Biện pháp ẩn dụ là gì? Ví dụ & phân loại các phép ẩn dụ
Ẩn dụ là một trong những phép tu từ từ vựng độc đáo nhưng khó nhận biết nếu các em không phân tích kỹ nghĩa trong câu. Bài viết này giúp học tốt ngữ văn sẽ hướng dẫn cho các em phân biệt biện pháp tu từ ẩn dụ là gì? Có bao nhiêu phép ẩn dụ, cách sử dụng và ví dụ minh họa chi tiết
Khái niệm biện pháp ẩn dụ là gì?
a – Khái niệm ẩn dụ là gì?
Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên, mô tả hiện tượng, sự vật này bằng tên một hiện tượng, sự vật khác có những nét tương đồng nhau về nghĩa, về loại từ vựng ( danh từ, động từ, tính từ) với tác dụng giúp tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.
Nói một cách đơn giản thì biện pháp ẩn dụ là dùng một từ nghĩa đen để mô tả một nghĩa bóng và 2 từ này có một mối liên hệ ngữ nghĩa nhất định nào đó.
b – Tác dụng của phép ẩn dụ
-
Tác dụng chính của biện pháp ẩn dụ là làm tăng giá trị gợi hình, gợi cảm và tính biểu đạt cho câu thơ, đoạn văn.
-
Đối với người viết, người đọc có thể sử dụng phép ẩn dụ để thay vì nói trực tiếp một vấn đề họ có thể sử dụng phép ẩn dụ để nói đến một sự việc khác có liên quan để ngầm diễn tả ngụ ý của mình.
-
Đối với người nghe thì phép ẩn dụ giúp người đọc, người nghe tiếp nhận và cảm nhận nội dung câu văn, đoạn văn theo nhiều cách mà họ suy diễn.
c – Ví dụ phép ẩn dụ
Ví dụ 1: Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng. Ta thấy trong câu thơ trên hình ảnh người con được so sánh ngầm với hình ảnh của mặt trời.
Ví dụ 2: Anh đội viên nhìn Bác – Càng nhìn lại càng thương
Người cha mái tóc bạc – Đốt lửa cho anh nằm.
Trong đoạn thơ trên hình ẩn dụ là người cha nhưng thật ra đây là hình ảnh của Bác Hồ.
d – Những lưu ý về phép ẩn dụ
-
Đầu tiên các em cần lưu ý về khái niệm ẩn dụ từ vựng: Là cách nói quen thuộc, phổ biến, có thể có hoặc không có giá trị tu từ và nghệ thuật.
-
Thứ hai là biện pháp ẩn dụ tu từ: Nó có tính lâm thời, tính cá thể và phải đặt trong từng văn cảnh cụ thể để khám ý nghĩa đầy đủ.
Phân loại các kiểu ẩn dụ trong tiếng Việt
Trong ngữ pháp tiếng Việt thì phép tu từ ẩn dụ được chia thành 4 loại gồm ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Chúng ta cùng nhau phân tích các loại ẩn dụ này nha.
1 – Phép ẩn dụ hình thức
Ẩn dụ hình thức sử dụng phép so sánh và dựa vào sự tương đồng về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng. Sự tương đồng này có thể gần giống nhau về nghĩa ( từ gần nghĩa ) hoặc cùng một loại từ ( tính từ, động từ). Đây là biện pháp tu từ dễ phân biệt và nhận biết nhất.
Ví dụ ẩn dụ hình thức: Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.
Biện pháp ẩn dụ trong câu thơ trên là “lửa lựu” ý nói hoa lựu đỏ chói như lửa và hoa lựu ngoài đời thực cũng có màu đỏ.
Tác dụng là muốn mô tả cảnh sắc mùa hè một cách sinh động, muốn tái hiện cảnh vật như có hồn và sống động với người đọc.
2 – Phép ẩn dụ cách thức
Phép ẩn dụ cách thức sẽ dựa vào những sự tương đồng về cách thức thực hiện hành động của những sự vật được so sánh trong câu. Có nghĩa là những hành động được so sánh này có những nét tương đồng nhau.
Ví dụ ẩn dụ cách thức
Ví dụ 1: Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu ( Trích Tuyên Ngôn Độc Lập). Từ ẩn dụ cách thức là “tắm” có tác dụng để khẳng định tội ác dã man của thực dân Pháp với nhân dân chúng ta.
Ví dụ 2: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Trong câu tục ngữ trên ăn quả có nghĩa là hưởng thụ, trồng cây có nghĩa là lao động = > ý nghĩa của câu tục ngữ trên là chúng ta phải biết ơn, biết trân trọng những người tạo ra thành quả để chúng ta được kế thừa và hưởng thụ như ngày hôm nay.
3 – Phép ẩn dụ phẩm chất
Ẩn dụ phẩm chất sẽ dựa vào sự tương đồng về phẩm chất giữa các sự vật, hiện tượng. Các phẩm chất như tốt, xấu, đẹp, hy sinh, dũng cảm…
Ví dụ ẩn dụ phẩm chất
Ví dụ 1: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng – thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Từ mặt trời trong phần in đậm sử dụng phép tu từ ẩn dụ phẩm chất vì ẩn dụ ánh sáng mặt trời như Bác Hồ đều tỏa sáng rực rỡ.
Ví dụ 2: Thuyền về có nhớ bến chăng – Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Hai hình ảnh ẩn dụ trong câu ca dao trên là ”thuyền, bến”. Trong đó “thuyền” ẩn dụ về người đàn ông luôn đi nhiều nơi, phiêu bạt nay đây mai đó, không cố định. Còn “bến” ẩn dụ người phụ nữ luôn một lòng một dạ chung thủy với người chồng.
4 – Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là sự chuyển đổi từ cảm giác này sang cảm giác khác và cảm nhận bằng nhiều giác quan khác nhau như mắt, tai, mũi…
Ví dụ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
Ví dụ 1: Trời nắng giòn tan. Từ ẩn dụ là “giòn tan” nắng giòn tan là nắng rất gắt có thể ảnh hưởng đến da con người.
Ví dụ 2: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa – Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiên. Cụm từ được in đậm sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ “tiếng” là thính giác sang “rất mỏng” xúc giác.
So sánh sự khác nhau giữa phép ẩn dụ và so sánh
Có thể nhiều bạn thường hay nhầm giữa hai phép tu từ ẩn dụ và biện pháp so sánh vì chúng có một vài điểm khá tương đồng nhau. Các em có thể phân biệt 2 phép tu từ này qua những đặc điểm khác biệt sau:
Điểm giống nhau:
- Đều dựa trên quan hệ tương đồng giữa hai vế A và B. Sự tương đồng này có thể là về nghĩa, về loại từ vựng.
- Đều có tác dụng tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ, câu văn.
Điểm khác nhau:
-
Phép so sánh: giữa hai vế A / B có sự so sánh rõ ràng về nghĩa cụ thể ( nghĩa đen) trong đó vế A là các sự vật được so sánh và vế B là sự vật dùng để so sánh.
-
biện pháp ẩn dụ: Cũng so sánh hai vế A / B nhưng từ được so sánh trong vế A được ẩn đi và chỉ hiển thị từ ngữ so sánh ở vế B hay nói đơn giản hơn là một vế được so sánh ngầm về nghĩa.
Bài tập phép tu từ ẩn dụ
Bài tập 1: Hãy tìm các biện pháp ẩn dụ trong những câu sau và cho biết đó là phép ẩn dụ gì?
a ) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
b ) gần mực thì đen gần đèn thì sáng.
Đáp án bài tập 1:
Câu a: Hai cụm từ được ẩn dụ là “ăn quả, kẻ trồng cây” trong đó:
Ăn quả là sự hưởng thụ thành quả lao động = > là kiểu ẩn dụ cách thức.
Kẻ trồng cây: Chỉ người tạo ra thành quả này = > là kiểu ẩn dụ phẩm chất.
Câu b: Các cặp từ ẩn dụ là “mực – đen, đèn – sáng”, trong đó:
Mực – đen là những cái xấu và đèn – sáng là chỉ cái tốt, cái hay = > đều là kiểu ẩn dụ phẩm chất.
Bài tập 2: Trong bài thơ Mây và sóng ( Xuân Quỳnh ) thì hai từ “mây, sóng” là những hình ảnh ẩn dụ. Hai hình ảnh ấy có thể gọi cho em liên tưởng đến những đối tượng nào?
Đáp án bài tập 2:
Hình ảnh mây, sóng làm em liên tưởng đến những người sống trên mây, sống trong sóng là những nhân vật thần kỳ, cổ tích, rất gần gũi với tuổi thơ mỗi người.
Kết luận: Đây là những kiến thức về biện pháp ẩn dụ mà các em cần ghi nhớ và hiểu thật kỹ để có thể sử dụng và phân biệt được với các phép tu từ khác.