Bệnh són tiểu ở nam giới và phương pháp điều trị hiệu quả
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng són tiểu, tiểu không tự chủ lại gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh són tiểu ở nam giới là gì và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây, để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về nỗi e ngại thầm kín này nhé!
16/10/2021 | Góc giải đáp: Trẻ tiểu ít, tiểu ra máu nguyên nhân là gì?
07/05/2021 | Đi tiểu bị đau cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị
07/05/2021 | Khó đi tiểu sau sinh: Nguyên nhân và hướng điều trị
Mục Lục
1. Bệnh són tiểu ở nam giới là gì?
Són tiểu là tình trạng đi tiểu mất kiểm soát, nước tiểu có thể rò rỉ ra ngoài trước khi đi vệ sinh. Phần lớn người mắc bệnh đều cảm thấy xấu hổ và lo lắng vì nước tiểu có thể chảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, họ luôn muốn đi vệ sinh và không thể tập trung làm việc. Đặc biệt, đi tiểu nhiều vào buổi đêm sẽ làm người bệnh thức giấc và khó ngủ lại hoặc ngủ không ngon giấc.
Bệnh không chỉ làm đảo lộn công việc, cuộc sống mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Nhiều người luôn tách biệt mình với mọi người xung quanh, họ cảm thấy xấu hổ và e ngại về tình trạng bệnh. Một số người vì không chịu được áp lực nên đã mắc bệnh trầm cảm.
Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh són tiểu bạn nên tìm gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bệnh són tiểu ở nam giới không chỉ làm đảo lộn công việc, cuộc sống mà còn khiến nhiều người e ngại, xấu hổ
Nguyên nhân:
Ở người bình thường, nước tiểu trước khi thải ra ngoài sẽ được lọc và hấp thu tại thận. Sau đó thông qua đường tiết niệu, nước tiểu được chuyển xuống bàng quang và dự trữ ở đây.
Trong trường hợp bàng quang chứa đầy nước tiểu thì cơ vòng ở niệu đạo sẽ đóng chặt không cho nước tiểu chảy vào. Đồng thời, các tín hiệu thần kinh sẽ báo hiệu cho bạn là cơn buồn tiểu sắp đến. Nếu bạn đã sẵn sàng đi tiểu thì cơ vòng niệu đạo giãn, cơ bàng quang thực hiện co bóp để giúp quá trình đào thải nước tiểu diễn ra một cách dễ dàng.
Khi mắc bệnh, quá trình đào thải nước tiểu sẽ bị gián đoạn bởi các nguyên nhân như:
-
Cơ bàng quang co bóp không đúng thời điểm hoặc hoạt động quá mức dẫn đến người bệnh không thể kìm nén mà đi tiểu ra ngoài một cách mất kiểm soát.
-
Khi mắc các bệnh như: tiểu đường, tai biến mạch máu não, đột quỵ, Parkinson,… thì người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng tiểu không tự chủ.
-
Sau khi phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt lành tính,… dây thần kinh truyền tín hiệu đến bàng quang bị ảnh hưởng, do đó bạn có thể bị són tiểu.
-
Cơ vòng nối giữa bàng quang và niệu đạo bị yếu, hoạt động không bình thường khiến nước tiểu chảy vào bàng quang một cách tùy tiện, kể cả khi đầy.
-
Thói quen đi tiểu không hết, trong bàng quang vẫn còn nước tiểu do đó tình trạng nước tiểu sẽ nhanh chóng đầy lại. Nếu quá đầy, nước tiểu sẽ tự động thoát ra ngoài.
-
Sỏi làm tắc giao điểm nối bàng quang với niệu đạo, điều này khiến nước tiểu bị ứ đọng lại và sau một thời gian chúng sẽ rò rỉ ra ngoài.
-
Ho lâu ngày không khỏi sẽ làm tăng áp lực lên nhóm cơ ở bàng quang và sàn chậu. Nếu các cơ này bị suy yếu không đóng chặt thì nước tiểu có thể thoát ra ngoài khi người bệnh ho.
Phân loại:
Tùy vào tình trạng, bệnh són tiểu ở nam giới có thể phân thành các loại dưới đây:
-
Tiểu són áp lực là tình trạng nước tiểu rò rỉ ra từng ít một khi bạn hắt hơi, ho, hoặc làm việc nặng gây áp lực lên bàng quang.
-
Tiểu gấp là tình trạng muốn đi tiểu ngay, đến mức bạn không thể nhịn được để vào nhà vệ sinh. Mặc dù chỉ đi ra một ít nước tiểu nhưng cơ bàng quang vẫn co bóp mạnh.
-
Són tiểu tràn là tình trạng sau khi đi tiểu bàng quang không rỗng hoàn toàn và nước tiểu nhanh đầy lại. Do đó, người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu và ngay sau đó nước tiểu sẽ rò rỉ ra ngoài liên tục.
-
Tiểu không tự chủ hoàn toàn là tình trạng đi tiểu không kiểm soát, mặc dù bạn đã cố nhịn nhưng nước tiểu vẫn chảy ra.
2. Các phương pháp điều trị
Tùy vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Không chỉ vậy, việc thay đổi thói quen sống còn có thể giúp bạn kiểm soát và hỗ trợ điều trị bệnh són tiểu ở nam giới.
Chế độ ăn uống:
Để giảm thiểu chứng đi tiểu không tự chủ, bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Tuy nhiên, trước khi đi ngủ bạn nên hạn chế uống nước để không bị khó ngủ do đi tiểu nhiều lần.
Đồng thời, bạn không nên sử dụng các loại đồ uống có chứa Caffeine hoặc nước có gas,… bởi vì chúng có thể gây kích ứng đến bàng quang. Không chỉ vậy, chocolate, chất tạo ngọt, đồ ăn cay nóng và trái cây vị chua cũng dễ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, do đó bạn nên tránh xa chúng.
Để giảm thiểu chứng đi tiểu không tự chủ, bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước
Tập luyện:
Cơ sàn chậu là nhóm cơ nằm bao quanh bàng quang và niệu đạo, chúng có chức năng kiểm soát, ngăn chặn lượng nước tiểu chảy ra giữa chừng. Nếu vì nguyên nhân nào đó mà cơ này bị tổn thương hoặc yếu đi thì sẽ dẫn đến bệnh són tiểu ở nam giới.
Do đó, khi bị bệnh bác sĩ sẽ khuyến khích bạn tập luyện các bài tập liên quan đến sự co thắt của cơ sàn chậu. Để mang lại hiệu quả bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
-
Co cơ sàn chậu trong vòng 5 giây, bằng cách nâng bộ phận sinh dục lên.
-
Sau đó, từ từ giãn cơ trong vòng 5 giây.
-
Lặp lại các bước này 10 lần và thực hiện tối thiểu 3 lần mỗi ngày.
Khi mới tập, bạn sẽ thường cảm thấy mỏi lúc này bạn nên dừng lại rồi tập tiếp ngay sau đó. Nếu đã quen với cường độ tập, bạn có thể tăng thời gian giữ và giãn cơ từ 5 – 10 giây/lần.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với tập luyện cơ bàng quang bằng việc trì hoãn đi tiểu. Mỗi khi cảm thấy buồn tiểu, bạn nên cố nhịn 10 phút sau đó tăng dần khoảng thời gian cho đến khi, bạn chỉ đi tiểu một lần sau 2,5 – 3,5 giờ.
Trong trường hợp cơ sàn chậu không thể co thắt thì bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp kích điện bằng một đầu dò nhỏ. Khi đưa vào hậu môn, dòng điện sẽ kích thích cơ sàn chậu hoạt động.
Nội khoa:
Nếu nguyên nhân gây bệnh là do phì đại tuyến tiền liệt, thì bạn có thể sử dụng thuốc để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc thường gặp khi kê đơn như:
-
Thuốc chẹn Alpha giúp làm giãn cơ cổ bàng quang và cơ ở tuyến tiền liệt, từ đó làm rỗng bàng quang một cách dễ dàng.
-
Thuốc kháng Cholinergic giúp làm dịu bàng quang khi co bóp quá mức.
Nếu nguyên nhân gây bệnh là do phì đại tuyến tiền liệt, thì bạn có thể sử dụng thuốc để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Đặt ống thông:
Để giảm thiểu những bất tiện của việc đi tiểu nhiều lần, bạn có thể áp dụng phương pháp đặt ống thông:
-
Ống thông Foley là một loại ống mỏng được đưa vào niệu đạo để đào thải nước tiểu ra ngoài. Do đó, ống này thường gắn với một túi chứa đeo quanh chân vào ban ngày và trao cạnh giường khi người bệnh ngủ.
-
Ống thông siêu âm là ống được dẫn vào bàng quang để đưa nước tiểu vào túi chứa. Sau khoảng 1 tháng, bác sĩ sẽ tiến hành thay ống mới.
Ngoại khoa:
Nếu đường tiết niệu bị hẹp hoặc tắc nghẽn do sỏi thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật để trị chứng tiểu không tự chủ. Do đó, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn và không để lại biến chứng.
Nếu đường tiết niệu bị hẹp hoặc tắc nghẽn do sỏi thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng tiểu không tự chủ
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn có một cách nhìn tổng quan về bệnh són tiểu ở nam giới. Khi xuất hiện tình trạng đi tiểu không chủ động, bạn nên liên hệ sớm với bác sĩ để có can thiệp kịp thời, tránh những phiền toái và bất tiện do bệnh gây ra. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, mà bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị són tiểu phù hợp.
Nếu đang băn khoăn không biết đến cơ sở y tế nào để kiểm tra tình trạng trên, bạn có thể tham khảo và lựa chọn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Các bác sĩ tại đây sẽ giúp bạn bắt bệnh và tìm ra phương án điều trị phù hợp, an toàn, tiết kiệm nhất. Liên hệ đặt lịch nhanh nhất qua số tổng đài 1900 565656.