Bị mất ngủ 1 đêm có sao không?
Có nhiều người hiếm khi bị mất ngủ triền miên nhưng thỉnh thoảng lại bị mất ngủ 1 đêm. Vào buổi sáng hôm sau, hầu hết họ đều cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống. Vậy mất ngủ 1 đêm có sao không? Nên làm gì để tỉnh táo, lấy lại năng lượng sau 1 đêm ngủ không ngon giấc?
1. Tình trạng mất ngủ 1 đêm thường do nguyên nhân gì?
Hiện tượng mất ngủ về đêm kéo dài thường liên quan tới những bệnh lý về rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu người bệnh chỉ bị mất ngủ 1 đêm thì có thể là do những nguyên nhân sau:
- Ban ngày đã ngủ quá nhiều: Việc phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý sẽ gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng giấc ngủ. Nếu bạn ngủ quá nhiều vào ban ngày thì có thể dẫn tới tình trạng khó ngủ hoặc mất ngủ vào ban đêm. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến bạn bị mất ngủ 1 đêm;
- Lo âu, căng thẳng: Tâm trạng là 1 yếu tố tác động tới chất lượng giấc ngủ. Những người bị lo lắng, căng thẳng thường thấy khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Tình trạng này cũng thường xảy ra nếu người đó có việc quan trọng cần thực hiện vào hôm sau. Lúc này, họ thường có cảm giác thấp thỏm, hồi hộp không yên hoặc quá phấn khích,… dẫn tới mất ngủ;
- Do vấn đề từ ăn uống: Tình trạng mất ngủ trong 1 đêm có thể xảy ra ở những người ăn đêm quá no hoặc quá muộn. Khi đó, dạ dày phải làm việc gắng sức, không được nghỉ ngơi và dẫn tới khó ngủ. Ngoài ra, thói quen sử dụng trà đặc, cà phê hoặc các chất kích thích,… cũng có thể là nguyên nhân gây mất ngủ;
- Làm việc ban đêm quá sức: Tùy thuộc tính chất công việc, nhiều người sẽ phải làm việc vào ban đêm dù ban ngày đã rất vất vả. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mà còn có tác động trực tiếp tới chất lượng giấc ngủ. Sự tập trung khi làm việc khiến não bộ phải làm việc nhiều hơn. Từ đó, người bệnh luôn trong trạng thái tỉnh táo, khó đi vào giấc ngủ. Đồng thời, một số người làm việc quá khuya, ảnh hưởng tới khung giờ đi ngủ thường ngày nên cũng dễ bị mất ngủ 1 đêm.
2. Mất ngủ 1 đêm có sao không?
Vậy thỉnh thoảng bị mất ngủ 1 đêm có sao không? Nhiều người cho rằng đôi khi bị mất ngủ sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế thì việc này không đơn giản như vậy. Mất ngủ chỉ 1 đêm cũng gây nhiều tác động tới não bộ, khả năng phản ứng và sự tập trung trong công việc cũng như trong sinh hoạt.
Các chuyên gia cho biết cơ thể chúng ta sẽ ở trạng thái yếu nhất nếu phải thức trong một khoảng thời gian quá dài. Nếu phải thức tới 24 giờ thì người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu tập trung, uể oải, thiếu tỉnh táo,… vào ngày hôm sau. Tình trạng này khiến người bệnh khó tập trung trong công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Và nếu tình trạng mất ngủ 1 đêm không được khắc phục mà vẫn tiếp diễn trong thời gian dài thì có thể gây nhiều hệ lụy khó lường đối với sức khỏe người bệnh. Đó là lý do cần áp dụng ngay các biện pháp để cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bệnh nhân.
3. Cách lấy lại năng lượng sau 1 đêm mất ngủ
Thực tế cho thấy việc mất ngủ 1 đêm sẽ không gây quá nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe nếu ngay ngày hôm sau người bệnh duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống điều độ. Nếu đêm trước bị mất ngủ và hôm sau cần phải tỉnh táo, tập trung thì bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không cố ngủ bù: Bạn có thể đặt báo thức bằng 1 bản nhạc vui vẻ, không nên tắt chuông báo thức. Việc ngủ cố thêm một lúc không phải là cách phục hồi năng lượng vào buổi sáng. Thậm chí, việc này còn làm bạn càng thấy uể oải hơn, cơ thể mệt mỏi và trí nhớ suy giảm;
- Tắm nước mát: Tùy điều kiện sức khỏe và thời tiết, bạn có thể tắm nước mát hoặc nước lạnh. Việc tắm nước mát giúp kích thích máu lưu thông, tăng sự tỉnh táo sau 1 đêm mất ngủ. Điều này giúp cải thiện khả năng chịu đựng căng thẳng, làm tăng cường khả năng tuần hoàn máu và giúp đầu óc tỉnh táo hơn;
- Ăn sáng ngay sau khi tắm: Khi bạn mệt mỏi, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, giải phóng cortisol và adrenaline để bù đắp năng lượng bị thiếu hụt. Do đó, ngay sau khi tắm, bạn nên ăn sáng để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Giờ ăn sáng lý tưởng là trước 8:30 sáng, tức là khoảng 1 – 2 tiếng sau khi thức dậy. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị bạn không nên sử dụng những loại thực phẩm có thể làm lượng đường trong cơ thể tăng đột biến vì chúng có thể khiến bạn buồn ngủ hơn trong cả ngày;
- Chú ý hơn tới ngoại hình: Để lấy lại năng lượng sau 1 đêm mất ngủ, bạn hãy chăm chút hơn cho diện mạo của mình. hãy chọn những gam màu trẻ trung giúp thúc đẩy năng lượng để tự cảm thấy bản thân nhiệt huyết hơn. Khi hài lòng với diện mạo của mình thì tinh thần bạn cũng phấn chấn hơn;
- Tắm nắng vào đầu giờ sáng: Khi bị mất ngủ 1 đêm, sáng hôm sau bạn nên tắm nắng và tận hưởng gió trời. Ánh sáng tự nhiên báo hiệu cho não bộ biết rằng đã hết thời gian đi ngủ. Nó cũng có khả năng ức chế quá trình cơ thể sản sinh ra melatonin – 1 loại hormone giúp điều chỉnh chất lượng giấc ngủ. Việc tắm nắng vào đầu giờ sáng giúp tăng cường sự tỉnh táo và điều chỉnh nhịp điệu của cơ thể. Nó cũng giúp bạn thấy thư giãn, xoa dịu cảm giác căng thẳng sau 1 đêm không ngon giấc;
- Tập luyện vừa sức: Nếu gặp tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ dưới 6 tiếng thì sáng hôm sau bạn không nên tập luyện quá sức để tránh gây ra những rủi ro nghiêm trọng. Thay vào đó, bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hay tập yoga vào buổi sáng để cơ thể được thư giãn, thoải mái hơn;
- Tập trung toàn bộ tâm trí vào công việc: Mất ngủ sau 1 đêm sẽ khiến bạn mệt mỏi, không có sức lực làm việc và chỉ chờ tới lúc tan ca. Tuy nhiên, đây không phải là cách hay. Sau bữa sáng, bạn hãy thưởng thức 1 ly cafe sữa, sau đó tập trung vào công việc để quên đi cảm giác mệt mỏi;
- Dành thời gian nghỉ trưa: Sau khi trải qua 1 đêm mất ngủ, bạn hãy chợp mắt khoảng 20 – 30 phút vào buổi trưa. Điều này giúp khôi phục năng lượng cho cơ thể;
- Cố gắng ngủ ngon vào tối hôm sau: Để tránh việc tiếp tục bị mất ngủ vào tối hôm sau, bạn nên thiết lập 1 lịch trình sinh hoạt phù hợp để lên giường đúng giờ. Tuân thủ lịch sinh hoạt khoa học và điều độ sẽ giúp củng cố chu kỳ thức – ngủ của cơ thể. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ và có nhiều năng lượng hơn trong cả ngày hôm sau.
Ngoài ra, nếu bị thiếu ngủ hoặc mất ngủ nhất thời, bạn đừng vội dùng thuốc ngủ. Các loại thuốc ngủ thường chỉ được chỉ định cho những người bị rối loạn giấc ngủ kéo dài, gây mê phẫu thuật, rối loạn tâm thần,… vì chúng có nhiều tác dụng phụ. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các loại thảo dược có sẵn như lạc tiên, tâm sen, bá tử nhân,… để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Sau khoảng 1 tuần sử dụng thảo dược sắc uống, bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn và ngủ ngon hơn. Khi tỉnh dậy cơ thể cũng sẽ thoải mái và tỉnh táo hơn.
Bài viết đã giúp giải đáp cho câu hỏi bị mất ngủ 1 đêm có sao không? Tốt nhất bạn nên áp dụng các phương pháp chăm sóc giấc ngủ tốt nhất để hạn chế tình trạng mất ngủ. Trường hợp bị mất ngủ tiếp diễn kéo dài, đã áp dụng những biện pháp không dùng thuốc mà không thấy hiệu quả thì người bệnh nên đi bệnh viện để được thăm khám, điều trị đúng hướng,…
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.