Bình Vôi | Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc

Dược liệu: Bình Vôi

  1. Tên khoa học: Stephania sinica.
  2. Tên gọi khác: Thất củ một, củ bồng bềnh, củ mối trôn.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng ngọt, tính lương. Quy vào hai kinh can, tỳ.
  4. Bộ phận dùng: Rễ củ.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Củ to, có củ rất to, hình dáng thay đổi. Vỏ ngoài màu nâu đen, khi cạo vỏ ngoài có màu trắng xám. Vị đắng.
  6. Phân bố vùng miền:
    Thế giới: Trung Quốc, Lào
    Việt Nam : Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình.
  7. Thời gian thu hoạch: Sau khi trồng 2-3 năm, vào tháng 11-12.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

Bình vôi – Thất củ một, củ bồng bềnh, củ mối trôn.

bình vôi

1. Mô tả thực vật Bình Vôi

  • Dây leo, thường xanh, sống lâu năm, dài 2-6m.Thân nhẵn, hơi xoắn vận. Rễ củ to, có thể nặng đến 50 kg ,vỏ ngoài xù xì, màu nâu đen. Nếu mọc ở đất thì củ nhỏ hơn.
  • Lá hình khiên ,mọc so le, cuống dài dính vào trong phiến khoảng 1/3, phiến lá mỏng, gần hình tròn có cạnh hoặc tam giác tròn, lá xuất phát từ chỗ dính của cuống lá , gân lá hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới lá. Hai mặt nhăn , mép hơi lượn sóng.
  • Cụm hoa mọc thành xim tán ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá; hoa đực, cái khác gốc. Hoa đực có 5-6 lá đài, 3-4 cánh hoa, nhị 3-6 thường là 4, cuống tán dài ; hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa, bầu hình trứng, cuống tán ngắn .
  • Quả hạch, hình cầu, màu đỏ khi chín, hạt cứng hình móng ngựa có những hàng vân ngang dạng gai, hai mặt bên lõm, ở giữa không có lỗ thủng.

2. Phân bố:

  •  Thế giới: Malaysia, Trung Quốc , Ấn Độ, Lào.
  • Việt Nam: Thường mọc ở những vùng có núi đá tại các tỉnh Thanh Hóa , Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, vùng Đông Bắc và Tây Bắc Nơi lạnh như Sapa cũng có.
  • Bình vôi là cây ưa sáng , khi còn nhỏ cây có thể chịu bóng , thường mọc trong các quần thể cây bụi và dây leo nhỏ ở rừng núi đã vôi ẩm . Độ cao phân bố phổ biến ở Việt Nam từ vài chục đến vài trăm mét . Chưa phát hiện thấy loài nào ở độ cao 1000 m trở lên.

3. Bộ phận dùng:

  • Rễ củ đã phơi hay sấy khô , mặt ngoài màu đen , hình dạng không nhất định.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản Bình Vôi

  • Thu hái:

Thu hái quanh năm . Để đảm bảo chất lượng dược liệu và bảo vệ tái sinh cho cây , chỉ thu hoạch những củ có trọng lượng từ 800 đến 1000g trở lên .Để củ có hàm lượng hoạt chất cao nhất , nên thu hoạch vào mùa thu đông .Trồng 2-3 năm có thể cho thu hoạch củ, thời gian càng lâu, năng suất càng cao.

  • Chế biến: Đào lấy củ , rửa sạch , cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng phơi khô , sấy khô hoặc ngâm rượu rồi sắc uống. Không phải chế biến gì khác.

Từ củ bình vôi có thể chiết ra Rotudin thô hay tinh khiết như sau: Thái hay xát củ bình vôi như ta xát nấu. Ép lấy nước, bã còn lại thêm nước vào khuấy đều rồi ép nữa. Làm như vậy cho đén khi bã hết đắng. Nước ép để lắng thêm nước vôi trong hoặc dd Carbonat kiềm sec cho tủa Rotudin thô. Lọc hay gặn lấy phơi khô hoặc sấy khô được Rotudin thô. Từ Rotudin thô dùng cồn hay dd H2SO4 5 hay 10% nóng, lọc rồi kết tinh. Làm lại nhiều lần được Rotudin tinh khiết.

  • Bảo quản: Nơi khô ráo , thoáng mát , tránh mỗi mọt.

5. Mô tả dược liệu Bình Vôi

  • Vỏ ngoài màu nâu đen, khi cạo vỏ ngoài có màu trắng xám. Hoặc đã thái thành miếng to, nhỏ không đều, có màu trắng xám, vị đắng.Phần gốc thân phát triển thành củ to, có củ rất to, hình dáng thay đổi tuỳ theo nơi củ phát triển.
  • Vỏ ngoài màu nâu đen, khi cạo vỏ ngoài có màu trắng xám. Hoặc đã thái thành miếng to, nhỏ không đều, có màu trắng xám, vị đắng.

6. Thành phần hóa học chính:

  • Alcaloid : Rotundin chất này được xác định là L.tetrahydropalmatin ngoài ra còn có stepharm, stepharotin, kuduranin, hyndarin, stefarin, xycleanin,ancaloit A, ancaloit C, ancaloit D.
  • Tinh bột, đường khử oxy, axid malic, men oxydaza.
  • Các loài trong chi stephania trên thế giới gốm có 164 hoạt chất thuộc 8 nhóm hóa học khác nhau : benzylisoquinolin, bis – benzylisoquinoline, protoberberine, aporphin, proporphin, basubanan, morphinan, dibenzazonin.

7. Phân biệt thật giả:

  • Củ ấp gà, củ thường nhỏ hơn củ bình vôi.

8. Tác dụng– công dụng Bình Vôi

 Tác dụng: An thần, tuyên phế.

 Công dụng:

Chữa mất ngủ, ho hen, sốt, lỵ, đau bụng.

Làm nguyên liệu chiết L-tetrahydropalmatin hoặc Cepharanthin tùy theo loài: l-tetrahydropalmatin dùng làm thuốc trấn kinh, an thần trong các trường hợp mất ngủ dai dẳng nguyên nhân tâm thần, trạng thái căng thẳng thần kinh. Một số trường hợp rối loạn tâm thần.

Trị đau dạ dày, đau răng, viêm ruột, viêm họng, mụn nhọt.
  • Củ Stephania cepharantha được dùng để chữa phong thấp, đau lưng, phù thận, chảy máu dạ dày, chảy máu cam, ho, nôn ra máu, lỵ trực tràng.
  • Củ Stephania  kwangsiensis chữa đau bụng , đầy hơi , đau dạ dày và sốt rét.

9. Cách dùng và liều dùng Bình Vôi

  • Mất ngủ, lo âu dùng dưới dạng củ thái nhỏ phơi khô sắc nước uống hoặc dạng bột , ngâm rượu hay chè thuốc. Liều dùng 3-6g/ngày.
  • Thuốc ngâm rượu gồm bột bình vôi ( 1 phần ) với rượu 40o ( 5 phần ) : mỗi ngày uống 5-15 ml, có thể thêm đường cho dễ uống. Liều dùng 0.05 – 0.1g/ngày dưới dạng viên Rotudin ( hàm lượng 0.05g ).

Trung Quốc dùng dạng thuốc tiêm sulfat 3% mỗi ống 2 ml để giảm đau, an thần, gây ngủ, điều trị loét dạ dày tá tràng, đau dây thần kinh , đau bụng khi có kinh , mất ngủ , căng thẳng thần kinh , hen co thắt khí phế quản.

  • Liều dùng mỗi một lần 1 ống 2 ml , tiêm bắp ngày 1-2 lần.
  • Mụn nhọt hay sung tấy rắn độc cắn : củ tươi giã nát đắp tại chỗ chứa vết thương.

Theo tài liệu khác thì:

  • Người lớn: ngày 2-3 lần x 1 viên, viên 0.03g Rotudin.
  • Trẻ em: 13 tháng trở lên 2mg/kg/ngày chia 2-3 lần.
  • Nhức đầu, tăng huyết áp dùng gấp đôi liều trên.
  • Thuốc tiêm mỗi lần 1 ống 2ml (60mg) Rotudin, 1-2 lần trên ngày.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Bình Vôi

  • Chữa phong thấp tê đau , phù thân , ho hoặc nôn ra máu: Bình vôi ( S.cepharantha ) 6-9g sắc nước uống.
  • Chữa đau bụng đầy hơi, sốt rét: Bình vôi ( s.swangsiensis ) 1.5g sắc nước uống hoặc dạng bột.
  • Chữa bệnh mất ngủ: củ bình vôi thái nhỏ phơi khô sắc nước uống hoặc dạng bột. Hoặc ngâm rượu hay chè thuốc. Liều dùng 3-6g/ngày.
  • Trị đau dạ dày, đau răng…

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

  • Bột có màu vàng xám, vị đắng.
  • Soi kính hiển vi thấy: Tế bào mô cứng màng dày, khoang rộng, mảnh mạch điểm, mảnh tế bào mô mềm thành mỏng, tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật dài và nhỏ, rải rác có những hạt tinh bột nhỏ hình tròn và hình trứng.

2. Định tính:

A. Lấy 5 g bột dược liệu cho vào bình nón có dung tích 200 ml, thấm ẩm dược liệu bằng dung dịch amoniac 6 N (TT), để yên 30 phút. Cho vào bình nón 50 ml cloroform (TT), lắc 5 – 10 phút, rồi để yên 1 giờ, lọc. Lấy 30 ml dịch lọc cho vào bình gạn, thêm 5 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT), lắc 2 – 3 phút, gạn lấy phần dịch chiết acid cho vào 4 ống nghiệm:

  • Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.
  • Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.
  • Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
  • Ống 4: Thêm 2 giọt dung dịch acid picric(TT), xuất hiện tủa vàng.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

  • Bản mỏng:
  • Silica gel G.

Dung môi khai triển:

  • Toluen- aceton- ethanol- amoniac (45: 45: 7: 3).

Dung dịch thử:

  • Lấy 1 g bột dược liệu chiết như phần định tính ở trên, rồi cô cách thủy dịch chiết đến khô, cắn còn lại để nguội, hòa tan trong 1 ml ethanol 90% (TT).

Dung dịch đối chiếu:

  • Hoà tan 1 mg L-tetrahydro-palmatin trong 1 ml ethanol 90% (TT).

Cách tiến hành:

  • Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng.
  • Phun thuốc thử Dragendorff (TT).
  • Trên sắc ký đồ của dung dịch thử xuất hiện nhiều vết, trong đó có vết có màu sắc và giá trị Rf giống vết của L-tetrahydropalmatin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Định lượng :             

Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3)

Pha động:

  • Dung dịch đệm pH 4,5 – aceton (70 : 30), điều chỉnh nếu cần.
  • Lọc qua màng lọc có cỡ lỗ 0,45 µm, lắc siêu âm.

Dung dịch chuẩn:

  • Hoà tan L-tetrahydropalmatin chuẩn trong pha động để thu được dung dịch có nồng độ khoảng 0,05 mg/ml.

Dung dịch thử:

  • Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu chuyển vào một túi giấy lọc.
  • Thấm ẩm bằng 0,5 ml dung dịch amoniac 6 N (TT), để yên trong 30 phút.

Chuyển túi giấy lọc vào bình Soxhlet dung tích 100 ml, thêm 30 ml cloroform (TT), chiết trong 4 giờ đến hết alcaloid. Lấy dịch chiết cô trên cách thuỷ tới cắn, hòa tan cắn trong dung dịch acid sulfurric 5 N (TT) (5 lần, mỗi lần 10 ml). Lọc qua giấy lọc vào bình gạn. Kiềm hoá dịch lọc bằng amoniac đặc (TT) đến pH 10.Chiết bằng cloroform (TT) 4 lần, mỗi lần 10 ml. Gộp các dịch chiết cloroform, bốc hơi trên cách thuỷ đến cắn khô. Dùng pha động hoà tan cắn và chuyển vào bình định mức 500 ml, thêm pha động đến vạch, lắc đều. Lọc qua giấy lọc thường, bỏ 10 ml dịch lọc đầu. Phần dịch lọc còn lại tiếp tục lọc một lần nữa qua giấy lọc có cỡ lỗ 0,45 µm được dung dịch thử.

Điều kiện sắc ký:

  • Cột thép không gỉ (25 cm x 4 mm) được nhồi pha tĩnh C (5 mm) (Lichrosorb RP 18 là thích hợp).
  • Detector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 260 nm.
  • Tốc độ dòng: 1,5 ml/phút.
  • Thể tích tiêm: 20 ml.

Cách tiến hành:

Tiêm riêng biệt dung dịch chuẩn, dung dịch thử. Dựa vào diện tích (hay chiều cao) pic thu được của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và nồng độ L-tetrahydropalmatin (C21H25NO4) của dung dịch chuẩn, tính hàm lượng

L-tetrahydropalmatin (C21H25NO4) trong dược liệu.

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,4% (kl/kl) L-tetrahydropalmatin (C21H25NO4) tính theo dược liệu khô kiệt.

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  • Độ ẩm: không quá 14%..
  • Tro toàn phần: không quá 5%.
  • Tạp chất: không quá 1%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Dược điển Việt Nam IV.
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam tập 1 , 2.
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam –Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi.