Bị xử phạt hành chính có thể xem là có tiền án, tiền sự?

Xử phạt vi phạm hành chính là biện pháp xử lý vi phạm phổ biến. Vậy, bị phạt hành chính có thể xem là có tiền án, tiền sự không? Nếu bạn đọc có thắc mắc về vấn đề này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê.

1.Phân biệt tiền án, tiền sự

Pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định cụ thể về hai khái niệm này. Tuy nhiên trước đây, Nghị quyết 01-HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (đã hết hiệu lực) có đề cập đến vấn đề này như sau: “Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là có tiền sự nữa. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là tiền sự nữa.”

Có thể phân biệt tiền án và tiền sự như sau:

 

Tiền án

Tiền sự

Khái niệm

– Tiền án (án tích) được xem là đặc điểm nhân thân chỉ người đã bị kết án và áp dụng hình phạt mà chưa được xoá án tích.

– Tiền án được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hình sự.

– Tiền sự được xem là đặc điểm nhân thân chỉ người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu hình sự và đã bị kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính mà chưa được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt hành chính.

– Tiền sự được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hành chính.

Hậu quả pháp lý khi có tiền án/tiền sự

– Khi chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội được coi tái phạm, tái phạm nguy hiểm, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 53, điểm h Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

– Trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 có quy định “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thì tiền án còn được xem xét là yếu tố định tội đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người có tiền án có thể bị một số hạn chế về quyền lợi như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, … (Điều 41, 42, 43 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017)

– Khi chưa được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm hành chính có thể được coi là tái phạm, và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính (Khoản 5, Điều 2, điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).

– Trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 có quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì tiền sự còn được xem xét là yếu tố định tội đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp được xóa tiền án/tiền sự

– Người bị kết án được xóa tiền án theo quy định tại Điều 70 đến Điều 73 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 bao gồm:

+ Đương nhiên được xóa án tích;

+ Xóa án tích theo quyết định của Tòa án;

+ Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

– Thời hạn để xóa tiền án quy định tại Điều 70 và Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

(Điều 7 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020)

Hệ quả pháp lý khi được xóa tiền án/tiền sự

Người được xóa tiền án được coi như chưa bị kết án.

Người được xóa tiền sự được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Bị phạt hành chính có phải là tiền sự không?

Từ những phân tích  thì có thể thấy rằng:

– Việc bị xử phạt hành chính sẽ không được xem là có tiền án vì không bị chịu trách nhiệm hình sự.

– Việc xử phạt hành chính được coi là có tiền sự khi mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; nhưng phải có dấu hiệu tội phạm.

– Tiền sự được đặt ra khi phát sinh trách nhiệm hành chính, theo đó, một người bị xử phạt hành chính và được coi là có tiền sự khi:

+ Hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính là hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ các trường hợp bị xử phạt hành chính và được coi là tiền sự như hành vi đánh bạc lần đầu (tổng số tiền thu được dưới 5 triệu đồng), trộm cắp tài sản lần đầu có giá trị dưới 02 triệu đồng,người bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc…

+ Đã có quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.

Như vậy, người bị xử phạt vi phạm hành chính thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì bị coi là có tiền sự. Nói cách khác, không phải mọi trường hợp bị phạt vi phạm hành chính đều coi là tiền sự, ví dụ trường hợp vi phạm giao thông thông thường nếu hành vi vi phạm này chỉ bị xử phạt tiền và không có dấu hiệu tội phạm thì không được coi là tiền sự.

3. Xác định một người không còn tiền sự thế nào?

Người không còn tiền sự được hiểu là người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính. Người được xóa tiền sự sẽ được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, tại Điều 7 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020 có quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

“1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”

Như vậy, thời hạn xóa tiền sự được xác định như sau:

– 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm; hoặc

– 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác mà không tái phạm; hoặc

– Từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.

Trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính như sau:

– 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm; hoặc

– 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm.

Trong đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nêu rõ tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:

– Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm kể từ ngày ra quyết định.

Trường hợp quá thời hạn 01 năm thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…

– Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu 01 năm nếu trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Bị xử phạt hành chính có thể xem là có tiền án, tiền sự? Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.