Bệnh thành tích, dẹp được không?
Tại sao mãi vẫn không dẹp được nạn thành tích. Vì giáo dục Việt Nam không có thước đo đúng; nói cách khác là nó không có thước đo nào khác.
Bệnh thành tích, dẹp được không? Ảnh mang tính minh họa.
Khi sự vụ “chặn đường” học sinh thi vào lớp 10 một lần nữa rộ lên (sau nhiều lần đã rộ lên), người ta lập tức tìm nguyên nhân, và tìm thấy rất nhanh, gần như là ngay lập tức: bệnh thành tích. Và giải pháp cũng liền được đưa ra, rất nhanh gọn: bỏ hết các loại thi đua và phân loại, xếp hạng đi.
Đơn giản. Nhưng làm được không? Không. Không làm được, dù mọi thứ rất sáng sủa, rõ ràng và giản tiện như thế. Bằng chứng là bệnh đã được phát hiện từ rất lâu, cũng điều trị bằng mọi loại thuốc, nhưng có vẻ như bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn ngày càng nặng thêm. Muốn xóa bỏ thì phải có cái gì khác để thay vào, chứ không thể bỏ trắng.
Tại sao mãi vẫn không dẹp được bệnh thành tích. Vì giáo dục Việt Nam không có thước đo đúng; nói cách khác là nó không có thước đo nào khác – trong khi vẫn luôn phải đảm bảo được một bộ mặt đẹp, để tự hào và ấm thân.
Giáo dục thế giới dùng cái gì để đánh giá chất lượng? Niềm vui, là một ví dụ. Đứa trẻ đi học có vui không? Chúng có hoạt bát, hồ hởi, sảng khoái, khỏe khắn, năng động và dồi dào năng lượng hay không…? Đó là những câu hỏi được quan tâm hàng đầu. Người ta không chấp nhận được việc một đứa trẻ đến trường mà phiền muộn, sợ hãi, chán nản, ủ ê, mỏi mệt. Họ phải làm cho chúng vui. Vui bằng chính nội dung bài học, vui bằng phương pháp học, bằng trải nghiệm, bằng thảo luận, tranh luận… Đi học là hạnh phúc. Khổ là một cái gì kỳ dị và không thể chấp nhận được trong các nền giáo dục ấy. Đứa trẻ có thể quậy, có thể ngỗ nghịch, lập dị; nhưng đứa trẻ không thể u sầu.
Chúng ta thì sao? Hãy nhớ lại và cả quan sát nữa, xem có bao nhiêu giáo viên và có bao giờ giáo viên hay nhà trường quan tâm tới cảm xúc của các em. Có bao giờ các em được hỏi han và chọc cười như chọc một người bạn bởi thầy cô giáo của mình? Hiếm tới nỗi khó mà bắt gặp!
Mục tiêu trong giáo dục ở ta là thuộc bài, để trả bài, và thi có điểm to. Nó quán xuyến hết tất cả. Đứa trẻ vui buồn gì mặc lòng, nhưng phải thuộc bài, khổ cũng phải thuộc, chán cũng phải thuộc. Không thuộc thì điểm thấp, bị phê bình trước lớp; phụ huynh bị mời đến; đe dọa bằng kỷ luật, bằng lưu ban.
Không ai quan tâm tới cảm xúc của các em cả. Chúng phải khó nhọc đi qua quãng đời học sinh như Sisyphus vần tảng đá lên đỉnh núi mỗi ngày, rồi lại đứng nhìn nó lăn xuống. Lại vần lên…
Học không còn là một món quà, nó giống một sự trừng phạt nhiều hơn. Trừng phạt bằng tri thức! Những đứa trẻ sống trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt về những thứ mà chúng chẳng biết để làm gì; khi xung quanh là thầy cô, nhà trường, gia đình với những ánh mắt chòng chọc và đe dọa. Chúng mỏi mệt và dần kiệt sức, không ít em đã tìm cách giải thoát từ trên một tầng lầu thứ 28 nào đó.
Trẻ em đang bị biến thành phương tiện trong tay người lớn, giúp người lớn mưu cầu những thứ mà họ yêu thích, đó là thành tích, là danh tiếng, là tiền bạc kéo theo, hay ít nhất là sự yên thân. Học sinh đang đích thị là những “người lính” trong cuộc chiến giữa giáo viên với giáo viên, giữa nhà trường với nhà trường, giữa phòng với phòng, giữa sở với sở. “Lấy học sinh làm trung tâm” chỉ còn là một câu khẩu hiệu mà thực chất bên trong là lấy học sinh làm phương tiện.
Các em bị bỏ quên. Bỏ quên cảm xúc, bỏ quên vui buồn, bỏ quên tâm trạng, bỏ quên đời sống… Không mấy ai còn nhớ đến rằng chúng là những Con Người với ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ ấy. Chỉ còn những bài tập, những nhiệm vụ, những kỳ thi, những điểm số… Tất cả những cái đó hiện rõ dần, rồi phình to ra, choán hết không gian, dồn con-người-đứa-trẻ vào một góc tối nào đó mà không ai nhìn thấy chúng nữa. Người ta chỉ thấy những con số nhảy múa, vui buồn theo những con số, hành động theo những con số. Người ta mở tiệc khi thấy số to, kiểm điểm khi thấy số nhỏ. Bỏ tiền, tìm thầy, thiết quân luật, vận động, an ủi, hăm dọa, v.v.., tất cả theo sự chỉ đạo của những con số.
Đến bao giờ niềm vui (hạnh phúc) của những đứa trẻ mới trở thành mục tiêu của giáo dục, mới trở thành nỗi thao thức của thầy cô, mới trở thành sự trăn trở của những người quản lý? Đến bao giờ một đứa trẻ hăng say “cãi thầy” sẽ là món quà cho chính ông thầy ấy? Đến bao giờ việc để tóc xù và xăm hình lên bắp chân sẽ bị chính thầy cô ghen tị chứ không phải trừng phạt? Đến bao giờ một đứa trẻ chơi bóng hay sẽ được “ca tụng” nhiều hơn một cái giải “học sinh giỏi”? Đến bao giờ những đứa trẻ sẽ quên hết điểm tổng kết từng môn và không còn bận tâm gì tới nó nữa? Đến bao giờ…
Nghe thế thì dễ, thậm chí còn khỏe hơn rất nhiều so với lối giáo dục dò xét, giám sát, nhồi nhét, chạy theo thành tích kia; nhưng trên thực tế, để làm một bước chuyển như vậy là không hề đơn giản. Cái thang đo phải thay đổi; giá trị cần định lại, mục đích mới phải xác lập.
Giải quyết sự vụ chỉ là cái ngọn và cành nhánh; cần một cuộc cách mạng nhận thức trong giáo dục. Chỉ khi nào chấp nhận tinh thần giáo dục tự do, cởi mở, đa dạng; lấy con người làm trung tâm (chứ không phải điểm số), lấy sự phát triển nhân cách cá nhân và năng lực tư duy độc lập làm mục đích, thì khi ấy linh hồn giáo dục mới được hồi sinh, cải lão hoàn đồng.
Cuối cùng, nói “không dẹp được” chỉ là một cách nói để nhấn mạnh rằng, nó hoàn toàn có thể, nhưng là khi người ta thật lòng muốn thay đổi.