Bình Phước: Duy trì thu nhập cao nhờ trồng điều ghép

Do ảnh hưởng thời tiết, năng suất điều Bình Phước năm nay sụt giảm, đạt bình quân hơn 1,5-1,8 tấn/ha. Thế nhưng, có nhiều vườn trồng điều ghép vẫn cho năng suất từ 3-4 tấn/ha.

Trồng điều ghép để tăng năng suất

Từ nhiều năm trước, nông dân ở xã Đồng Nơ (huyện Hớn Quản) đã chuyển đổi diện tích điều già cỗi, trồng bằng hạt sang trồng điều ghép.

Đến nay, mô hình trồng điều ghép bắt đầu khẳng định hiệu quả kinh tế vì tiết kiệm chi phí chăm sóc, và năng suất ổn định.

Bà Hồ Thị Hoa kể, so với điều truyền thống, cây điều ghép bông sớm hơn, tỷ lệ đậu trái cao hơn. Tán của cây điều ghép cũng thấp hơn nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch.

Giống điều truyền thống phải mất khoảng 4-5 năm mới cho trái. Năng suất ban đầu chỉ vài tạ/ha. Cây điều ghép có thể cho thu hoạch từ năm thứ 2 trở đi.

Và năng suất cũng cao hơn. Giống điều ghép cho trái sai, hạt to và chắc, khoảng 100 hạt mỗi kg. Với diện tích 0,8ha điều ghép 7 năm tuổi, trung bình mỗi năm gia đình bà bà Hoa ở thu về hơn 2 tấn.

Nông dân thu hoạch điều ở xã Đồng Nơ (huyện Hớn Quản). Ảnh: Trần Khánh

Nông dân thu hoạch điều ở xã Đồng Nơ (huyện Hớn Quản). Ảnh: Trần Khánh

Để đạt năng suất cao, ngoài giống điều, người trồng điều còn phải áp dụng tốt nhiều biện pháp kỹ thuật khác.

Bà Hoa kể, khi cây chuẩn bị cho trái thì phun xịt thuốc 1 lần để bảo vệ cây và bông điều. Khi điều ra trái non, lại phun xịt thuốc lần nữa để bảo vệ trái non.

Vườn điều được bón phân đều đặn mỗi năm 2 lần. Lần đầu tiên khi vừa thu hoạch vừa xong. Khoảng cuối tháng 8 âm lịch, sau khi đã tạo tán, tỉa cành để cây ra chuẩn bị vào vụ thì bón lần tiếp theo.

Bà Điểu Thị Thu Sương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nơ cho biết, toàn xã có khoảng 200ha điều. Đa số diện tích này là trồng điều ghép.

Diện tích trồng điều xã Đồng Nơ cũng như toàn huyện Hớn Quản ít hơn so với các huyện khác. Tuy nhiên hiệu quả từ cây điều ghép đã giúp cho nhiều nông dân tiếp tục yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.

Yên tâm gắn bó với cây điều

Theo các nông dân trồng điều, đầu vụ năm nay giá thu mua hạt điều tươi khoảng 28.000-29.000 đồng/kg. Nhưng đến thời điểm hiện tại giá chỉ còn 20.000-21.000 đồng/kg. Giá điều giảm càng khiến người trồng điều lo lắng khi đang vào chính vụ thu hoạch.

Tình trạng mất mùa mất giá khiến nhiều nông dân nghi ngại về hiệu quả kinh tế của cây điều. Thế nhưng nhiều nông dân vẫn quyết tâm gắn bó với loại cây trồng chủ lực.

Chăm sóc tốt vườn điều ghép cũng là bí quyết giúp gia đình ông Vi Văn Toản ở xã Long Bình (huyện Phú Riềng) sống ổn định với cây trồng này.

Với 3ha trồng điều ghép đang cho thu hoạch, ông Toản kể, bình quân mỗi năm ông thu đạt hơn 3 tấn/ha.

Ông Vi Văn Toản ở xã Long Bình (huyện Phú Riềng) thu hoạch điều tại vườn điều ghép của mình. Ảnh: Ngân Hà

Ông Vi Văn Toản ở xã Long Bình (huyện Phú Riềng) thu hoạch điều tại vườn điều ghép của mình. Ảnh: Ngân Hà

Theo ông Toản, giá điều tươi thường giảm mạnh khi vào thu hoạch chính vụ. “Dù giá cả, mùa vụ có năm được năm mất nhưng nhờ năng suất cao bù lại, tôi vẫn chọn cây điều làm cây trồng chín đem lại nguồn thu cho gia đình”, ông Toản nói.

Ngụ cùng xã Long Bình, ông Phạm Văn Ánh tự ghép giống điều để cung cấp cho mình và nhiều nông ở trong, ngoài tỉnh.

Ông Ánh kể, khoảng 10 năm về trước ông đã tự mày mò học hỏi bài kỹ thuật ghép điều. Sau đó ông thực hành trên chính vườn điều của mình để tăng năng suất vừa giữ lại những nguồn gen quý từ các giống điều truyền thống.

Ban đầu, ông chọn lựa các cây điều cho năng suất cao, ổn định và chất lượng đồng đều trong vườn để tuyển chọn ra các bộ giống riêng. Sau đó tiến hành ghép thử nghiệm.

Sau 5 năm trồng, năng suất đã tăng vọt lên trên 4 tấn/ha và duy trì ổn định cho đến nay. Hạt điều từ giống điều ghép luôn to, bóng dù những năm gần đây hay gặp thời tiết bất lợi.

Huyện Phú Riềng có hơn 20.000 ha điều đang cho thu hoạch, trong đó xã Long Bình có 2.238ha.

Ông Nguyễn Thái Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình cho biết, những năm gần đây, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây điều ghép. Nhiều người trong số đó còn tạo ra giống điều ghép phù hợp với đặc thù địa phương.

Hiệu quả từ cây điều ghép đã cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.

“Nếu nông dân thực hiện quá trình chăm sóc bài bản, trồng điều ghép cho hiệu quả cả vì chất lượng hạt tốt, khâu thu hoạch cũng thuận tiện hơn”, ông Sơn chia sẻ.