Bí quyết cai sữa cho bé (2): Cẩn thận với “mẹo vặt” dân gian

 

Người chỉ đơn thuần sử dụng mẹo cai sữa “truyền khẩu” dân gian, người tuân thủ một cách có quy tắc từng bước của cách cai sữa hiện đại. Mỗi người một cách, điều quan trọng là “công cuộc” cai sữa thành công, cả mẹ và bé yêu được đảm bảo sức khoẻ…

Những “kỷ niệm” khó quên

Ngoài những cách cai sữa chúng tôi đã nêu ở bài trước như: Mẹ quấn tóc rối vào đầu ti; “hoá trang” bằng cách vẽ “nhem nhuốc” lên đầu hoặc quanh bầu vú bằng màu sắc sặc sỡ; dán băng dính vào đầu ti theo hình chữ thập hay hình sao… (kèm theo là vẻ mặt nhăn nhó hay lời nói chứng tỏ mẹ đang đau); Bôi các loại chất đắng, cay: Mướp đắng, thuốc cloroxit hoà với nước, dầu gió, cao… Cách ly bé với mẹ: Không cho bé ngủ với mẹ hoặc cách ly hẳn trong vài ngày… chúng tôi cũng đã nhận được không ít ý kiến chia sẻ rất thú vị của độc giả.

 

Hãy tùy hoàn cảnh, sức khỏe của mẹ và bé để lên kế hoạch cai sữa phù hợp (Ảnh: Vũ Hồng Quang).

Bà mẹ có nick name Mehaisam chia sẻ 2 cách cai sữa: Để thật căng sữa đến khi không chịu được nữa, sau đó cho con bú kiệt thì sữa không về nữa. Chị cũng lưu ý: Cách làm này rất đau. Và cách thứ 2 là: Ăn mì tôm hàng ngày, sữa sẽ tiêu dần và hết hẳn. Cách này chị thực hiện thấy hiệu quả lắm, nhẹ nhàng và không gây đau đớn.

Còn với bà mẹ của Tom2007 lại mách bạn bí quyết: Lấy cao sao vàng bôi vào đầu ti, khi bé đòi thì cho vào gần mũi bé. Bé rất sợ mùi đó, tuyệt đối không cho vào miệng. Kết hợp với cách mà chị học được: Luộc 1 quả trứng gà bóc sẵn cho vào bát đặt vào gậm giường (nơi bé có thể tự lấy được), mẹ chỉ cho bé ra lấy rồi cho bé ăn, không nhất thiết phải ăn hết nhưng miễn là bé có ăn, như thế bé sẽ không đòi ti nữa(!?).

Nick name Be_tun_yeu “bật mí”: Thật đơn giản, các bạn mua lá dâu về đun uống thay nước thường sẽ mất sữa ngay. Như vậy khi bú, không thấy có sữa, bé sẽ chán… ti, còn mẹ đỡ cảm giác bị đau tức.  Còn muốn cho con không bú sữa mẹ nữa thì các bạn cứ ăn liên tục các thức ăn nặng mùi như tỏi, hạt tiêu, ít ngày các bé sẽ bỏ bú ngay vì mùi sữa có mùi hôi nên các bé không thích và sẽ bỏ.

Meyeumouse25908 lại băn khoăn: Em có nghe thấy mẹ em bảo ăn lá lốt là mất sữa luôn đấy các chị ạ. Con em mới 2 tháng nên em không hỏi kỹ, chỉ thấy có lần mẹ dặn em là đừng có dại mà đụng vào lá lốt, mất sữa luôn thì khổ đấy.

Một bạn đọc ở địa chỉ megacon…@yahoo.com chia sẻ: “Mình đọc trong sách nói rằng lá bắp cải cai sữa rất tốt. Nhưng không phải là ăn đâu mà là lấy lá đắp lên ngực khi bị căng sữa. Còn một thứ ăn được để cai sữa đó là hạt sen. Hạt sen nếu không có tâm sen thì ăn lại có sữa và rất tốt cho mẹ và bé, nhưng nếu có tâm  sen thì lại làm mất sữa đấy…”.

Trên diễn đàn lamchame, bà mẹ có nick meBee chia sẻ: Mình có nghe chị bạn mách là cai đúng vào mồng 6 âm, mình làm đúng như vậy. Đêm đó mình cho Bee ngủ với bà ngoại. Nửa đêm, bé cũng tỉnh dậy tìm mẹ nhưng không khóc, thế là thành công luôn…

Thực hư câu chuyện “mẹo vặt”

Theo các chuyên gia y tế, trường hợp các bà mẹ trong thời kỳ cai sữa, thường bị căng tức sữa làm đau ngực, đây là hiện tượng sinh lý, không phải bệnh lý. Việc uống các loại thuốc giảm đau thông thường như Panadol, Seda, Paracetamol… trên thực tế có thể giảm đau tức thì, nhưng bà mẹ không nên lạm dụng thuốc. Nếu muốn giảm sữa, bà mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Theo các chuyên gia Đông y: Dân gian ta không có bài thuốc hay công trình nào chứng minh được việc ăn lá lốt, đắp lá bắp cải hay lá khoai lên bầu ngực sẽ làm giảm cương tức sữa, đau ngực hay giảm khả năng tiết sữa.

Theo các chuyên gia Đông y: Dân gian ta không có bài thuốc hay công trình nào chứng minh được việc ăn lá lốt, đắp lá bắp cải hay lá khoai lên bầu ngực sẽ làm giảm cương tức sữa, đau ngực hay giảm khả năng tiết sữa.

Với mẹo “ăn mỳ tôm” như có độc giả phản ánh, thật ra có một cơ sở có thể nhận định về mẹo này – đó là trong mỳ tôm có vị mạch nha (lúa mỳ), là một vị thuốc đặc biệt trong y học cổ truyền làm giảm khả năng tiết sữa. Cũng như thế, hạt sen, nếu bóc bỏ tâm sen, có khả năng làm tăng lượng tiết sữa nhưng ngược lại, nếu vẫn để nguyên tâm sen lại cho kết quả ngược lại. “Việc một số chị em mách nhau những mẹo cai sữa cho con vào các ngày mồng 6 hay 15 âm lịch, cá biệt còn có người chia đôi lấy nửa khoảng đó trong tháng là mồng 10 để làm ngày “mở đầu” cho “chiến dịch” cai sữa cho con, tôi nghĩ là hoàn toàn mê tín. Bên cạnh đó, dân gian ta có câu “Mồng 5, mười bốn, hai ba. Đi chơi còn lỗ huống hồ/nữa là đi buôn”. Có lẽ mẹo trên xuất phát từ câu nói này, chị em đề phòng nên lấy trệch ngày thành mồng 6 hay 15… Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học”- Thầy thuốc ưu tú- BS  Phùng Đình Khánh (Hội Đông y Việt Nam) cho hay.

“Một số bà mẹ đun lá dâu lấy làm nước uống cũng có thể làm giảm khả năng tiết sữa, hay ăn các vị như tỏi, hạt tiêu… sẽ làm nặng mùi làm bé cảm thấy khó chịu, bỏ dần thói quen bú mẹ, chứ không phải ăn những vị này sẽ làm giảm khả năng tiết sữa của mẹ”- Th.S Đỗ Thanh Hà (Trưởng khoa Phụ – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) chia sẻ.

BS. Khánh cũng cho biết: Không thể có một bài thuốc hay một mẹo nào có thể áp dụng cho tất cả các bà mẹ. Bởi nếu bà mẹ có vấn đề về tâm lý, tư tưởng, hoặc thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm lượng sữa ít dần đi. Dù làm theo cách nào, cũng cần đảm bảo về mặt dinh dưỡng và đặc biệt là sự chuẩn bị tâm lý cho cả mẹ và bé một cách kỹ lưỡng trong thời gian cai sữa.

 

Quỳnh An