Bình Dương tán thành chủ trương thành lập 2 phường và thành phố Bến Cát
Theo đó, thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của xã An Điền, xã An Tây thuộc thị xã Bến Cát.
Thành lập thành phố Bến Cát trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của thị xã Bến Cát. Sau khi thành lập, thành phố Bến Cát có 8 đơn vị hành chính cấp xã gồm 7 phường: Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, An Điền, An Tây và xã Phú An.
HĐND tỉnh Bình Dương giao Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, xã An Điền có diện tích 31,22 km2; dân số 24.186 người, trong đó thường trú là 10.290 người và tạm trú 13.896 người. Xã An Tây có diện tích 44,01 km2; dân số 41.394 người, trong đó thường trú là 12.466 người và tạm trú 28.928 người. Tiêu chuẩn thành lập phường của cả 2 xã về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đều đạt và bảo đảm điều kiện thành lập theo quy định.
An Điền, An Tây là 2 trong 8 đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Bến Cát, có vị trí liền kề với các phường nội thị của thị xã Bến Cát và giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn 2 xã An Điền, An Tây được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn.
Việc thành lập thành phố Bến Cát bảo đảm các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thị xã Bến Cát có diện tích 234,35km2; dân số 355.663 người, trong đó thường trú là 118.443 người và tạm trú là 237.220 người.
Năm 2021, thị xã Bến Cát đạt tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 198.367 tỷ đồng; tổng thu ngân sách 3.652 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 300 triệu USD và phát triển mới khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Toàn thị xã hiện có khoảng 5.500 dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn gần 47.000 tỷ đồng và hơn 8 tỷ USD.
Bến Cát đã đạt các tiêu chí của đô thị loại 3 với 57/59 tiêu chí, vượt số điểm tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị. Thị xã được công nhận là đô thị loại 3 tại Quyết định số 1503/QĐ-BXD ngày 20/11/2018 của Bộ trưởng Xây dựng.
Bến Cát có hệ thống giao thông phát triển, kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm đi qua như Đại lộ Bình Dương, ĐT 741, ĐT 744, đường Mỹ Phước-Tân Vạn, đường Vành đai 4 và hệ thống các tuyến đường nội ô tạo điều kiện để thị xã dễ dàng kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên; có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh Bình Dương và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc thành lập các phường An Điền, An Tây và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương là nhu cầu khách quan, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025; phù hợp quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương đã bảo đảm các điều kiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phù hợp xu thế phát triển, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, đưa Bến Cát trở thành đô thị trung tâm của Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương nói chung và nhân dân Bến Cát nói riêng, tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND thị xã Bến Cát và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn tất đầy đủ hồ sơ theo quy định.