Bị chỉ trích ở Việt Nam, show Vợ chồng son bản gốc như thế nào?
Vợ chồng son được mua bản quyền từ talk show có tuổi thọ gần 50 năm tại Nhật Bản. Chương trình bị phản đối ở Việt Nam khi khai thác chuyện giường chiếu riêng tư, phản cảm.
Tập 351 chương trình Vợ chồng son đã vấp phải luồng ý kiến trái chiều của khán giả khi mang đến câu chuyện hôn nhân của anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và chị Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi). Sở dĩ cặp đôi bị khán giả phản ứng vì hai người chia sẻ nhiều phát ngôn việc từ cha-con nuôi thành vợ chồng, chuyện giường chiều quá nhạy cảm…
Chương trình gốc của Nhật đã kéo dài gần 50 năm
Trên trang chủ của HTV – đơn vị sản xuất chương trình, Vợ chồng son đã được giới thiệu là talk show mua bản quyền từ Nhật Bản. Show được lên sóng vào 22h chủ nhật hàng tuần dưới sự dẫn dắt của MC Hồng Vân và Quốc Thuận. Mục đích của Vợ chồng son là giúp các cặp vợ chồng có thời gian kết hôn dưới 6 năm chia sẻ những khó khăn, khúc mắc trong việc hòa nhập với đời sống của đối phương sau khi “về chung một nhà”.
Với mô tả này, Vợ chồng son đã tuân theo đúng format của bản gốc Shinkon-san Irasshai!. Show lên sóng đài Asahi TV lần đầu vào tháng 1/1971. Format trò chuyện về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng mới cưới đã được duy trì suốt 49 năm qua, không hề thay đổi bất kỳ chi tiết nào. Theo Japan Times, đây chính là điểm hấp dẫn của talk show này.
Nam MC Bunshi Katsura được trao tặng kỷ lục Guinness thế giới nhờ dẫn dắt show Shinkon-san Irasshai! – phiên bản gốc của Vợ chồng son.
Ngoài ra, Japan Times cũng đánh giá điều khiến khán giả ở lại với chương trình suốt gần 50 năm qua chính là sự hài hước, duyên dáng và hoạt ngôn của Bunshi Katsura – MC chính dẫn dắt Shinkon-san Irasshai! từ ngày đầu.
Nhờ bền bỉ dẫn Shinkon-san Irasshai! suốt hơn 40 năm, ông Katsura đã được tổ chức kỷ lục Guinness trao tặng bằng khen. Chương trình này được ghi nhận là talk show kéo dài nhất thế giới mà vẫn được dẫn dắt bởi cùng một người.
“Chương trình duy trì sức nóng suốt những năm qua bởi việc không thay đổi format đó chính là công thức gây cười kinh điển. Những cặp vợ chồng mới cưới được mời đến trường quay mỗi tuần, tâm sự, bóc mẽ nhau, tạo cơ hội cho Katsura phản ứng cường điệu như đang sống trong truyện tranh, ‘rớt hàm’, trượt khỏi ghế và ngã sõng soài trên mặt đất”, Japan Times mô tả.
“Chương trình duy trì sức nóng suốt những năm qua bởi việc không thay đổi format đó chính là công thức gây cười kinh điển. Những cặp vợ chồng mới cưới được mời đến trường quay mỗi tuần, tâm sự, bóc mẽ nhau, tạo cơ hội cho Katsura phản ứng cường điệu như đang sống trong truyện tranh, ‘rớt hàm’, trượt khỏi ghế và ngã sõng soài trên mặt đất”, Japan Times mô tả.
Cách dẫn này đối với khán giả quốc tế vấp phải ý kiến trái chiều nhưng lại được ưa chuộng ở Nhật Bản. Không chỉ riêng Shinkon-san Irasshai!, hầu như các MC, khách mời trong game show và talk show khác của nước này đều phản ứng, biểu cảm cường điệu để tạo nên tiếng cười cho khán giả.
Vợ chồng son “sao chép” mọi chi tiết từ bản gốc
Có thể thấy, ê-kíp sản xuất Vợ chồng son đã nỗ lực giữ nguyên vẹn càng nhiều đặc trưng của phiên bản gốc càng tốt, từ bối cảnh sân khấu, phong cách trò chuyện đến số lượng người dẫn, lựa chọn các cặp vợ chồng kết hôn không quá 6 năm…
Đặc biệt, MC Quốc Thuận còn học tập cả cách phản ứng cường điệu đặc trưng của Bunshi Katsura. Mỗi khi vợ chồng khách mời chia sẻ một câu chuyện hài hước hoặc gây ngạc nhiên, nam MC sẽ ngã lăn khỏi ghế ngồi, sau đó bò lồm cồm trên mặt đất và lớn tiếng cảm thán để tạo tiếng cười cho khán giả.
Quốc Thuận học theo “chiêu” té ghế và phản ứng thái quá của MC bản gốc người Nhật.
Tuy nhiên, không ít lần Quốc Thuận bị người xem chê “làm lố”, “gây khó chịu” hoặc “phản ứng giả tạo” vì những hành động trên. Một số ý kiến cho rằng cách phản ứng thái quá này được ưa chuộng tại Nhật Bản do văn hóa của người dân nước này vốn ưa chuộng những hình thái cường điệu trong mọi hành động, vật phẩm văn hóa. Trong khi đó, khán giả Việt Nam không có cùng “gu” với người Nhật, không nhiều người tỏ ra thích thú với những hành động trên.
Bên cạnh đó, việc thẳng thắn nói về đời sống tình dục của các cặp đôi trong Vợ chồng son cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của khán giả.
Cụ thể, trong tập 351, nhiều người tỏ ra bức xúc khi anh Nguyễn Văn Hưng và chị Nguyễn Thị Nhất chia sẻ việc xảy ra quan hệ giường chiếu khi vẫn có con nhỏ ngủ ở bên cạnh. Hoặc trong một tập khá lâu trước đây, vợ chồng diễn viên Tùng Min cũng khiến nhiều người ngượng chín mặt khi kể rằng cả xóm luôn biết rõ mỗi khi hai người “gần gũi” vì stylist Pông Chuẩn (vợ nam diễn viên) là người khá ồn ào, lớn tiếng.
Nhiều câu chuyện tình yêu, đời sống hôn nhân khác trong Vợ chồng son cũng được đánh giá là quá nhạy cảm và không phù hợp để chiếu rộng rãi dù là trên sóng truyền hình hay nền tảng trực tuyến. Có ý kiến cho rằng ê-kíp sản xuất và đội ngũ biên tập nên cân nhắc lại việc học tập toàn bộ cách khai thác nhân vật của show Shinkon-san Irasshai! bởi thực tế văn hóa của hai nước khác xa nhau.
“Chương trình này có quá nhiều trao đổi và gợi cảnh giường chiếu. Nhất là Quốc Thuận, anh ấy hay gợi ý, úp úp mở mở để người chơi kể ra những chuyện đó. Tôi cũng không hiểu biên tập chương trình sao vẫn để diễn ra hoài các chuyện tương tự. Quá dung tục”, khán giả Song Nguyen bức xúc.
Khán giả bức xúc khi Vợ chồng son liên tục khai thác những chuyện tình cảm, quan hệ giường chiếu.
“Lúc trước tôi cũng hay xem chương trình này, nghe các cặp kể chuyện quen nhau yêu nhau rồi MC tư vấn tâm lý cũng hay. Nhưng càng về sau càng thô tục, toàn chuyện giường chiếu, kể xấu nhau. Lại thêm ông Quốc Thuận té ghế suốt”, “Đâu phải không biết mà duyệt những thứ dung tục như vậy lên sóng”, “Chương trình ngày càng lố bịch”… là một số bình luận khác của người xem.
Những game show mua bản quyền nước ngoài bị chỉ trích
Vợ chồng son không phải chương trình mua bản quyền nước ngoài đầu tiên, cũng không phải chương trình duy nhất bị chê phản cảm, không phù hợp văn hóa Việt Nam.
Trước đó, năm 2019, show Lựa chọn của trái tim – phiên bản việt của Sexy Beasts (show của đài BBC3, Anh sản xuất) cũng bị phản ứng kịch liệt vì những cảnh âu yếm, hôn môi phản cảm.
Show hẹn hò Date & Kiss được sản xuất dựa theo nội dung của MBC Holding Japan cũng chịu nhiều chỉ trích gay gắt của khán giả. Trong chương trình này, thay vì chuyện trò, người chơi tìm hiểu đối phương bằng cách hôn nhau. Cảnh hôn được máy quay cận lố lăng, thậm chí có những người chơi vừa hôn vừa đụng chạm thân thể đối phương một cách táo bạo. Đa số các ý kiến đánh giá những cảnh này quá gợi dục và trái thuần phong mỹ tục. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng xem chương trình này không khác phim cấp ba.
Không chỉ show về hẹn hò, hôn nhân mới vướng vào tranh cãi, ngay cả show giải trí như Ai dám hát hoặc Đố ai hát được cũng bị chỉ trích vì lấy sự sợ hãi của người chơi ra làm trò đùa. Nhiều khán giả cho rằng cảnh nghệ sĩ sợ đến mức “mặt không còn giọt máu” vì bị thả vào bồn nước toàn cá sấu, rắn, rết hoặc bị ném dao vào người khiến họ thấy phản cảm.
Show Date & Kiss – một chương trình dựng theo format Nhật khác – cũng bị chỉ trích quá phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Trở lại với phiên bản gốc của Vợ chồng son, sở dĩ Shinkon-san Irasshai! không hề bị phản đối mà còn duy trì lên sóng suốt 49 năm bởi vì văn hóa Nhật Bản khá cởi mở với các vấn đề liên quan đến tình dục, trinh tiết hay thân thể phái nữ… Khán giả còn tỏ ra thích thú khi được nghe những trải nghiệm của người chơi về các vấn đề này.
Tại Nhật Bản, các chương trình truyền hình có thể thoải mái đề cập đến tình dục, thói quen giường chiếu hay cùng bàn tán về việc một cô gái đã quan hệ với bao nhiêu người đàn ông… Trong một số show, các nam MC có thể thoải mái bàn tán, thậm chí đụng chạm vào thân thể của khách mời nữ mà không lo bị kiện quấy rối tình dục. Khách mời nữ trong các show này cũng tỏ ra thoải mái, thích thú khi được hỏi về những vấn đề nhạy cảm trong đời sống cá nhân.
Nhưng rõ ràng những cách khai thác nội dung, biên tập và xử lý tình huống này không thể áp dụng được với khán giả Việt Nam.
Với bối cảnh thị trường giải trí hiện nay, đa phần chương trình phát sóng đã được xã hội hóa và chuyển giao cho do các đơn vị tư nhân sản xuất. Đối diện với bài toán rating và nguồn lợi thu được từ show, các nhà sản xuất buộc phải tìm cách để thu hút sự quan tma của khán giả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không thể vì rating, lợi nhuận mà đưa những hình ảnh, câu chuyện dung tục lên sóng truyền hình. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, đặc biệt là trẻ em.