Bất ngờ tràm bông vàng
Gần sáu năm trước, nhiều người làm trang trại ở TP Hồ Chí Minh đã cười nhạo ông Lê Duy Minh – một đại tá đã rời quân ngũ, khi ông lập trang trại trồng gần 200 héc ta rừng ở Lộc Ninh, Bình Phước. Hồi đó những người từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh lập trang trại thường trồng những loại cây như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Thái-lan, vốn khá hơn thì nuôi bò thịt, bò sữa. Ít ai nghĩ rằng rừng tràm bông vàng, tràm lá to hay tràm lai của ông Minh lại thu được bạc tỷ. Hiện giờ, tràm đã lớn và chỉ riêng việc tỉa thưa hay lựa những cây lớn chặt bán gỗ, mỗi cây được ít nhất 50.000 đồng, thì chí ít ông cũng thu hơn nửa tỷ bạc. Rồi hằng năm ông cứ tiếp tục tỉa thưa như vậy để bán gỗ hay bán làm nguyên liệu giấy. Lúc trồng tràm, ông Minh nghĩ khá đơn giản. Nhà nước đã đóng cửa rừng thì nhu cầu gỗ rừng trồng sẽ tăng cao và nếu không bán được gỗ thì bán cho nhà máy giấy. Hơn nữa, trồng tràm ít tốn công chăm sóc và vốn đầu tư ít. Khi cây rừng còn nhỏ, ông tận dụng trồng thêm những loại cây ngắn ngày như khoai mì, sả để “lấy ngắn nuôi dài”.
Cây tràm bông vàng (tên Latinh là Acacia Auriculiformis) du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía nam. Trước đây, người Việt Nam trồng tràm bông vàng với mục đích chủ yếu là phủ xanh đất trống, đồi trọc hay trồng ven kênh mương, đường nông thôn để làm bóng mát nhờ ưu điểm lớn nhanh, chỉ 5-7 năm đã có thể thu hoạch. Hiện nay, các nhà máy chế biến đồ nội thất đang tất bật lo tìm kiếm nguồn nguyên liệu nên tràm bông vàng trở thành nguồn cung cấp gỗ quan trọng.
Đến cửa hàng nội thất cổ điển Nhã Hương ở 121 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, khách hàng không khỏi bất ngờ khi biết các loại bàn ghế, tủ, giường… trông rất bắt mắt lại được làm từ gỗ tràm bông vàng. Bà Vương Thị Cúc, quản lý cửa hàng Nhã Hương, cho biết gỗ tràm bông vàng qua xử lý, tẩm sấy và được sơn hút chân không tạo nên sản phẩm nội thất không hề thua kém các loại gỗ thông thường.
Không chỉ bán trong nước, đồ nội thất làm từ tràm bông vàng còn được các doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu. Công ty TNHH Chế biến gỗ Pisano, 100% vốn của Hàn Quốc ở huyện Long Thành, Đồng Nai, có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm nay đã chọn loại gỗ duy nhất để chế biến là tràm bông vàng.
Bà Lê Hồng Linh, Trợ lý Tổng giám đốc công ty, cho biết không phải ngẫu nhiên Pisano chọn cây tràm bông vàng làm nguyên liệu. “Cây tràm bông vàng được trồng nhiều ở vùng Đông Nam bộ nên không phải tốn nhiều công sức để thu mua”, bà Linh nói. Mỗi tháng công ty này xuất khẩu 17-20 container sản phẩm từ gỗ tràm bông vàng sang thị trường Hàn Quốc. “Không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia nhập khẩu đồ gỗ cũng thích nhập các sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng, giúp bảo vệ môi trường”, bà Linh cho hay.
Không chỉ dùng để chế biến đồ nội thất sang trọng, tràm bông vàng còn được chế biến thành các sản phẩm đơn giản như kệ bánh mì, kệ giắt dao, muỗng gỗ, khay chứa thức ăn, hộp đựng văn phòng phẩm, xe dọn thức ăn ở nhà hàng, khách sạn…