Bình đẳng giới với phát triển và quyền con người

Bình đẳng giới với phát triển và quyền con người

(ĐCSVN)- Ở nước ta, quyền con người nói chung, quyền của nữ giới và bình đẳng giới đã được Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam ta tôn trọng. Điều này thể hiện trong Cương lĩnh thông qua Đại hội XI và trong Hiến pháp 2013.

 Để làm rõ mối quan hệ giữa bình đẳng giới với phát triển và quyền con người chúng ta cần nhận thức đúng khái niệm phát triển. Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, “phát triển là một quá trình toàn diện về chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế nhằm cải thiện một cách liên tục và vững chắc sự phồn vinh của toàn thể dân chúng và của mọi cá nhân, dựa trên sự tham gia có ý nghĩa, tự do và tích cực của họ vào sự phát triển và vào việc phân phối một cách cộng công bằng những lợi ích phát sinh từ sự phát triển đó”[1].

Như vậy khái niệm “phát triển” theo “Tuyên bố về về quyền phát triển” bao gồm các yếu tố sau: là một quá trình (hoạt động) toàn diện về “chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.”,  nhằm hướng tới “sự phồn vinh cho toàn thể dân chúng và của mọi cá nhân” ; dựa trên sự tham gia của mọi người…vào những hoạt động đó bao gồm cả sự phân phối công bằng lợi ích phát sinh từ sự sự phát triển.

Có thể nhận thấy khái niệm phát triển không chỉ đề cập tới mục tiêu, nội dung mà còn đề cập tới phương thức hoạt động của cá nhân và tổ chức xã hội trên các lĩnh vực. Trong khái niệm phát triển, đáng chú ý là quan điểm về sự tham gia của tất cả mọi người vào quá trình phát triển. 

Về khái niệm giới, khác với  giới tính (sex) chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ, giới (gender) chỉ vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội, cộng đồng và gia đình. “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (Luật bình đẳng giới).

Mối quan hệ giữa bình đẳng giới với phát triển có thể nghiên cứu trên hai mặt cắt: mặt cắt về cấp độ (cá nhân và xã hội); mặt cắt về các lĩnh vực ( chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa). Về nội hàm của mối quan hệ giữa bình đẳng giới và phát triển chúng ta cần nghiên cứu về thể chế, chính sách, văn hóa và pháp luật.

 Đương nhiên chủ thể của những tương tác này trong chế độ xã hội ta hiện nay không chỉ là cá nhân và nhà nước (cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp) mà còn là các tổ chức xã hội (Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ) và doanh nghiệp. Để đi sâu vào mối quan hệ giữa bình đẳng giới với phát triển chúng ta cần nhận thức nội dung, bản chất của khái niệm bình đẳng giới.

Theo quan điểm quốc tế, quyền phát triển của con người không thể tách rời phát triển bền vững. Tuyên bố Viên và Chương trình hành động tái khẳng định quyền được phát triển, trong Phần I, Điều 11 đã nhấn mạnh rằng: “Quyền được phát triển cần được thực hiện theo h­ướng đáp ứng một cách cân bằng các nhu cầu về phát triển và về môi trường của cả thế hệ hiện tại và tương lai”.

Trong Tuyên bố về quyền phát triển, định nghĩa quyền phát triển được nêu khá rõ ràng tại Điều 1[2] Theo định nghĩa này có thể hiểu quyền phát triển là một quyền con người, vì vậy nó gắn với quyền của mỗi cá nhân. Song điểm đặc biệt của quyền phát triển – quyền con người thế hệ thứ 3 này đó là nó quy định rất cụ thể quyền của mọi dân tộc  được tham gia vào, đóng góp cho và hưởng thụ thành quả từ sự phát triển kinh tế xã hội. Quyền được phát triển gắn chặt với quyền tự quyết của dân tộc trong mọi lĩnh vực chính trị, dân sự cũng như kinh tế, xã hội và văn hóa. Rõ ràng ở đây, quyền phát triển đã mang đến cho khái niệm quyền con người một diện mạo mới: nói đến quyền con người không chỉ là chủ thể cá nhân, mà còn có chủ thể là quốc gia, dân tộc. Điều đó có nghĩa rằng, quốc gia không phải chỉ là chủ thể tôn trọng, bảo vệ, thực thi các quyền con người mà còn có những quyền con người cần được tôn trọng và bảo đảm trên phạm vi quốc tế.

Mối quan hệ của phát triển và quyền con người có thể nhìn nhận từ các cấp độ khác nhau: toàn cầu, khu vực, quốc gia và cá nhân.

Ở cấp độ toàn cầu: Hiến chương đã khẳng định quyền con người là trụ cột cùng với hòa bình, hợp tác là kim chỉ nam cho hành động của mình. Quyền con người, dân chủ và phát triển được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố Viên và Chương trình Hành động đã nêu  lên mối liên hệ giữa quyền con người với dân chủ và phát triển quốc tế trong Phần I, Điều 8:  “Dân chủ, sự phát triển và việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người phụ thuộc lẫn nhau và bổ sung cho nhau….Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ việc tăng cường và thúc đẩy dân chủ, sự phát triển và việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người trên toàn thế giới”.

cấp độ khu vực, quyền con người là mối dây đoàn kết, tạo nên mối liên hệ chung cho các quốc gia, nhằm tạo ra sự ổn định và phát triển cho toàn khu vực. Ở khu vực Đông Nam Á, trong Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN được lãnh đạo các quốc gia thông qua vào ngày 18/11/2012 tại Phnompenh, Campuchia cũng đã nêu quan điểm của mình về quyền phát triển tại các điểm 35, 36, 37.[3]

Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khẳng định quyền tự quyết của mình cũng như “quyền thực hiện chủ quyền đầy đủ và không thể chia cắt của các quốc gia đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình”. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á luôn nỗ lực cùng nhau giải quyết các tranh chấp và bất đồng, chẳng hạn như Philippines và Indonesia đã có giải pháp hết sức tích cực nhằm đạt được hòa bình, ổn định lâu dài cho những tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông. 

Ở cấp độ quốc gia: quyền con người là động lực của sự phát triển.

Quyền con người ở mỗi quốc gia bản chất là thực hiện tốt nhất và theo pháp luật các nhu cầu chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa của con người. Quyền con người đối với sự phát triển của mỗi quốc gia vừa là mục tiêu vừa là động lực. Đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì việc thiếu bảo đảm quyền sẽ dễ dàng dẫn đến khó khăn cho việc phát triển kinh tế và ngược lại. Quyền con người luôn gắn với một chế độ xã hội nhất định, chính vì vậy chế độ dân chủ là cơ sở cho việc bảo đảm thực hiện quyền con người và tất nhiên đó phải là dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ giả hiệu.

Ở nước ta, quyền con người nói chung, quyền của nữ giới và bình đẳng giới đã được Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam ta tôn trọng. Điều này thể hiện trong Cương lĩnh thông qua Đại hội XI và trong Hiến pháp 2013. Cũng cần nói thêm rằng, đây cũng là việc Nhà nước ta nội luật hóa “Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với nữ giới[4]” (CEDAW) một cách toàn diện. Về thực chất có thể nói khái niệm bình đẳng giới trong chế độ ta chủ yếu là nhằm nâng cao vai trò, vị trí của nữ giới trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống (chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa…) và  trong các môi trường (xã hội và gia đình).

Bình đẳng giới trong tương quan với phát triển và quyền con người là thành quả quan trọng trong tư duy lý luận của các chế độ xã hội, không phân biệt chế độ chính trị hệ tương tưởng. Cũng có thể nói đó là thành quả mang tính tích hợp về nhiều giá trị tinh thần của nền văn minh nhân loại trong thời đại ngày nay. Lịch sử tư duy nhân quyền cho thấy có hai hướng phát triển chủ đạo:

Thứ nhất đi theo hướng tôn trọng và bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn các quyền con người cho tất cả mọi người. Đây được xem vừa là nội dung, vừa là nguyên tắc cơ bản, hàng đầu của quyền con người.

Thứ hai đi theo hướng tôn trọng và bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn quyền và lợi  ích của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em và nữ giới. Đây được xem là tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản, tối thiểu và cao hơn hướng thứ nhất.

       Đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương, khái niệm bình đẳng đã không còn theo nguyên nghĩa mà là “bất bình đẳng tích cực”- với nghĩa giành ưu tiên cho nhóm xã hội dễ bị tổn thương, yếu thế so với các nhóm khác được xã hội thừa nhận bằng các văn bản có tính quy phạm pháp luật, từ Hiến pháp, pháp luật đến Nghị quyết, Thông tư… Trong nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nữ giới được xem là một nhóm xã hội quan trọng nhất. Bởi vì đó là nhóm xã hội lớn nhất, đồng thời cũng là nhóm xã hội có thể đóng góp cho xã hội nhiều nhất so với các  nhóm khác. Có thể chính vì tầm quan trọng của nữ giới mà trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, vấn đề xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới đã được đề cập ngay từ những văn kiện đầu tiên, mặt khác từ những nguyên tắc chung về bình đẳng, cộng đồng quốc tế đã có những cộng ước chuyên biệt. Xem xét hệ thống các văn kiện quốc tế về quyền con người cho thấy rõ điều này. Điều 2, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 ghi: “ Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong Tuyên ngôn này, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào như về chủng tộc, mầu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, nòi giống, hay các tình trạng khác”[5]. Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 đều có những quy định cụ thể hơn về quyền của nữ giới gắn với quyền tự do kết hôn, quyền được giúp đỡ đối với gia đình, quyền của người mẹ khi mạng thai, sinh nở, nghỉ sau khi sinh…

       Năm 1979, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ        ( CEDAW) được xây dựng nhằm bảo vệ ở phạm vi rộng lớn và cụ thể hơn các quyền của nữ giới, gắn với phát triển bền vững. Công ước CEDAW 1979 chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt trong khái niệm bình đẳng giới nói chung trong việc bảo đảm quyền của nữ giới nói riêng.

Có thể nói tình trạng nhận thức sai lầm, thiếu hụt, lệch lạc về giới và bình đẳng giới cần phải sớm được khắc phụ. Trong nhận thức nói chung của xã hội có thể vẫn còn nhiều người cho rằng bảo đảm bình đẳng giới là đem lại nhiều quyền và cơ hội hơn cho nữ giới. Có trường hợp lại cho rằng bình đẳng giới là xóa bỏ sự khác biệt về giới trong tất cả các lĩnh vực của cộc sống, là việc đàn ông cũng phải làm những cộng việc như phụ nữ và ngược lại.

 Tuy nhiên tình trạng “trọng nam, khinh nữ” vẫn đang là một vấn đề tư tưởng lớn, hạn chế không chỉ quyền của nữ giới mà còn hạn chế cả sự phát triển của xã hội. Bình đẳng giới cũng như quyền con người là một chỉ báo về sự tiến bộ của xã hội. Bình đẳng giới nếu được giảm thiểu tất yếu sẽ tạo điều kiện cho nữ giới đóng góp nhiều hơn cho phát triển. Cho đến nay chưa có giải thích nào thỏa đáng cho tỷ lệ nữ thấp, thậm chí là rất thấp trong các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở các cấp. Tình trạng này chỉ có thể được trả lời thỏa đáng là do nhận thức của chính cán bộ, Đảng viêc công chức của Đảng và nhà nước về giới vẫn còn lạc hậu. Điều này không chỉ bởi sự lạc hậu trong nhận thức của nam giới mà ở cả nữ giới. Không trường hợp nữ giới khó phát triển do chính chị em “níu áo nhau”.

Nói rằng bất bình đẳng giới bắt nguồn từ văn hóa, từ sự lạc hậu của phương Đông là chưa thỏa đáng. Trên thế giới đã có không ít phụ nữ phương Đông từng là nguyên thủ quốc gia.

 Sự lạc hậu trong nhận thức về bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trong pháp luật ở nước ta. Đó là vẫn còn phân biệt về tuổi làm việc, tuổi quản lý chính thức giữa phụ nữ và nam giới.  Trên thực tế hạn chế tuổi làm việc chính thức của lao động nữ (55 tuổi so với nam 60 tuổi), đây không chỉ là hạn chế lao động nữ mà còn hạn chế cả sự phát tiển của nữ giới tham gia vào công tác lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước. Bất bình đẳng về tuổi lạo động giữa nam và nữ đã được đề cập tới trong nhiều nghiên cứu và diễn đàn xã hội. Còn nhớ đây là một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế kiến nghị Việt Nam cần khắc phục trong dịp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam, năm 2014.

 Bình đẳng giới không phải là xóa bỏ thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ. Thiên chức đó là chăm sóc con cái nhất là khi con còn nhỏ; đó còn là đảm nhiệm nhiều công việc trong sinh hoạt gia đình mà sự khéo léo của nữ giới có lợi thế hơn nam giới. Nhưng cho đến nay vẫn còn tình trạng cố ý “ hiểu lầm” thiên chức này, vẫn còn tình trạng cường điệu thiên chức làm vợ, làm mẹ… cho rằng tất cả các công việc trong sinh hoạt gia đình ( đi chợ, nấu nướng, quét dọn, vệ sinh, giặt dũ, đưa đón con đi học…) đều là “thiên chức” của nữ giới. Điều này đã dẫn đến nữ giới không còn thời gian, sức lực cho các công việc xã hội làm mất cơ hội để nữ giới tiến bộ, … đến bảo đảm hạnh phúc gia đình.

Ngay từ khi chưa trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước ta đã tự nhân trách nhiệm, cam kết thực hiện những công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Năm 1982, Việt Nam đã gia nhập các công ước sau: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa, 1966 và Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới, 1979. Ngay sau khi gia nhập các công ước nói trên Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động bảo đảm các quyền con người theo những chuẩn mực của công ước, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Nhà nước ta đã hoàn thiện Luật Hôn nhân gia đình. Có thể nói vấn đề bình đẳng giới đã sớm được luật hóa trong pháp luật Việt Nam. Đồng thời luật này thường xuyên được cập nhật, sửa chữa, bổ sung  phù hợp với sự phát triển của tư duy chính trị- pháp lý của Đảng và Nhà nước ta. Năm 1959 Việt Nam lần đầu tiên có luật về Hôn nhân gia đình. Sau khi gia nhập công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới, năm 1986. Cho đến nay Việt Nam đã sửa đổi luật này trở thành Luật Hôn nhân gia đình năm 1914. Năm 2006 Nhà nước ta ban hành Luật bình đẳng giới. Sau đó,Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới ( 2011-2020).

Để thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, từ thực tiễn chúng ta cần cần tập trung những vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Trên cơ sở chủ trương, chính sách, pháp luật đã được ban hành các ngành các cấp cần  cụ thể hóa các mục tiêu trong các chính sách, chương trình, dự án công tác, dự án. Các cơ quan tổ chức cần đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp của cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, trên cơ sở chương trình của tỉnh được phê duyệt, các cấp, các ngành xây dựng cần lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu đã đề ra trên các lĩnh vực.

Chẳng hạn về chính trị cần có chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử, cấp ủy, lãnh đạo đoàn thể xã hội; cần có chương trình học tập, đào tạo nâng cao trình độ, bao gồm kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho nữ giới. Trên lĩnh vực kinh tế các ngành, các cấp cần quan tâm đến các dịch vụ mà nữ giới có thể tham gia. Trong điều kiện kinh tế thị trường các cơ quan tổ chức nhất là các đoàn thể cần có kế hoạch thu hút các tập đoàn, doanh nghieeph công ty trên địa bàn tuyên truyền phổ biến về Luật Lao động, Luạt Bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền của nữ giới trong lao động.

Văn hóa trong bình đẳng giới thường được hình thành trong môi trường gia đình và nhà trường. Gia đình là môi trường quan trọng đặc biệt để giáo dục bình đẳng giới. Cấp ủy, Chính quyền và các Đoàn thể xã hội ở cơ sở cần quan tâm đến công tác này, đưa nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới vào trong nhiệm vụ thường xuyên của mình.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cần được lồng ghép trong chương trình học tập ở nhà trường.

Đối với phụ nữ, công tác giáo dục về bình đẳng giới cũng không được xem nhẹ. Bình đẳng giới không đơn giản là một vấn đề về pháp lý mà còn là vấn đề của văn hóa, phong tục, tập quán đã hình thành trong lịch sử. Trong nhiều trường hợp nữ giới cũng hiểu không đúng về bình đẳng giới, thậm chí còn có việc làm đi ngược lại với bình đẳng giới. Điều này cũng cần khắc phục.

Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và tệ nam buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, lạm dụng tình dục đang là những vấn đề “ nóng” cần giải quyết. Lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm vấn đề này. Các cơ quan pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Thậm chí có thể sửa đổi pháp luật, nâng cao khung hình phạt đối với các tội phạm về bạo lực giới, buôn bán và lạm dụng tình dục đối với nữ giới.

Cần nhân rộng các mô hình tuyên truyền về bình đẳng giới như: “Câu lạc bộ bình đẳng giới”, tổ công tác “tư vấn, hỗ trợ bạo lực giới”, xây dựng “Nhà tạm lánh” hỗ trợ người bị bạo hành về giới./.

Ths.Trần Thị Hồng Hạnh

Viện Nghiên cứu Quyền con người

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


[1] -Tuyên bố về quyền phát triển, các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, HN,2002, Tr 103.

[2] 1.Quyền phát triển là một quyền con người không thể chia cắt, xuất phát từ ý nghĩa của quyền đó, mọi người và mọi dân tộc đều có quyền được tham gia vào, đóng góp cho và hưởng thụ thành quả từ sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị, trong đó mọi quyền con người và các tự do cơ bản cần phải được thực hiện một cách đầy đủ.

   2.Quyền con người được phát triển cũng nhắc tới việc thực hiện một cách đầy đủ quyền tự quyết của các dân tộc, theo các điều khoản có liên quan của cả hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người bao gồm việc thực hiện chủ quyền đầy đủ và không thể chia cắt của họ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

 

[3] “35. Quyền phát triển là một quyền con người không thể tách rời, với tính chất của quyền này mà mỗi người và mỗi dân tộc trong ASEAN được trao để tham gia và đóng góp, để thụ hưởng và hưởng lợi một cách bình đẳng, bền vững từ sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa…

36. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần đưa ra các chương trình phát triển có ý nghĩa, lấy con người làm trung tâm và nhạy cảm giới nhằm xóa bỏ đói nghèo, tạo ra các điều kiện bao gồm việc bảo vệ môi trường bền vững cho các dân tộc trong ASEAN được hưởng tất cả các quyền con người được công nhận trong Tuyên ngôn này trên cơ sở bình đẳng và thu hẹp dần dần khoảng cách phát triển trong ASEAN.

37. Các quốc gia thành viên ASEAN công nhận rằng việc thực thi quyền phát triển đòi hỏi các chính sách phát triển hiệu quả ở cấp quốc gia cũng như các quan hệ kinh tế và hợp tác quốc tế bình đẳng và một môi trường kinh tế quốc tế thuận lợi…”

 

[4] Trong một số văn bản dịch chữ “Women” là phụ nữ, như vậy chưa đúng với tiếng Việt, mà phải dịch là “ nữ giới”. Trong  tiếng Việt khái niệm phụ nữ chỉ để chỉ cho những người đã trưởng thành, loại trừ trẻ em gái.

[5] -Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Hà Nội, 2002, HN, Tr 29.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM