Bình Dương sắp thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước

Sắp tới, khi thị xã Tân Uyên và Bến Cát trở thành thành phố cùng với Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sẽ có tổng cộng 5 thành phố trực thuộc, vượt Quảng Ninh trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất trên cả nước.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế, xã hội quý I/2022, trong đó thông tin về việc xây dựng đề án thành lập TP Bến Cát và TP Tân Uyên.

Theo Sở Nội vụ tỉnh, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát đang được hoàn thiện thủ tục để nâng cấp lên thành phố.

Cùng với đó, tỉnh cũng đang nâng cấp xã An Điền và An Tây thuộc thị xã Bến Cát lên phường. Xã An Sơn thuộc TP Thuận An cũng sẽ được chuyển đổi thành phường. Xã Thanh Tuyền thuộc huyện Dầu Tiếng sẽ trở thành thị trấn Thanh Tuyền.

Trước đó, vào tháng 2/2020, thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An đã được nâng cấp lên thành phố. Như vậy, nếu có thêm hai TP Tân Uyên và Bến Cát, cùng với Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sẽ có tổng cộng 5 thành phố trực thuộc – vượt Quảng Ninh trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất trên cả nước.

Một góc thị xã Tân Uyên hiện nay. (Ảnh: Thanh Niên).

Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Bình Dương, 99,88% cử tri tán thành đề án thành lập thành phố Tân Uyên trên cơ sở chuyển đổi nguyên hiện trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của thị xã Tân Uyên.

Theo đề án, thị xã Tân Uyên nằm ở phía đông nam tỉnh Bình Dương, tiếp giáp TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai và với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương.

Việc thành lập thành phố Tân Uyên là cơ sở để thị xã tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, thu hút các dự án đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đô thị. Đây cũng là là điều kiện cần để nâng loại đô thị Tân Uyên đạt tiêu chí loại II trước năm 2025.

Sắp tới, trên địa bàn thị xã sẽ có tuyến vành đai 4 TP HCM và cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua, giúp việc giao thương và luân chuyển hàng hóa thuận lợi đến các tỉnh thành phía nam; có cảng Thạnh Phước phát triển dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, dự án logistics – cụm cảng Thái Hòa quy mô 95 ha đang chuẩn bị được đầu tư.

Dự án đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng dài hơn 47 km với 6 là xe đang được đầu tư, kết nối các vùng của Bình Dương và thu hút đầu tư vào khu vực phía bắc tỉnh. Ngoài ra, quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh qua đô thị Nam Tân Uyên là một trong những công trình ưu tiên đầu tư sắp tới.

Hiện thị xã Tân Uyên đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh. Theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2020-2025, thị xã Tân Uyên là đô thị công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp.

Đô thị Tân Uyên có vị trí trung tâm nối liền TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, thị xã Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo.

Còn thị xã Bến Cát nằm ở trung tâm tỉnh Bình Dương, trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thời gian qua, thị xã Bến Cát đã có nhiều thay đổi về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng giao thông kết nối. Trên địa bàn có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước – Tân Vạn, vành đai 4 và các tuyến đường nội ô.

Hệ thống này tạo điều kiện cho Bến Cát kết nối thông suốt đến các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh, trung tâm thành phố mới Bình Dương, TP HCM, tỉnh Bình Phước cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cũng đã thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã.

Một góc thị xã Tân Uyên hiện nay. (Ảnh: Thanh Niên).

Giai đoạn 2016 – 2020, thị xã Bến Cát đã đầu tư hoàn thành 98/138 công trình, dự án trọng điểm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà ở được đầu tư đồng bộ với chiều dài khoảng 381 km, tổng mức đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch chung đô thị Nam Bến Cát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Cát là đô thị công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định đô thị Bến Cát và Tân Uyên nằm trong tiểu vùng đô thị trung tâm, cùng với TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, và Thuận An trở thành trung tâm cấp vùng về công nghiệp, thương mại – dịch vụ phía bắc vùng TP HCM.

Còn theo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương thời kỳ đến năm 2020; bổ sung quy hoạch đến năm 2025, không gian thành phố Bình Dương kết nối với TP HCM và TP Biên Hòa trở thành đại đô thị của cả nước. Trong không gian đại đô thị này, đô thị Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên trở thành đô thị trung tâm của đô thị Bình Dương.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Dương dự kiến bố trí gần 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm.

Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch. Trong đó tập trung đầu tư hoàn thành các dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13; đường Tân Vạn – Mỹ Phước – Bàu Bàng; nâng cấp ĐT.743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương; đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài; xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư chợ Đình; xây dựng hầm chui tại nút giao ngã 5 Phước Kiến…