Bình Thuận vài nét tổng quan | Xã hội | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Bình Thuận vài nét tổng quan
1. Địa lý
– Vị trí địa lý: Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam trung bộ Việt Nam, với bờ biển dài 192 km từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Phía bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía tây bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết, cách Thành phố Hồ Chí Minh 198 km.
– Diện tích: 7.828 km²
– Chiều dài bờ biển: 192 km
– Diện tích vùng lãnh hải: 52.000 km²
– Địa hình
Địa hình Bình Thuận bao gồm 4 dạng cơ bản: núi thấp, gò đồi, đồng bằng, đồi cát và cồn cát ven biển. Ngoài khơi có một số đảo, trong đó có 10 đảo của huyện đảo Phú Quý, cách thành phố Phan Thiết 120 km. Trên địa bàn tỉnh có một số núi cao như: Đa Mi (1.642 m), Dang Sruin (1.302 m), Ông Trao (1.222 m), Gia Bang (1.136 m), núi Ông (1.024 m) và Chi Két (1.017 m). Một số nhánh mũi chạy ra sát biển tạo nên các mũi La Gàn, Kê Gà, Mũi Né, Hòn Rơm và Mũi Nhỏ.
– Khí hậu
Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt:
Mùa mưa: từ tháng 5 đến tháng 10
Mùa khô: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau
Nhiệt độ trung bình: 26 – 27°C
Lượng mưa trung bình:800 – 1150 mm
Độ ẩm tương đối: 79%
Tổng số giờ nắng: 2.459
2. Đơn vị hành chính
Tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 1 thành phố (Phan Thiết), 1 thị xã (La Gi) và 8 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, Đức Linh, Phú Quý).
3. Các dân tộc: Có 34 dân tộc cùng sinh sống ở Bình Thuận, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh; tiếp đến là các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa (tập trung nhiều ở phường Đức Nghĩa – thành phố Phan Thiết), Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng, Mường…
4. Tài nguyên
Kinh tế
Theo sự sắp đặt về kinh tế, hiện nay, Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Phần đất liền của Bình Thuận nằm trong giới hạn 10°35′-11°38′ Bắc và 107°24′-108°53′ Đông.
Thủy sản
Nhiều sông suối bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh thuộc Lâm Đồng đã chảy qua Bình Thuận để ra biển. Tính chung, các đoạn sông qua Bình Thuận có tổng chiều dài 663 km, trong đó có sông Cà Ty (76 km), sông La Ngà (74 km), sông Quao (63 km), sông Lòng Sông (43 km), sông Phan (40 km), sông Mao (29 km) và sông Luỹ (25 km).
Bình Thuận có vũng lãnh hải rộng 52 nghìn km² nên Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản đạt 240.000 tấn hải sản các loại, là điều kiện chế biến thủy sản xuất khẩu. Sò điệp là đặc sản của biển Bình Thuận, tập trung ở 4 bãi chính là: La Khế, Hòn Rơm, Hòn Cau và Phan Rí, cho phép đánh bắt 25-30 nghìn tấn/năm.
Nông – Lâm nghiệp
Tỉnh Bình Thuận có 151.300 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có trên 50.000 ha đất lúa. Sẽ phát triển thêm 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển. Đang đầu tư để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả với:
10.000 ha thanh long
30.000 ha điều
15.000 ha bông vải
20.000 ha cao su
2.000 ha tiêu
Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các ngành công nghiệp chế biến từ cây công nghiệp, lương thực, thực phẩm… Với diện tích 400.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trữ lượng gỗ 25 triệu m³ và thảm cỏ là tiền đề thuận lợi để lập các nhà máy chế biến gỗ và phát triển các trang trại chăn nuôi đại gia súc và lập nhà máy chế biến thịt bò, heo… Trong vài năm trở lại đây, diện tích cây điều bị sụt giảm đáng kể do giá hạt điều bị giảm, cây thanh long và cây cao su liên tục tăng diện tích.
Khoáng sản
Tỉnh Bình Thuận có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn:
Nước khoáng thiên niên bicarbonat: hơn 10 mỏ trữ lượng cao, chất lượng tốt (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700 độ C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm. Trong đó, 2 mỏ đang được khai thác và kinh doanh đó là Vĩnh Hảo và Đa Kai.
Cát thủy tinh: 4 mỏ ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân với trữ lượng trên 500 triệu m³, chất lượng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, phù hợp để sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thủy tinh.
Đá granít: trữ lượng rất lớn, phân bố khắp nơi.
Sét bentonit: dùng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, trữ lượng khoảng 20 triệu tấn. Quặng Sa khoáng nặng để sản xuất titan, zircon, trữ lượng khoảng một triệu tấn. Tại Vĩnh Hảo có diện tích trên 1.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm…
Zircon 4 triệu tấn dẫn đầu cả nước về trữ lượng này.
Dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế mới của tỉnh Bình Thuận, với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn đã được phát hiện cách đất liền 60 km; có 3 mỏ dầu Rạng Đông, Sư Tử Đen và Rubi đang khai thác. Hai mỏ: Sư Tử Trắng và Sư Tử Vàng chuẩn bị khai thác. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đang quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp dầu khí tại Bình Thuận để hình thành trung tâm dự trữ dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu.
Du lịch
Ngày 24 tháng 10 năm 1995, hàng vạn người bao gồm các nhà khoa học, khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về núi Tà Dôn (huyện Hàm Thuận Bắc) và Mũi Né – Phan Thiết để chiêm ngưỡng và nghiên cứu hiện tượng nhật thực toàn phần cũng đồng thời nhận ra nơi này có nhiều cảnh quan kỳ thú và tiềm năng du lịch phong phú. Đây được coi là mốc thời gian mà Bình Thuận bắt đầu có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Là một tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Bình Thuận đã đầu tư xây dựng các quần thể du lịch – nghỉ mát – thể thao – leo núi – du thuyền – câu cá – đánh gôn – nghỉ dưỡng – chữa bệnh tại khu vực phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết), Hàm Tân, Tuy Phong phục vụ du khách. Hiện nay, thành phố Phan Thiết đang có hai sân golf 18 lỗ: Novotel và Sealinks mang tầm vóc quốc tế; các khách sạn lớn, nhiều khu resort cao cấp, hệ thống nhà nghỉ ven biển… sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi giải trí của du khách và các nhà đầu tư. Bình Thuận còn có nhiều di tích văn hóa – lịch sử, danh làm thắng cảnh hấp dẫn.
5. Danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử – văn hóa
Lịch sử văn hoá
Bình Thuận có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Chăm pa với nhóm di tích Tháp Po Sah Inư, đền thờ Po Klong Mơhnai và hơn 100 bảo vật hoàng tộc Chăm nguyên gốc quý hiếm được bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ vua Chăm lưu giữ, trong đó có vương miện, áo bào, hia hài, vòng xuyến của vua và hoàng hậu.
Người Chăm là một trong những người đầu tiên phát hiện ra công dụng của nước khoáng Bình Thuận. Họ đã dùng nước khoáng này chữa bệnh và chế nước thơm rửa tượng thánh. Bằng nước khoáng Bình Thuận, vào thế kỷ 13, người Chăm đã chữa khỏi bệnh phong cho vua Chế Mân của họ. Công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần và cũng là hoàng hậu của vua Chế Mân rất ngạc nhiên về sự màu nhiệm, huyền bí của suối nước này nên đã đặt tên suối là Vĩnh Hảo (nghĩa là “đời đời tốt đẹp”). Người Pháp cũng khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo từ năm 1920. Đến nay, nước khoáng Vĩnh Hảo đã nổi tiếng trong nước và đang từng bước vươn ra xuất khẩu trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Danh lam thắng cảnh
Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết)
Đồi Dương – Thương Chánh (Phan Thiết)
Mũi Né (Phan Thiết)
Mũi Kê Gà (Hàm Thuận Nam)
Núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam)
Bàu Trắng (Bắc Bình)
Chùa Cổ Thạch (Tuy Phong)
Chùa Linh Sơn Cổ Tự (Tuy Phong)
Hồ Hàm Thuận – Đa Mi (Hàm Thuận Bắc)
Hồ Sông Quao (Hàm Thuận Bắc)
Đồi Dương (Phan Thiết)
Thác bà (Tánh Linh)
Núi Cao Cát (Phú Quý)
Hòn Tranh (Phú Quý)
Bãi Nhỏ (Phú Quý)
Vịnh Triều Dương (Phú Quý)
Di tích lịch sử – Văn hóa
Trường Dục Thanh (Phan Thiết)
Mộ cụ Nguyễn Thông (Phan Thiết)
Tháp Po Sah Inư (Phan Thiết)
Vạn Thủy Tú (Phan Thiết)
Đình làng Đức Nghĩa (Phan Thiết)
Hải đăng Kê Gà (Hàm Thuận Nam)
Dinh Thầy Thím (Hàm Tân)
Chùa Linh Quang (Phú Quý)
Vạn An Thạnh (Phú Quý)
Theo binhthuan.gov.vn