Bí quyết trồng chuối tiêu hồng 10 quả như 10, thu hoạch đúng dịp Tết đếm tiền mỏi tay

Vùng đất soi bãi ven sông Đuống ở huyện Gia Lâm rất thích hợp để trồng chuối tiêu hồng Vùng đất soi bãi ven sông Đuống ở huyện Gia Lâm rất thích hợp để trồng chuối tiêu hồng

Xã Phú Thị là một trong các địa phương địa phương trồng nhiều chuối tiêu nhất huyện Gia Lâm, Hà Nội (trên 50ha), trong đó có gần 30ha cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, nhiều vườn chuối trồng ở đây đã có thương lái đến đặt hàng, mua với giá 270 – 300 nghìn đồng/buồng (tuỳ theo chuối xấu, đẹp).

Nhà vườn Tạ Văn Kiêu ở thôn Tô Khê (Phú Thị) có 1.000 buồng chuối tiêu cho thu hoạch vào cuối năm, cũng đã được thương lái đến định giá 275 nghìn đồng/buồng nhưng ông Kiêu chưa bán, vì có thể giá chuối còn lên. Ông Kiêu cho biết, ít có năm nào thương lái đến mua chuối Tết sớm và trả giá cao ngất ngưởng như năm nay.

“Cứ đà này đến giáp Tết, chuối có lẽ sẽ lên 400 nghìn đồng/buồng (8 – 10 nải), tới tay người tiêu dùng có khi tới 100 nghìn đồng/nải chứ chả chơi! Bởi tại thời điểm, giá chuối bản lẻ tại một số chợ quê gần Hà Nội đã lên tới 100 nghìn đồng/nải chuối đẹp. Chuối được giá thế này cũng bõ công sản xuất theo quy trình VietGAP”, ông Kiêu hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Xuân Thanh (cùng thôn Tô Khê) cũng cho hay, phần lớn các hộ trồng chuối ở khu vực này hiện đều đã “chốt” bán xô cả vườn với thương lái giá 285 nghìn đồng/buồng. Riêng ông Thanh trồng 1.000 gốc chuối, chỉ có 500 buồng cho thu hoạch vào Tết. Do số lượng ít, ông Thanh chưa bán vội. Nếu không xuất cho thương lái, ông sẽ chuyển sang chợ đầu mối nông sản Long Biên (Hà Nội) cũng bán hết ngay.

Phấn khởi vì giá chuối năm nay tăng cao, ông Thanh kể: “Trồng chuối nhàn lắm, chịu khó làm, 1 lao động có thể chăm sóc được 3.000 – 5.000 gốc chuối, và chắc chắn có lãi, vấn đề là lãi nhiều hay ít mà thôi. Có điều cây chuối hay bị bệnh vàng lá Panama, khó phòng trị. Để khắc phục, nên trồng bằng cây nuôi cấy mô, định kỳ 5 – 7 năm chuyển đổi sang trồng các cây khác”. Kế hoạch sang năm 2023, ông Thanh sẽ thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng lên 2.000 cây (0,5ha).

Buồng chuối được bao kín buồng để phòng ngừa sâu bệnh, giúp mẫu mã đẹp Buồng chuối được bao kín buồng để phòng ngừa sâu bệnh, giúp mẫu mã đẹp

Anh Nguyễn Xuân Tú (thôn Tô Khê) trồng 1,8ha chuối tiêu hồng. Từ tháng 8 đến nay, anh bán được được gần 2.000 buồng chuối, còn hơn 2.000 buồng nữa hiện cũng đã có khách “ăn” sỉ với giá 280 nghìn đồng/buồng (không phân loại) nhưng anh Tú chưa gật đầu, muốn chờ giá tăng thêm do chuối của anh đẹp hơn nhiều các hộ khác.

Theo anh Tú, 1 buồng chuối được coi là đẹp phải đạt từ 8 – 10 nải trở lên. Các quả và nải quả phải to đều, cong vào phía trong và mang màu xanh bánh tẻ, không tì vết, sâu bệnh. Để trồng được những cây chuối cho quả như vậy, anh Tú và các nhà vườn ở đây thường xuống giống vào tháng 2 âm lịch, chăm bón bằng lân, kali, phân gà ủ với chế phẩm vi sinh từ 3 – 5 tháng, dùng hạt đậu tương nghiền mịn và phế phẩm thuỷ sản ngâm hoai mục rồi bón thay đạm hoá học.

Phải chăm sóc sao cho cây chuối luôn mập, khoẻ, lá xanh dày, cổ cây mỡ lên lớp trắng mờ như phấn. Cùng với đó, còn phải theo dõi thời tiết thuỷ văn, xem mùa đông trong năm sẽ thiên về ấm nhiều hay rét nhiều để hãm hoặc thúc cây sinh trưởng cho quả thu hoạch trùng vào dịp Tết Nguyên đán. Ví dụ sang năm 2023 sẽ có tháng 2 nhuận, các nhà vườn sẽ phải xuống giống lui lại chừng 1 tháng.

Được hỏi vì sao không dùng kỹ thuật tác động cho chuối thu hoạch hết vào giáp Tết để dễ “bắt” giá cao, anh Tú phân tích: Chuối tiêu hồng từ trồng đến thu hoạch khoảng 10 tháng, theo đó, trồng chuối tháng 2 sẽ cho thu quả tháng 12 âm lịch.

Để cho chuối thu hoạch đúng vào dịp Tết là cả một sự kỳ công, căn thời gian rất khoa học trong quá trình sản xuất Để cho chuối thu hoạch đúng vào dịp Tết là cả một sự kỳ công, căn thời gian rất khoa học trong quá trình sản xuất

Để giảm đầu tư cây giống, phân bón và công lao động, ở năm thứ 2, các nhà vườn đều chọn lấy 1 cây con khoẻ phát sinh từ gốc mẹ từ tháng 5 – 8 rồi chăm sóc lấy quả. Những vườn chuối năm thứ 2 này, chủ yếu cho thu quả rải suốt năm, rất ít trùng vào dịp Tết. Hơn nữa không phải năm nào chuối Tết cũng có giá như năm nay. Vả lại, giá chuối Tết cao, cũng phải chi phí sản xuất đầu vào cao như phân tích ở trên.

Bà Hoàng Thị Thuý Nga, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, huyện này có gần 400ha chuối tiêu hồng, trồng tập trung ở vùng bãi ven sông Đuống thuộc các xã Phù Đổng, Đặng Xá, Phú Thị, Kim Sơn và Lệ Chi. Trong đó có 50% diện tích cho thu hoạch vào dịp Tết Quý Mão.

Đến nay, cơ bản các nhà vườn đều đã có thương lái đến đặt cọc bao tiêu chuối các loại, giá bán cũng cao hơn cùng kỳ năm trước từ 50 – 60%. “Chuối được giá là do nước ta không còn phải giãn cách xã hội vì Covid-19. Và việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bao gồm cả chuối quả các loại cũng thuận lợi hơn năm trước rất nhiều”, bà Nga thông tin thêm.

Chuối tiêu hồng từ xưa được biết đến là giống chuối đặc sản của nước ta. Giống chuối tiêu hồng nguồn gốc từ xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Chuối tiêu hồng thuộc họ Cavendish – tên gọi được đặt theo tên của công tước William Cavendish. Đây là giống chuối có giá trị thương mại cao, từng chiếm tới 47% tổng sản lượng toàn cầu trong giai đoạn 1998-2000.

Chuối Cavendish rất phù hợp để xuất khẩu do có thể trồng quy mô lớn, thu hoạch từ lúc còn xanh và vận chuyển đi xa được. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam bên cạnh chuối tiêu hồng thuộc nhóm Cavendish còn có giống chuối già Nam Mỹ. Một số thương hiệu nổi tiếng cung cấp chuối già Nam Mỹ cho các siêu thị tại Việt Nam như chuối Dole, chuối Fansipan, chuối Fohla…

Do cùng họ chuối Cavendish nên chuối tiêu hồng và chuối già Nam Mỹ có hình dáng và hương vị rất giống nhau. Chuối già Nam Mỹ có dáng và màu sắc đẹp hơn, nhưng không ngọt và thơm bằng chuối tiêu hồng.