Bầu Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, vì sao tranh cãi?
Kết quả bầu khác nhau, hội đồng trường quyết định
Từ ngày 29.3 – 15.4, Hội đồng trường của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực hiện 7 bước để bầu chọn hiệu trưởng. Trong đó, quan trọng nhất là bước 2, 3 và 4, các bước thực hiện gây ra tranh cãi trong những ngày vừa qua.
Cụ thể, trường thực hiện bước 1 là hội nghị tập thể lãnh đạo trường, gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức hành chính thảo luận, đề xuất cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự.
Bước 2 là hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, người đứng đầu (kể cả phó trưởng đơn vị phụ trách) với 41 thành viên để thảo luận và thống nhất cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Kết quả ở bước 2 này là có 63,41% số phiếu giới thiệu PGS-TS Lê Hiếu Giang; 36,59% số phiếu giới thiệu PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh. Kết quả này không công bố tại hội nghị.
Tuy nhiên, ở bước 3 là hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2) gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức hành chính căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức.
Trong thời điểm này, hội đồng trường đã tiến hành biểu quyết về phương án nhân sự hiệu trưởng. Kết quả 26,31% số phiếu chọn PGS-TS Lê Hiếu Giang; 52,63% số phiếu chọn PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh. Kết quả công bố tại hội nghị và kết luận: Hội đồng trường thống nhất (15/15 thành viên đồng ý) phương án được chọn phải đạt trên 50% số thành viên hội đồng trường đồng ý thì được giới thiệu tại bước 4.
Vì kết quả bầu khác nhau (bước 2 và 3) nên cuối cùng, hội đồng trường đã xem xét và lựa chọn PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh (52,63%) để giới thiệu tại bước kế tiếp với số phiếu 10/15 phiếu đồng ý.
Bước 4 là hội nghị cán bộ chủ chốt gồm Đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội cựu chiến binh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (là viên chức), trưởng, phó các đơn vị thuộc và trực thuộc. Có 98/99 thành viên đã tham gia. Kết quả, có 48 phiếu tín nhiệm và 48 phiếu không tín nhiệm PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh (2 phiếu không hợp lệ).
Bước 5, Ban Thường vụ Đảng ủy (4 thành viên) đồng ý tín nhiệm nhân sự hiệu trưởng đối với PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh đạt tỷ lệ 75%, không đồng ý đạt tỷ lệ 25%. Hội nghị tập thể lãnh đạo lần thứ ba sau đó gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức hành chính tiếp tục bầu. Kết quả có 80% phiếu bầu tín nhiệm nhân sự hiệu trưởng đối với PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh.
Bước 6 là hội nghị tập thể lãnh đạo lần thứ ba, gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức hành chính tiếp tục bầu. Kết quả, có 80% số phiếu đồng ý tín nhiệm nhân sự hiệu trưởng đối với PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh.
Bước 7 là hội nghị hội đồng trường lần thứ hai, có 16/19 thành viên có mặt. Kết quả, có 63,15% tỷ lệ phiếu đồng ý nhân sự hiệu trưởng đối với PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, 21,05% không đồng ý.
Vấn đề đang gây ra tranh cãi trong dư luận ở đây là ở bước 2, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh không đủ tỷ lệ quá bán (50%), trong khi PGS-TS Lê Hiếu Giang đạt tỷ lệ phiếu bầu chiếm đến 63,41%.
Tuy nhiên, điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định: “Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo”.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, vì kết quả khác nhau ở bước 2 và 3, Hội đồng trường của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã xem xét và lựa chọn PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh (52,63%) để giới thiệu tại bước kế tiếp.
Theo PGS-TS Dũng, hiện nay luật 34/2018/QH-14 cũng quy định là hội đồng trường có thẩm quyền cao nhất quyết định và trình cơ quan quản lý ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học
Kết quả bầu không theo ý nguyện tập thể
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên sáng 22.4, một thành viên Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tham dự hội nghị bầu nhân sự hiệu trưởng ngày 12.4 cho rằng việc bầu chọn hiệu trưởng không được thực hiện công tâm và không theo ý nguyện tập thể. “Sau khi có kết quả bầu cử, nhà trường rất bàng hoàng vì sao một người phiếu tín nhiệm thấp lại trở thành hiệu trưởng”, thành viên này nói.
Cũng theo người này: “ Quy trình bầu chọn đã sai ngay từ bước 2. Nếu đúng, phải giới thiệu ông Lê Hiếu Giang hoặc một người khác, người đó không phải người đã bị loại ở bước 2 là ông Nguyễn Trường Thịnh (có phiếu tín nhiệm dưới 50%)”.
Thành viên hội đồng trường này phân tích theo Nghị định 115/2020, điều 46 quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm viên chức quản lý. Điểm 2 của điều này quy định rõ bước 2 “tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo”.
Quy định còn phức tạp và nhiều kẽ hở
Theo một luật sư trong Đoàn luật sư TP.HCM, điều 46 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự bầu hiệu trưởng khá phức tạp và còn nhiều kẽ hở. Luật vẫn chưa làm rõ thẩm quyền bổ nhiệm khác gì với thẩm quyền của hội đồng trường bầu, và Bộ chủ quản ra quyết định công nhận. Theo luật sư này, dường như khi soạn nghị định, cơ quan soạn thảo sử dụng kỹ thuật viện dẫn qua văn bản khác, nhưng văn bản khác thì chưa quy định chi tiết cơ chế bầu (tập thể) kèm quyết định công nhận.
Cụ thể, theo luật sư này, quy trình bầu tại điều 46 của nghị định là không ổn. Chẳng hạn, ở trường hợp cụ thể tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một người A ở bước 1 và bước 2 đạt tỷ lệ trên 60%, người B chỉ 30%. Nhưng ở bước 3 lại chọn người B dù ít phiếu hơn ở lần trước. Như vậy bước 3 đã vô hiệu bước 1, 2.
Cũng theo quan điểm của luật sư này, trong luật cũng có nói nếu có kết quả bầu khác nhau thì cần có báo cáo, giải trình gửi lên Bộ GD-ĐT. Trường hợp này, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM quyết thì có đúng theo luật hay không?