Bệnh vàng da trẻ sơ sinh – nguyên nhân và cách điều trị
Tuy nhiên, nếu nồng độ bilirubin quá cao, bệnh vàng da sơ sinh có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh của trẻ. Tùy thuộc vào dạng vàng da mà cách chữa trị cũng khác nhau.
Các triệu chứng điển hình và nguyên nhân gây vàng da
Theo Hiệp hội Nhi khoa Canada (CPS), vàng da sơ sinh (Jaundice) khá phổ biến. Nó làm cho da mặt và ngực, mắt… chuyển sang màu vàng, thường xuất hiện từ 1- 4 ngày tuổi sau sinh.
ở dĩ có hiện tượng này là do nồng độ sắc tố bilirubin trong máu cao. Đây là một trong những sản phẩm phụ được tạo ra khi các tế bào hồng cầu vỡ ra.
Khám và điều trị cho trẻ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Phạm Hùng
Thông thường, gan loại bỏ bilirubin ra khỏi máu, sau đó thải nó ra ngoài qua đường phân và nước tiểu. Trong thời gian mang thai, gan mẹ bầu sẽ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Sau khi chào đời, phải mất một thời gian gan của bé mới bắt đầu làm việc nên sắc tố này sẽ tích tụ trong máu khiến da có màu vàng.
Theo giới nhi khoa cũng cần phân biệt vàng sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh.
Vàng da sinh lý có thể nhẹ với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường sẽ biến mất trong vòng một tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.
Nguyên nhân gây hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là do sự tích tụ của bilirubin, một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ giải phóng ra.
Ngược lại, vàng da bệnh lý là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.
Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau một tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt.
Một số nguyên nhân gây vàng da sơ sinh bệnh lý như: Bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng), xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh…
Ngoài ra còn có các yếu tố như tiền sử gia đình, có anh chị em ruột bị vàng da, có vết thâm tím khi sinh, mang rối loạn di truyền nhất định như hội chứng Gilbert, các khuyết tật của màng tế bào hồng cầu bẩm sinh…; do mắc bệnh xơ nang hay bị nhược giáp, do sinh non dưới 28 tuần thai…
Chẩn đoán và cách chữa trị
Bác sĩ sẽ kiểm tra trẻ cách quan sát mắt bé từ 3 – 5 ngày sau khi sinh, khi nồng độ bilirubin trở nên cao nhất. Nếu cần bác sĩ có thể làm xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ bilirubin.
Việc kiểm tra chắc chắn sẽ được thực hiện nếu em bé có biểu hiện vàng da trong 24 giờ đầu tiên vì tình trạng vàng da xuất hiện lúc đó có nhiều khả năng cho thấy có vấn đề nghiêm trọng.
Người mẹ có thể tự kiểm tra như mang bé vào phòng có nhiều ánh sáng tự nhiên hoặc dưới ánh đèn huỳnh quang.
Nếu trẻ có làn da trắng, hãy nhẹ nhàng ấn ngón tay lên trán, mũi hoặc ngực và tìm kiếm màu vàng trên da sau khi thả ngón tay ra. Nếu có làn da tối, hãy tìm màu vàng trên nướu hoặc tròng trắng của mắt…
Hầu hết các bé bị vàng da sơ sinh sẽ tự khỏi. Khi cần điều trị bác sĩ sẽ dùng liệu pháp quang trị liệu. Nhưng nếu tình trạng vàng da trầm trọng hoặc nồng độ bilirubin của bé tiếp tục tăng nhất thiết phải cho bé nhập viện để thay máu.
Việc thay máu này sẽ thay thế một lượng máu của em bé có nồng độ bilirubin cao với máu được hiến có nồng độ bilirubin bình thường.
Vàng da do sữa mẹ rất phổ biến ở những bé bú mẹ hoàn toàn, nhưng tình trạng này không nguy hiểm.
Nếu bilirubin của bé quá cao, có thể ngừng cho con bú trong 1 hoặc 2 ngày để tình trạng giảm xuống và khi bilirubin giảm thì tiếp tục cho bé bú lại.