Biến tướng dịch vụ cầm đồ: “Lỗ hổng” từ đâu? | DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT

>> Vì sao “tín dụng đen” còn đất sống?

hihihhihi

Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”. Ảnh minh họa

“Bùng nổ” dịch vụ cầm đồ

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân là rất lớn. Trong khi ngân hàng đòi hỏi những điều kiện vay nhất định, thì hoạt động cầm đồ hoặc cho vay tín chấp lại dễ dàng hơn rất nhiều. Những loại hình cho vay này thường có thủ tục đơn giản, người vay không cần chứng minh năng lực tài chính, giải ngân lại nhanh gọn. Vì thế, nhóm khách hàng không thể vay tiền qua ngân hàng sẽ tới cầm đồ, vay tín chấp.

Tuy nhiên, đi cùng với ưu điểm, hoạt động cầm đồ và các loại hình cho vay khác cũng tiềm ẩn những vấn đề xã hội, đặc biệt là trong việc thu hồi nợ. Hàng loạt vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây gây hoang mang, ám ảnh, bức xúc trong dư luận là minh chứng điển hình cho những hệ lụy thực tế mà mô hình “biến tướng” này mang lại.

Được cho là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, F88 không khiến dư luận bất ngờ khi bị cơ quan công an tại nhiều tỉnh thành trên cả nước “sờ gáy” vì dấu hiệu đòi nợ kiểu cưỡng đoạt tài sản.

Đáng nói, trước khi lực lượng Cảnh sát điều tra ập vào khám xét trụ sở tại TP.HCM, F88 đã bị nhiều người “tố” về việc cho vay với mức lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”. Theo đó, một số người cho biết họ không có bất cứ giao dịch nào với F88 nhưng vẫn bị “nã” điện thoại, bị chửi rủa thô tục, thậm chí bị đe doạ tính mạng vì cho rằng có mối quan hệ với khách hàng vay vốn của F88.

Một số khác là khách hàng của F88 thì phải chịu những áp lực nặng nề vì khoản nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” sau khi vay của công ty này.

Đáng chú ý, không chỉ F88, hiện trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính với cách thức tương tự. Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”.

Chi nhánh Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) bị công an khám xét chiều 6.3

Chi nhánh Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) bị công an khám xét chiều 6/3/2023. Ảnh: Trần Duy Khánh

Những “lỗ hổng” pháp lý

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: Riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có quy định riêng và khá rõ ràng trong Thông tư số 43/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 18/2019).

Theo đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng khi đòi nợ không được đe dọa khách hàng; nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày và chỉ được diễn ra từ 7 – 21h, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến gia đình, tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ; ngoài ra phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 thuộc Công ty F88 là doanh nghiệp hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép, với loại hình dịch vụ cầm đồ. Doanh nghiệp này không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, pháp luật không có quy định cụ thể về việc đòi nợ, ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho mọi quan hệ pháp luật như không được gian dối, lừa đảo, xúc phạm, đe dọa và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác. Việc đòi nợ thuê đã bị cấm từ năm 2015 theo Luật Đầu tư. Song trên thực tế, hiện nay phổ biến có 2 dạng “đòi nợ thuê” không chính thức.

Thứ nhất là các công ty đòi nợ hoạt động dưới dạng công ty mua bán nợ. Các công ty này được tự do thành lập và hoạt động mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì đặc thù. Khi ấy họ đòi nợ với danh nghĩa là khoản nợ của chính mình.

Thứ hai, việc đòi nợ được thực hiện thông qua danh nghĩa dịch vụ pháp lý của các công ty luật theo quy định của Luật Luật sư năm 2006. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, thực tế các hoạt động đòi nợ thuê không hề mất đi theo quy định nghiêm cấm của luật, mà biến tướng từ hình thức này sang hình thức khác, trong khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia.

“Đáng lẽ phải chuyên nghiệp hóa việc đòi nợ thuê thay vì cấm một nhu cầu vô cùng chính đáng, cần thiết như vậy, rồi bây giờ còn khó quản lý hơn.

Tất nhiên nếu cho phép hoạt động đòi nợ thuê thì cần phải quản lý một cách bài bản, chặt chẽ, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh để giảm thiểu việc vi phạm điều kiện kinh doanh và trật tự trị an”, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.

>>Nỗi lo biến tướng tín dụng đen

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS cho rằng, việc quản lý hoạt động cho vay của hệ thống các cửa hàng của tiệm cầm đồ, chuỗi cầm đồ có đăng ký kinh doanh hiện nay còn lỏng lẻo, trong khi con số cơ sở kinh doanh cầm đồ trên cả nước là rất lớn, nhiều tiệm cầm đồ biến tướng thành tín dụng đen trá hình.

Bản chất vấn đề nằm ở chỗ chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh hoạt động cho vay theo hình thức cầm đồ, cắm giấy phép lái xe hoặc tín chấp qua các App. Mặc dù F88 và đa phần các cơ sở cầm đồ đều cho vay với lãi suất cắt cổ, song rất khó xử phạt những cơ sở này với tội danh cho vay nặng lãi.

Chỉ ra lỗ hổng của khung khổ pháp lý ở Việt Nam về cho vay nặng lãi, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nằm ở 2 vấn đề. Thứ nhất, trường hợp các cá nhân và pháp nhân khác khi cho vay với mức lãi suất từ trên 20% đến dưới 100%/năm, tuy vi phạm điều cấm của Luật nhưng lại không bị xử phạt vi phạm hành chính, vì chưa có quy định xử phạt.

Thứ 2, luật quy định về lãi suất cho vay mà không có quy định, định nghĩa lãi suất đó nên bao gồm cả lãi suất danh nghĩa của khoản vay và các chi phí đi kèm khoản vay đó. Hoặc ít nhất, các chi phí phát sinh quanh khoản vay không được vượt qua một tỷ lệ phần trăm nhất định của khoản vay, chỉ được tính một lần và không được tính theo tỷ lệ như lãi suất hàng tháng.

Dựa vào 2 lỗ hổng này của luật pháp, F88 đã cho vay nặng lãi theo đúng nghĩa nhưng lại không bị “sờ gáy”.

“Cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của công ty cầm đồ và các quy định chi tiết về những loại phí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện. Việc này giúp người dân đi vay sẽ không bị “bóp cổ” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải đứng trước ranh giới mong manh giữa hình sự và dân sự. Cần có quy định về không cho phép hoặc nếu cho phép, mức thu các loại phí này cụ thể là bao nhiêu” – Giám đốc Hãng luật TGS khuyến nghị.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.