Biểu tượng mặt cười nền vàng quen thuộc với toàn thế giới giúp cho những chủ sở hữu kiếm tiền ra sao?

Harvey Ball có thể không phải là một cái tên quen thuộc, nhưng ông đã tạo ra một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất thế giới. “Tôi vẽ một khuôn mặt tròn với cái miệng cười tươi trên màu vàng bởi muốn nó luôn tươi sáng và mang lại năng lượng tích cực”, ông từng nói.

10 phút làm nên lịch sử

Ít người biết rằng Harvey đã từng có thời gian phục vụ trong quân đội. Ông đã phục vụ 27 năm trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia, nghỉ hưu với tư cách là một thiếu tướng năm 1973 và sau đó phục vụ sáu năm trong Quân đội Dự bị.

Sau Thế chiến II, Harvey làm việc cho một công ty quảng cáo ở Worcester. Năm 1959, ông bắt đầu công ty riêng của mình, Harvey Ball Advertising.

Vào tháng 12 năm 1963, ông được một công ty bảo hiểm thuê để tạo một biểu tượng gì đó gắn vào các huy hiệu nhằm cải thiện tinh thần nhân viên. Và chỉ mất 10 phút, ông đã hoàn thành Smiley đầu tiên – với hai chấm và một nụ cười trong một vòng tròn nền vàng. Nhằm nhân cách hóa hơn cho Smiley, mắt trái được cố tình vẽ nhỏ hơn 1 chút so với mắt phải – một sự không hoàn hảo có chủ đích.

Biểu tượng mặt cười nền vàng quen thuộc với toàn thế giới giúp cho những chủ sở hữu kiếm tiền ra sao? - Ảnh 1.

Những huy hiệu Smiley đầu tiên

 Ban đầu, khuôn mặt Smiley chỉ được in trên 100 huy hiệu và phát cho nội bộ công ty. Nhưng sau đó nó đã tạo hiệu ứng cực tốt không chỉ với nhân viên mà cả những khách hàng. Công ty đã phải đặt hàng theo lô 10.000 cái 1 lần.

Hơn năm mươi triệu nút sau đó đã được sản xuất theo thiết kế của Harvey, nhưng ông chỉ nhận được 45 USD cho việc làm ra nó và cũng không nghĩ đến việc mua bản quyền thiết kế cho mình.

Trong cuộc nói chuyện sau này với Telegram & Gazette, Charles Ball, con trai của Harvey cho biết cha anh không bao giờ hối tiếc về lợi nhuận bản quyền. “Ông không phải là một kẻ chạy theo tiền”, anh nói.

Hành trình phủ sóng thế giới không hề “bằng phẳng”

Năm 1970, khi Smiley được biết đến nhiều hơn, hai anh em người Tây Ban Nha là Bernard và Murray đã mua lại biểu tượng này, thêm vào dòng chữ “have a happy day” và thu về lợi lớn từ hàng triệu chiếc áo, cũng như cốc uống cà phê, áp phích.

Hai năm sau, nhà báo người Pháp Franklin Loufrani đã trở thành người đầu tiên đăng ký biểu tượng Smiley cho mục đích thương mại khi ông bắt đầu sử dụng nó để làm nổi bật những tin tức đặc biệt trên tờ báo Pháp Soir. 

Biểu tượng mặt cười nền vàng quen thuộc với toàn thế giới giúp cho những chủ sở hữu kiếm tiền ra sao? - Ảnh 2.

Smiley được in bên cạnh bài viết của Franklin Loufrani

 Công ty Smiley của vị nhà báo cũng được ra mắt và bán áo phông hình mặt cười hoặc quyền dùng hình ảnh. Năm 1996, con trai Loufrani Nicolas tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình và biến nó thành một đế chế. Doanh thu lúc đó đạt hơn 100 triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ năm 1996, Smiley vướng vào một cuộc tranh chấp bản quyền với Walmart do hãng bán lẻ này cùng năm đã sử dụng hình ảnh Smiley cho các cửa hàng và quảng cáo trên TV. Sau đó, họ đã tranh quyền sở hữu thiết kế.

Được biết, cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm và đã tiêu tốn cả hai công ty hàng triệu đô la. Phần thắng cuối cùng đã thuộc về vị nhà báo công ty Smiley của mình.

Đi tìm lại ý nghĩa nguyên thủy

Mục đích tốt đẹp ban đầu của Harvey Ball khi phát minh ra hình mặt cười đã dần bị quên lãng, người ta chỉ còn lợi dụng hình ảnh Smiley cho những chiến dịch quảng bá tràn lan.

Điều này đã khiến Harvey Ball quyết tâm hành động. Ông thành lập công ty World Smile vào năm 1999 và kêu gọi người dân trên khắp thế giới cùng kỷ niệm Ngày Nụ cười Thế giới – World Smile Day vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 10.

Sự kiện này giúp gây quỹ cho Harvey Ball World Smile Foundation, một tổ chức từ thiện hỗ trợ các nguyên nhân khác nhau của trẻ em. 

Chia sẻ về ý tưởng này, Harvey Ball từng nói: “Mỗi người chúng ta hãy quan tâm hơn tới nụ cười của mình và của những người xung quanh. Nụ cười là một thông điệp tuyệt vời nhất – không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, chính trị…”

Biểu tượng mặt cười nền vàng quen thuộc với toàn thế giới giúp cho những chủ sở hữu kiếm tiền ra sao? - Ảnh 3.

Harvey Ball bên thiết kế nổi tiếng của mình

Ông mất vào năm 2001 vì bệnh suy gan ở tuổi 79, nhưng thiết kế của ông vẫn còn trường tồn mãi theo thời gian.

Ngày nay, tổ chức từ thiện của Harvey Ball vẫn hoạt động và bán các sản phẩm có hình mặt cười gây quỹ giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Còn công ty có được quyền sở hữu hình ảnh – SmileyWorld mỗi năm kiếm được hơn 250 triệu đô la tiền phí bản quyền.


Phong Ninh

Theo Medium – Scihi