Bệnh vảy nến có gây ngứa không và điều trị thế nào?
Vảy nến là bệnh da thường gặp. Tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị sớm và đúng phương pháp, bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây các biến chứng nặng nề.
Ở người bình thường luôn diễn ra quá trình tế bào da cũ chết đi, bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Còn ở người mắc bệnh vảy nến, quá trình này lại diễn ra nhanh gấp 10 lần khiến các tế bào da cũ và mới dồn lại tạo thành những mảng dày, có vảy trắng. Bệnh vảy nến gặp ở mọi lứa tuổi, có thể khởi phát lúc trẻ hoặc sau 50 tuổi. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng, nhiều mức độ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Ở da bệnh vảy nến thường có biểu hiện là các mảng da đỏ có vảy trắng, dày, bao gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong giống với giọt nến. Các vị trí hay gặp nhất là các vùng như khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Đặc biệt sau một thời gian tiến triển các tổn thương có thể lan ra toàn thân.
Thông thường người bị bệnh vảy nến không ngứa, trừ một số trường hợp bệnh nhân có thể ngứa, châm chích, bỏng rát.
Tổn thương móng trong bệnh vảy nến có các biểu hiện như móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Nặng hơn có trường hợp móng dày, mủn dễ gãy thậm chí mất cả móng.
Ở khớp biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn… Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.