. Nghĩa là, phải hiểu công bằng ở quá trình hành vi mà không phải ở kết quả của hành vi dựa trên những điều kiện công bằng về pháp luật và kết quả của hành vi ấy như thế nào đi nữa cũng không thể bị coi là không công bằng nếu nó được tạo ra bởi một sự cạnh tranh “ trung thực ”, “đúng quy tắc” 1 . Platon đã nói: “ Phần của ai trả về cho người nấy” và “Cư xử bình đẳng với người đồng đẳng và cư xử bất bình đẳng với người bất đồng đẳng theo mức độ bất đồng đẳng của họ”. Nhiệm vụ của nhà nước là căn cứ vào pháp luật để đem lại cho mỗi người “ phần ” của họ. “ Phần ” của mỗi người chính là việc nhà nước tôn trọng những quyền tự nhiên như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Ví dụ, quyền được tự do chính trị có liên quan tới quyền bầu cử cho công dân, một quyền mà theo lẽ công bằng thì phải trao cho bất kỳ ai ngoài những người còn ở tuổi vị thành niên, bệnh tâm thần, hoặc bị kết án. Sẽ là bất công khi nhà nước hạn chế quyền bầu cử của một số người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, màu da v.v… “ Phần ” của các công dân chính là các quyền tự nhiên của họ. ” Dành cho mỗi người điều họ đáng được hưởng” là một cách khác để phát biểu rằng người đóng góp nhiều phải nhận được nhiều, người đóng góp ít sẽ nhận được ít. Dù ở chừng mực nào, sự phân phối của cải cũng được xác định theo cách đó mới thể hiện sự công bằng của pháp luật. Pháp luật là một mối tương quan chứ không phải là một thực thể tự thân tồn tại. Chức năng của pháp luật là mang lại cho mỗi cá nhân những gì thuộc về họ, là tìm ra tỉ lệ phân chia đúng các sự vật cho các cá nhân, tức là giải pháp hợp lý dựa trên sự công bằng và bình đẳng. Bình đẳng bao gồm cả sự “ bất bình đẳng ” cần thiết giữa những người có tài năng, đạo đức, lao động, cống hiến… khác nhau, là tỷ lệ phân chia đúng dựa trên cơ sở của pháp luật tự nhiên đích thực. Như vậy, thứ nhất , bình đẳng là như nhau. Công bằng là công lý như nhau, là theo đúng lẽ phải, không thiên vị. Mọi người đều như nhau trước công lý, như nhau trước pháp luật. Thực tế, do khác nhau về mặt tự nhiên – thể chất, tính cách; về địa vị xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo… giữa mỗi con người với nhau nên chỉ có thể là bình đẳng về pháp luật khi pháp luật là công bằng cho mọi người. Vì vậy, công bằng và bình đẳng phải đi liền với nhau. Thứ hai, vì bình đẳng dựa trên sự công bằng, còn công bằng là hạt nhân của công lý và công lý chính là nền tảng của pháp luật, nên việc dùng song song và đi liền nhau hai phạm trù “ công bằng và bình đẳng ” là để diễn đạt được đầy đủ bản chất của pháp luật và các quyền. Do đó, trong nhà nước pháp quyền, toà án nhân danh công lý để phán xử chứ không nhân danh nhà nước (vì chính nhà nước cũng có thể bị cá nhân hoặc tổ chức kiện nên không thể nhân danh mình được). Nhà nước pháp quyền là nhà nước của công lý, nhà nước của công bằng và bình đẳng.
Mối quan hệ giữa bình đẳng, công bằng trong pháp luật
Công bằng xã hội – đó cũng chính là công bằng pháp lý, tức là việc chấp hành đúng nguyên tắc pháp lý về sự bình đẳng trong các lĩnh vực và các mối quan hệ tương ứng của đời sống xã hội, chứ không phải là một sự công bằng nào đó, dường như phi pháp lý. Sự công bằng và bình đẳng về thực chất là sự công bằng và bình đẳng pháp lý. Đối lập trực tiếp của công bằng với tư cách là sự thể hiện của nguyên tắc bình đẳng hình thức (bình đẳng pháp lý) phổ biến (chung đối với tất cả mọi chủ thể) là “ sự công bằng” của chủ nghĩa bình quân, mà tín điều của chủ nghĩa bình quân là sự bình đẳng thực tế (thực chất là hưởng thụ) phổ biến. Sự bình quân sẽ đẻ ra hệ thống hành chính – mệnh lệnh (cưỡng bức và bạo lực) và gây ra sự đặc quyền, đặc lợi. Sự công bằng thể hiện và phản ánh khởi nguyên pháp lý – nguyên tắc bình đẳng hình thức phổ biến, trừu tượng về tự do. Sự công bằng không có một nguyên tắc điều tiết hình thức – như nhau với mọi người, phổ biến nào khác ngoài nguyên tắc pháp luật. Việc thừa nhận sự bình đẳng hình thức giữa tất cả mọi người khác nhau có nghĩa là có sự tự do và độc lập giữa họ với nhau. Chỉ có những người tự do mới có thể là những chủ thể của pháp luật. ở đâu không có tự do thì ở đó cũng không có pháp luật. Để bình đẳng không phải là một lý tưởng trống rỗng, là trái với tự do và có hại cho hiệu quả sản xuất thì bình đẳng phải được tìm kiếm và đạt được từ trong quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người. Bình đẳng là một giá trị, một lý tưởng và là một thực tế hữu hạn, tương đối; là cái mà con người cần vươn tới và xứng đáng với nó (chứ không phải là mưu cầu ích kỷ, đặt sự thoả mãn lên trên quy phạm khách quan của nghĩa vụ, lẽ phải và sự công bằng hoặc để nhằm đạt được bình quân chủ nghĩa).
Kết luận
Pháp luật tự nhiên, quyền tự nhiên là nguồn gốc của những chuẩn mực đạo đức, nền tảng của những phán đoán đạo đức, và là thước đo sự công bằng, bình đẳng trong các luật lệ của nhà nước nhân tạo. Nếu luật của nhà nước đi ngược với châm ngôn của luật tự nhiên thì đó là luật không công bằng, bình đẳng. Vì vậy, bình đẳng không chỉ được đặt ra giữa người với người mà còn là bình đẳng giữa công dân và nhà nước, chỉ có thể đạt được trong nhà nước pháp quyền và xã hội công dân – là nhà nước và xã hội – mà trong đó: “ Luật pháp là sự biểu thị ý chí chung; mọi công dân đều có quyền tham gia trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu của mình vào việc xây dựng luật pháp; luật pháp phải là như nhất đối với tất cả mọi người khi bảo hộ cũng như khi trừng phạt. Mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp, nên đều có thể được giữ mọi chức vụ, mọi địa vị, mọi công vụ theo năng lực, và không có bất cứ sự phân biệt nào khác ngoài đạo đức và tài năng của mỗi người” 2 . Đó cũng là sự lý giải tuyệt vời nhất, “ hiện đại ” nhất về mặt pháp lý mối quan hệ giữa bình đẳng và pháp luật./.