Biểu tượng là gì? – LyTuong.net

(Last Updated On: 04/05/2022 by Lytuong.net)

Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan. Trực quan sinh động hay nhận thức cảm tính, gồm: cảm giác, tri giác, biểu tượng; Tư duy trừu tượng hay nhận thức lý tính gồm: khái niệm, phán đoán và suy lý (suy luận). Biểu tượng là tiền đề của những sự trừu tượng hóa của giai đoạn nhận thức lý tính.

Biểu tượng là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong tâm lý học và triết học.

1. Khái niệm Biểu tượng

Trong quá trình tri giác thế giới bên ngoài, con người phản ánh chủ quan các sự vật hiện tượng xung quanh mình dưới dạng hình ảnh của các vật thể đó mà nét tiêu biểu của chúng là tính trực quan. Các hình ảnh như thế phản ánh vào trong ý thức những đặc điểm bên ngoài của những vật thể được ta tri giác và luôn tác động lên các cơ quan thụ cảm khác nhau của hệ thần kinh. Các hình ảnh trực quan cụ thể của các sự vật hiện tượng đã xuất hiện nhờ kết quả của sự tri giác thế giới bên ngoài không phải mất đi không để dấu vết gì, mà là được duy trì một thời gian đáng kể trong ý thức của người ta.

Biểu tượng là quá trình tâm lý nhằm phục hồi các hiện tượng của sự vật hiện tượng mà con người đã cảm giác và tri giác được, là những tài liệu cụ thể và sinh động của các quá trình ký ức, tưởng tượng .

Các biểu tượng tạo nên cơ sở cảm giác của nhận thức về thế giới xung quanh: chúng mang lại cho người ta những hiểu biết về các đặc điểm của các vật thể xung quanh ta dưới dạng mà các vật thể đó tác động lên các cơ quan thụ cảm.

2. Đặc điểm

– Tính trực quan: Là khả năng cung cấp và phản ảnh trực tiếp, cụ thể sự vật hiện tượng  được ghi lại trong não bộ thông qua cảm giác và tri giác.

– Tính khái quát: Biểu tượng vừa thuộc về nhận thức cảm tính nhưng lại vừa bước chuyển tiếp nhảy vọt sang nhận thức lý tính. Vì vậy biểu tượng phản ảnh vật thể, hiện tượng trọn vẹn đầy đủ bằng cách khái quát những chi tiết tiêu biểu nhất, khái quát nhất.

3  Phân loại biểu tượng

– Biểu tượng về ký ức: Là hình tượng sự vật hiện tượng mà tri giác được trước kia nay hiện lại trong óc ta, mặc dầu sự vật hiện tượng đó không còn nữa.

– Biểu tượng về tưởng tượng: Là những hình tượng mới mẻ, sáng tạo nảy sinh ra trong óc trên cơ sở chế biến những biểu tượng của ký ức bằng nhiều cách như nhào, nặn, tăng, giảm, nhấn mạnh…) được nghệ thuật hóa, nhân cách hóa mà thành.

5/5 – (1 bình chọn)