“Biết tao là ai không?”
Đối với những người này, pháp luật và cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm khắc thói “ông trời con” của họ.
Không ít người tự cho mình “hơn thiên hạ”, phát ngôn vô văn hóa (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).
Với cách tiếp cận vấn đề như trên, tháng 8/2019, khi bà Lê Thị Hiền gây ra vụ náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất và lăng mạ nhân viên hàng không, trên BLOG Dân trí, người viết đề nghị “Cần đưa bà Lê Thị Hiền ra khỏi lực lượng công an”, để giữ gìn sự trong sạch và ý nghĩa thiêng liêng của màu áo Công an Nhân dân. Đồng thời, nếu bà này là đảng viên, cũng đề nghị cần phải khai trừ khỏi Đảng.
Trong hơn 430 bình luận của độc giả dưới bài viết vào thời điểm đó hầu hết đều đồng tình. Cuối tháng 11/2019, bà Lê Thị Hiền bị giáng cấp hàm, khai trừ Đảng và sau đó xuất ngũ.
Cái kết với một cán bộ dưới chuẩn. Nhưng không hiểu sao, sau những bài viết lên tiếng về tiêu cực như trên, tôi vẫn luôn hi vọng bản thân… sai. Vì nếu như mình sai nghĩa là người được đề cập đến trong bài viết đã tốt lên.
Thế rồi sau hơn 2 năm, tôi gặp lại nhân vật của mình trên các bản tin. Cựu Đại úy Cảnh sát giao thông Lê Thị Hiền gợi mọi người nhắc lại quá khứ của mình bằng cách trở thành bị can với cáo buộc “cướp tài sản”.
Theo cáo trạng, năm 2019, Lê Thị Hiền góp vốn mở quán kinh doanh đồ uống, bóng cười. Để tối ưu hóa nguồn thu, đủ thứ chiêu trò được áp dụng, kể cả thành lập “đội bảo an” gồm các nhân viên nam để “bảo kê”, đánh, ép khách nếu không chịu trả tiền – hay còn gọi là “dí bill”.
Lê Thị Hiền được cho đã đề nghị nhận 31 triệu đồng trích từ doanh thu mỗi tháng để chi cho các “quan hệ đối ngoại, đảm bảo cho các vi phạm của quán không bị cơ quan chức năng xử lý”. Dường như sau sự việc vào năm 2019, bị can vẫn chưa ý thức được “mình là ai”.
Đọc những dòng tin tức về “cựu Đại úy” trên báo hôm nay, tôi thực sự buồn, thất vọng, nhưng cũng thở phào với bài viết không khoan nhượng về hành vi của Hiền khi ở sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó ngành công an đã xử lý kịp thời.
Từ cú trượt dài của Lê Thị Hiền thấy rằng, việc thanh lọc bất cứ ai không đáp ứng các yêu cầu về tư cách đạo đức công vụ phải được thực hiện một cách mạnh tay, dứt khoát.
Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa “nhân văn” với “thỏa hiệp” hay “xử lý nội bộ”, càng không thể làm trong sạch đội ngũ bằng kỷ luật nửa vời, “giơ cao đánh khẽ”. Vì như vậy sẽ là dung túng cho những trường hợp đang ngồi nhầm ghế.
Các cơ quan né tránh việc xử lý, kỷ luật cán bộ có vi phạm, thậm chí bao che, lấp liếm để tránh ảnh hưởng đến thành tích chung sẽ đứng trước hậu quả khôn lường về sau. Xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định, bất kể đó là ai, không chỉ giúp trong sạch bộ máy, mà còn để cảnh tỉnh những ai vẫn giữ cách hành xử không xứng đáng là người công bộc của dân.
Câu chuyện kể trên là một bài học nhãn tiền.