Bây giờ, tôi đã thấm thía khi làm chủ nhiệm của lớp toàn học sinh yếu, cá biệt – Giáo dục Việt Nam
(GDVN) – Đối với lớp tốp cuối, toàn học sinh học yếu, có nhiều em cá biệt thì công tác chủ nhiệm và giảng dạy cực kỳ vất vả, nhọc nhằn.
LTS: Với kinh nghiệm 21 năm làm việc trong môi trường giáo dục, trước những tình huống, cá nhân hay tập thể cá biệt, yếu kém thầy giáo Thiên Ấn đã có trong mình những biện pháp để giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm của bản thân qua những lần thất bại trong công tác quản lý giáo dục, tác giả cũng muốn chia sẻ với tất cả đồng nghiệp, thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm, những cái khó, cái khổ, không dễ vượt qua của nhiệm vụ này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đến năm học này, tôi có 21 năm gắn với nghề dạy học, trong đó có 14 năm làm công tác chủ nhiệm ở Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng ( thành phố Quảng Ngãi).
Trước năm 2011, Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng thuộc mô hình trường bán công, học sinh đông, thầy cô giáo ít, tôi đã được Ban Giám hiệu nhà trường cho “nếm trải” chủ nhiệm đủ các loại nhóm lớp.
Đối với lớp chọn, lớp tốp đầu, toàn học sinh học khá, ngoan hiền thì công tác chủ nhiệm thật nhẹ nhàng, vui vẻ.
Còn đối với lớp tốp cuối, toàn học sinh học yếu, có nhiều em cá biệt thì công tác chủ nhiệm và giảng dạy cực kỳ vất vả, nhọc nhằn.
Năm 2006-2007, tôi được nhà trường tin tưởng, giao trọng trách chủ nhiệm một lớp đặc biệt như thế, lớp 12C2.
Bản thân tôi cũng đã có sự chuẩn bị về mặt tinh thần cùng với các kế sách, biện pháp riêng biệt để “cải tạo”, làm chuyển biến thực trạng của lớp đó.
Cái lo nhất, đáng ngại nhất là diễn biến đạo đức của các em, đánh lộn có, đại ca có, nói dối, bỏ học có, ngồi trong lớp ngỗ nghịch, quậy phá không thiếu, lười học vô địch…
Trong suốt cả năm học ấy, tôi dành nhiều thời gian và công sức quan tâm đến lớp, nhất là những em đặc biệt cá biệt. Hầu như, 15 phút đầu giờ mỗi buổi, tôi đều có mặt trên lớp, để kịp thời chỉ dẫn, nhắc nhở, động viên, uốn nắn các em.
Mỗi tuần, mỗi tháng, trong tiết sinh hoạt cuối tuần, tôi thể hiện một chủ đề, nội dung riêng, liên quan sát thực đến học tập, hành vi ứng xử, đạo đức của học sinh, đưa ra các lời khuyên, các em nên thế này, không nên thế khác…
Ngoài ra, tôi còn đưa ra và vận dụng đủ mọi biện pháp đối với các em cá biệt, nào nói “dọa”, áp dụng nội quy, nào ngọt ngào, tình cảm, nào liên lạc phụ huynh, đến tận nhà phụ huynh tìm hiểu để cùng phối hợp, giáo dục, chấn chỉnh, uốn nắn các em.
Sau một thời gian, chỉ có một số ít em có sự chuyển biến, có tiến bộ, phần nhiều vẫn thế, chứng nào tật ấy, khiến tôi rất buồn và nản.
Kết quả có chừng ấy, đúng là chưa thật tương xứng với công sức, trách nhiệm mà tôi đã đổ ra cả một năm trời.
Các mặt thi đua của lớp tôi cuối học kỳ vẫn luôn đứng vị trí… áp chóp toàn trường. Kết quả, thi tốt nghiệp năm đó, chỉ có 07 đỗ tốt nghiệp.
Cách chia lớp cá biệt, học yếu riêng ra như vậy của nhà trường tôi và một số trường khác đã làm, xét về mặt lý thuyết, về mặt khoa học xem ra có vẻ phù hợp ,đúng đắn.
Bởi, cùng một đối tượng sẽ dễ quản lý, giáo dục giảng dạy hơn, nhưng kết quả thực tiễn mà trường tôi và tôi đã làm bằng nỗ lực hết sức lại không được như mong muốn.
Qua thất bại trong công tác quản lý giáo dục chủ nhiệm lớp 12 năm ấy, tôi đúc kết ra đây được mấy nguyên nhân, bài học kinh nghiệm:
– Thứ nhất, giáo dục học sinh cá biệt là một nhiệm vụ vô cùng gian khó, khó thành công trong một thời gian ngắn.
Nó đòi hỏi một quá trình dài lâu, có sự gắn kết, thật sự trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn từ cấp dưới đến cấp trên, cùng sự quan tâm cùng gánh vác, chia sẻ thường xuyên từ phía phụ huynh, gia đình, vì thời gian sinh hoạt của các em ở nhà là chủ yếu.
– Thứ hai, một lớp toàn là học sinh yếu kém, cá biệt, quậy phá rất khó cho công tác tổ chức, chọn cán sự, “bộ máy” giúp việc cho chủ nhiệm.
Không có em nào làm được, học được, các em đều đồng sàng với nhau, thiếu đi chỗ dựa ” tin cậy” để làm gương, để phấn đấu, để học hỏi bài vở… lẫn nhau.
“Học thầy không tày học bạn” ở lớp “đặc biệt” này dường như bị triệt tiêu hoàn toàn, phong trào, khí thế học tập rất trầm lắng, ể oải, rời rạc.
Chúng tôi nhận thấy việc chia học sinh theo nhóm lớp, chỉ phù hợp và phát huy được với các lớp chọn, lớp tốp đầu, còn dồn học sinh yếu kém, cá biệt thành một nhóm lớp, không mang lại kết quả khả quan, chỉ tăng thêm áp lực, nặng nề đối với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy bộ môn và các bộ phận quản lý khác.
Rút kinh nghiệm năm đó, các năm sau này, nhà trường tôi quay trở lại hình thức chia đều đối tượng học sinh trên các mặt. Giáo viên chủ nhiệm, chỉ cần bỏ ra nửa công sức của tôi đã từng làm với lớp cá biệt, cũng cho ra kết quả khá tốt.
Từ việc cụ thể của một lớp, một trường mà tôi từng kinh qua, tôi muốn chia sẻ với tất cả đồng nghiệp, các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm, những cái khó, cái khổ, không dễ vượt qua của nhiệm vụ này.
Và qua đây, tôi đã nghiệm ra và thấm thía hơn với câu: “nói thì dễ, làm mới khó”, không đâu hết hiện hữu trong công tác giáo dục học cá biệt, hay đánh lộn, quậy phá….
Hy vọng, các thầy cô giáo được nhà trường phân công, giao phó làm công tác chủ nhiệm trong năm học mới 2017 – 2018 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, có biện pháp hay, cảm hóa được nhiều học sinh cá biệt, chưa ngoan…
THIÊN ẤN