Bệnh ban vàng mí mắt và những lưu ý khi điều trị – Bệnh Viện Mắt Sài Gòn
Ban vàng mi mắt (Xanthelasma) là một dạng bệnh xảy ra khi có rối loạn chuyển biến lipid, tổn thương cơ bản là các u, các ban vàng. Ban vàng là những thâm nhiễm da màu vàng, không nổi cao lên mặt da.
Mục Lục
Ban vàng mi mắt là gì?
Ban vàng mi mắt là những u nhỏ hay mảng thâm nhiễm màu vàng nằm xung quanh mắt thường ở mi trên khóe mắt trong. Có thể mềm, phẳng, chắc hoặc cứng do chứa canxi. Chúng được hình thành do các mô bào, đại thực bào mà trong nguyên sinh chất của chúng có chứa lipid, thường là cholesterol. Hay gặp ở những bệnh nhân tăng mỡ máu type II và type IV.
Những nốt mỡ cholesterol màu vàng này cảnh báo sớm các chất cặn cholesterol (mỡ máu) đang được hình thành, thậm chí cả ở những người có mức cholesterol bình thường, nhưng tương lai sẽ tăng nặng hơn nếu không có các biện pháp can thiệp.
Ban vàng không đau và không gây hại, ít khi ảnh hưởng đến thị lực hoặc mí mắt nhưng đôi khi làm sụp mí mắt. Ban vàng có thể giữ nguyên kích thước hoặc phát triển rất chậm theo thời gian. Tuy nhiên, chúng gây mất thẩm mỹ và có thể cắt bỏ.
Thương tổn này thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi từ 15 – 73, nhiều nhất ở độ tuổi trung niên. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ban vàng mí mắt là yếu tố tiên lượng nguy cơ nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch và tử vong trong dân số chung, độc lập với các yếu tố nguy cơ tim mạch đã biết (như nồng độ cholesterol, triglycerid huyết tương).
Chẩn đoán ban vàng mi mắt như thế nào?
Do có tính chất di truyền, ban vàng có thể gợi ý tình trạng cholesterol trong máu cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, mặc dù không có tiền sử gia đình, bệnh vẫn thường gợi ý tình trạng cholesterol máu cao và có thể là nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch.
Việc chẩn đoán ban vàng mi mắt không khó nhờ màu sắc và vị trí đặc trưng của nó. Ban vàng thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và đối tượng mắc cao nhất khoảng 40 – 50 tuổi. Khi mảng ban vàng hình thành sẽ phát triển chậm đến kích thước nhất định và không bị thoái triển. Thông thường chức năng của mi mắt không bị suy yếu, rất hiếm gặp tình trạng sụp mi.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Lipid là chất không tan trong nước, trong máu chúng được vận chuyển dưới dạng các lipoprotein. Các loại lipoprotein như chylomicrons, lipoprotein trọng lượng rẩ thấp (VLDL), lipoprotein trọng lượng thấp (LDL), lipoprotein trọng lượng cao (HDL).
Trong đó HDL có tính bảo vệ chống lắng đọng lipid (hay gặp là cholesterol) ở các cơ quan. Khi HDL thấp, LDL cao, lipid sẽ lắng đọng ở các mô, các đại thực bào sẽ thực bào các chất mỡ này, tạo nên các bọt bào. Nhiều bọt bào lắng đọng trong mô sẽ tạo nên sang thương xanthoma.
Sự rối loạn mỡ máu có thể tiên phát do khiếm khuyết di truyền bao gồm rối loạn lipoprotein máu gia đình, tăng triglycerid máu gia đình hoặc thiếu lipoprotein lipase gia đình. Thứ phát do nghiện rượu, đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, thuốc, giảm cân…
Một số loại thuốc có thể gây rối loạn mỡ máu như glucocoticoid, estrogens, steroids đồng hóa, một số thuốc huyết áp, retinoid, cyclosporin, cimetidine, một vài thuốc chống động kinh, tamoxifen.
Ban vàng mí mắt có thể gặp ở những người có mỡ máu bình thương nhưng có HDL cholesterol thấp. Nguyên nhân do sự rối loạn chuyển hóa tại chỗ phản ứng viêm và tăng tính thấm thành mạch tại chỗ gây ra.
Ngoài ra, những người có nguy cơ bị ban vàng mi mắt thường bị xơ gan mật nguyên phát, tăng lipid máu, bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, hút thuốc, có chế độ ăn kiêng thiếu dinh dưỡng và lối sống ít vận động…
Triệu chứng của bệnh ban vàng mí mắt
Các thương tổn xuất hiện không có triệu chứng tiền triệu, ban đầu thường là vết sưng nhỏ, sau đó tiến triển trong vài tháng thành các thương tổn mềm, mịn hoặc chắc, cứng do lắng đọng canxi, màu vàng, bằng phẳng, có thể có hình mảng sẩn đa giác. Vị trí thường xảy ra nhất ở mí mắt trên gần khóe mắt trong, đối xứng. Các ban vàng mí mắt khổng lồ có thể thấy ở tất cả bốn mí mắt.
Điều trị ban vàng mi mắt
Có nhiều phương pháp giúp loại bỏ ban vàng mi mắt, trong đó có 2 phương pháp thường dùng nhất là dùng hóa chất bóc bỏ và phẫu thuật cắt bỏ.
Phương pháp bóc bỏ ban vàng bằng hóa chất
Hầu hết các trường hợp các bác sĩ ưu tiên cách bóc bỏ chuyên biệt khi điều trị bệnh ban vàng. Phương pháp này được tiến hành bằng cách áp hóa chất tẩm trên một mảnh giấy thấm có sẵn và có thể thực hiện ở nhà mà không cần chuẩn bị gì đặc biệt.
Sau khi áp hóa chất, da sẽ chuyển sang màu trắng trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Sau đó chuyển sang hơi đỏ và bắt đầu tróc vảy. Khi áp dung dịch vào vùng cần điều trị, bệnh nhân cần giữ yên cho đến khi mảnh giấy khô đi để không gây nguy hiểm cho mắt.
Dùng hóa chất bóc bỏ thường ít rủi ro và bóc bỏ được hoàn toàn. Sau khi điều trị, người bệnh không được chạm vào vùng ban vàng và không cố bóc nó đi. Một tuần sau đó, vảy sẽ tự tróc. Phần vảy tróc ra có chứa một phần da cũng như toàn bộ hoặc một phần của ban vàng.
Phương pháp cắt bỏ truyền thống
Phương pháp này sử dụng dao mổ và các mũi khâu. Đây là cách điều trị hiệu quả, nhưng cần phải gây tê và để lại sẹo. Nếu không cẩn thận, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng. Kỹ thuật này đã có từ lâu và đến nay vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên, nó để lại sẹo quanh vùng mắt giống những nếp nhăn gây mất thẩm mỹ.
Phương pháp sử dụng laser
Phương pháp này không để lại sẹo, ít nguy cơ bị nhiễm trùng, ít gây chảy máu trong và sau phẫu thuật. Biện pháp điều trị này có tính chính xác cao và không để lại sẹo sau khi vết thương lành hẳn. Đây là phương pháp được tin dùng phổ biến hiện nay. Phần lớn bác sĩ da liễu được huấn luyện sử dụng laser phẫu thuật chuyên nghiệp.
Thông thường, máy sẽ được cài đặt sao cho laser chỉ lấy đi phần ngoài cùng của da từ từ mà không đi sâu vào lớp dưới da. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ cần phẫu thuật. Quá trình này được tiến hành từ từ, chậm rãi cho đến khi vùng u được lấy đi hoàn toàn. Laser không đi quá sâu vào mô dưới da vì sẽ để lại sẹo. Suốt quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ được đeo kính bảo vệ mắt phù hợp để tránh laser ảnh hưởng đến mắt.
Phương pháp đóng băng mảng bám cholesterol
Bạn có thể điều trị bệnh ban vàng bằng liệu pháp đông lạnh để đóng băng mảng bám cholesterol. Chỉ cần lưu ý rằng sự giảm sắc tố có thể làm cho da trong khu vực trở nên nhẹ hơn.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được kiểm tra mức độ lipid trong máu. Những người bị tăng nồng độ lipid cần được khảo sát nguy cơ bệnh mạch vành. Điều này giúp phòng ngừa bệnh mạch vành và điều trị khi có chỉ định. Các thuốc làm giảm lipid máu và ăn kiêng có hiệu quả rất hạn chế đối với ban vàng tại mắt. Có nhiều phương pháp loại bỏ ban vàng nhưng bệnh vẫn có thể tái phát sau một thời gian phẫu thuật.
Phòng ngừa bệnh ban vàng quanh mắt
Để phòng ngừa cũng như giảm tốc độ phát triển của các u vàng quanh mắt cần duy trì chế độ ăn uống và thay đổi lối sống. Các chuyên gia về mắt khuyên nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày để giảm mức cholesterol. Các hoạt động như đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi lội và chạy bộ cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp người khác duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Nên ăn các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan có thể giúp giảm cholesterol như các loại đậu, yến mạch, gạo lứt, cam, quýt, bưởi… Có một số thực phẩm ngăn mụn cholesterol hoặc giảm ban vàng đáng kể như quế, túi trà, hạt cỏ ca ri, hành tím, tỏi, dầu thầu dầu…
Đồng thời tránh các loại thực phẩm có chất béo bão hòa, chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn, dừa và dầu cọ.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn
BS CKI. Lê Nguyễn Huy Cường
Tài liệu tham khảo
https://emedicine.medscape.com/article/1213423-overview
https://www.healthline.com/health/xanthelasma
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5739544/
https://www.webmd.com/eye-health/xanthelasma
https://www.health.harvard.edu/womens-health/what-can-i-do-about-xanthelasma-on-my-eyelids