Biến vỏ hộp sữa thành những vật dụng hữu ích
Là một kiến trúc sư ở Hà Nội, anh Thái Khắc Tiến, người sáng lập dự án Dấu Chân Xanh đã tận dụng máy móc trong xưởng gỗ của mình, để tái chế vỏ hộp sữa thành các sản phẩm có tính ứng dụng cao như: chậu cây, lót cốc, thùng rác, mặt bàn ghế,…
Dấu Chân Xanh chính thức hoạt động từ năm 2020, việc thu gom vỏ hộp sữa nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh và học sinh.
Theo chị Nguyễn Thị Hoàng Tiến, quản lý dự án, đó chính là động lực để Dấu Chân Xanh vượt qua mọi khó khăn: “Khó khăn là tự nghĩ ra máy móc, tự nghĩ ra mẫu mã. Quá trình thu gom cũng có nhiều vấn đề như làm sạch, thứ hai là phải xếp từng vỏ hộp sữa lại.
Các nhà máy có những vỏ hộp sữa in lỗi hoặc cắt hỏng, nhưng dựa vào mỗi nhà máy thì không giải quyết được “bài toán” vỏ hộp sữa ở trong môi trường. Nên bên mình cũng liên kết với các hội phụ nữ quận để thu gom, họ triển khai xuống các trường học.”
Chậu cây, lót cốc, thùng rác, mặt bàn ghế,… là những sản phẩm có tính ứng dụng cao được tái chế từ vỏ hộp sữa
Hiện công suất tái chế của Dấu Chân Xanh khoảng 3 tấn/ngày, tương đương 3 triệu vỏ hộp sữa loại 180ml.
Anh Lê Quang Trung, chủ một cửa hàng café chia sẻ, các sản phẩm vỏ hộp sữa tái chế tương tự gỗ ép, nhưng không bị cong vênh, mối mọt: “Về chất lượng mình thấy nó đang đáp ứng yêu cầu của mình. Nó có khả năng chịu nước, nhẹ nhàng, độc đáo và thẩm mỹ đẹp.
Mình sẽ cố gắng để cho mọi người biết về sản phẩm tái chế này, góp phần làm cho thành phố đáng yêu và đáng sống hơn.”
Chị Nguyễn Thị Hoàng Tiến, quản lý dự án Dấu Chân Xanh
Bên cạnh việc tái chế, Dấu Chân Xanh còn tổ chức các sự kiện bảo vệ môi trường như: “đổi rác lấy quà”, không gian trồng cây, đọc sách, thiết kế thời trang tái chế,…
Chị Nguyễn Thị Hoàng Tiến cùng các cộng sự tâm niệm, thành quả lớn nhất là thông điệp sống xanh được lan tỏa rộng rãi, “từ một người đến mười người, từ mười người đến trăm người”, đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường sớm hình thành trong trẻ nhỏ ngay từ ghế nhà trường./.