Bất ngờ chưa, hàng giả và hàng nhái là hai khái niệm khác nhau!
Hàng giả và hàng nhái đều có điểm chung là hàng sản xuất trái phép và không có giấy tờ chứng thực hàng chính hãng. Hãy cùng Street Vibe tìm hiểu định nghĩa của hai khái niệm này nhé!
Mục Lục
Hàng giả là gì?
Hàng giả hay còn được gọi là “Hàng Fake” – dịch ra tiếng Việt có nghĩa là làm giả giống như thật. Khái niệm “Fake” được dùng để đối lập với “Authentic”, nghĩa là hàng chính hãng – những mặt hàng do thương hiệu gốc sản xuất ra và thường có giấy tờ pháp lý kèm theo.
Một món đồ Fake là món đồ sao chép “nguyên si” mẫu mã, thiết kế từ thương hiệu khác – phần lớn là các thương hiệu quốc tế cao cấp và đắt giá. Tuy nhiên, chất liệu để làm ra sản phẩm Fake rất tệ, không đảm bảo được độ bền và thường được bán với giá thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm thật. Nhà sản xuất sử dụng nguyên vật liệu rẻ tiền để hạ giá thành sản phẩm, qua đó thu hút số lượng lớn khách hàng mua bán.
Hàng fake được chia làm nhiều cấp độ, ví dụ như hàng f1, f2… hay còn được gọi là hàng super fake, hàng replica… Mỗi cấp độ sẽ có chất lượng và giá cả khác nhau
Hàng Fake thường là lựa chọn của những người có thu nhập thấp đến trung bình hoặc những người chưa có nhiều sự am hiểu về bản quyền thiết kế và sáng tạo. Thông thường, những sản phẩm chính hãng thường có giá khá cao so với thu nhập trung bình của nhiều người, môyj đôi giày Nike chính hãng thường có giá tối thiểu từ 1 triệu đồng trở lên. Nhưng bạn chỉ cần bỏ ra khoảng từ 200 – 300 nghìn đồng đã có được một đôi giày Fake có mẫu mã giống hệt của Nike.
Điều tương tự xảy ra với các thương hiệu toàn cầu như Chanel, Dior, LV, Hermes… cũng bị làm giả không thương tiếc. Dễ dàng bắt gặp ở những ngôi chợ, vỉa hè hay cửa hàng nhỏ những sản phẩm có giá gốc lên đến hàng chục ngàn USD được bán đổ đống với giá chỉ từ vài trăm ngàn tiền Việt.
Còn hàng nhái là gì?
Hàng nháu lại có chút khác biệt so với hàng Fake. Các nhà sản xuất đồ nhái ” cao tay” hơn khi không làm giả 100%, mà sẽ khác đi một số chi tiết nhỏ như thay đổi logo, tag tên hãng hoặc màu sắc, họa tiết… Ví dụ dễ hiểu cho khái niệm đạo nhái như đổi tên adidas thành abibas, Nirvana thành Ninvara, hoặc một số thương hiệu thời trang nhanh đạo nhái mẫu mã giống đến 90% các hãng lớn…
Song, một số trường hợp tên thương hiệu được cố tình đổi lại theo cách dí dỏm nhầm mục đích mang đến tiếng cười; có thể xét trường hợp này vào “đồ parody“.
Bộ luật Việt Nam đã có những điều luật và chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm cả bán hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng và đạo nhái trái phép các thương hiệu có bản quyền. Tuy nhiên mức phạt hành chính không quá cao cộng với thói quen mua bán hàng giả hàng nhái tràn lan khiến thị trường Việt Nam hiện vẫn khó kiểm soát và xử lý triệt để.
“Copycat economy” ảnh hưởng tiêu cực đến thời trang chân chính
Hàng giả hay hàng nhái thuộc phạm trù “Copycat Economy” (nền kinh tế sao chép), đều đang tạo ra nhiều tiền lệ xấu, tác động nghiêm trọng đến doanh thu và di sản thương hiệu của các doanh nghiệp thời trang. Một số thương hiệu lớn như Céline, Jimmy Choo, Balenciaga đã bắt đầu đầu tư vào chứng từ pháp lý như bằng sáng chế thiết kế, bằng bảo vệ mẫu mã sản phẩm. Đây là biện pháp lâu dài để chống lại vấn nạn đạo nhái, làm giả.
Tuy vậy, số tiền đăng ký các bằng sáng chế lên đến vài nghìn USD, quy trình xử lý cũng khá phức tạp với thời gian giải quyết kéo dài hơn 24 tháng. Ở nhiều quốc gia, các thiết kế thời trang không nhận được sự bảo vệ tương tự với phim, tranh vẽ và các tác phẩm văn học.
Đạo nhái dưới bất kì hình thức nào cũng là điều khó có thể chấp nhận đối với các NTK thời trang vốn đã được học hỏi về sự tôn trọng lao động sáng tạo chân chính
Và hơn nữa, ranh giới giữa “lấy cảm hứng” và “đạo nhái ý tưởng” luôn rất mong manh. Lười sáng tạo, xem nhẹ chất xám chân chính để chạy theo thương mại là biểu hiện của hành vi đạo nhái trắng trợn. Còn việc lấy cảm hứng lại thuộc phạm trù khác, một nhà thiết kế có thể lấy ý tưởng từ các tác phẩm ra đời trước và biến nguồn cảm hứng đó thành sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Nhưng họ vẫn cần nhận thức rõ ràng quy trình sáng tạo của bản thân, tránh “sao y bản chính”.
Sử dụng hàng Authentic là chân ái nhé
Các cụ ta xưa nay có câu “tiền nào của nấy”. Sử dụng hàng chính hãng giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu thời trang và tận hưởng tối đa chức năng của món đồ. Không chỉ có chất liệu thoải mái, tôn dáng mà còn đắm mình vào cảm giác sang chảnh, quý phái. Ngoài ra khi mua đồ chính hãng, bạn còn được nhà sản xuất cam kết và bảo hành.
Hơn nữa, sử dụng hàng Authentic còn chứng minh sự tôn trọng với nhà sản xuất. Các món đồ luxury có giá trị cao thường phải trải qua rất nhiều công đoạn từ nghiên cứu xu hướng thời trang cho đến chọn lọc chất liệu, thiết kế và sản xuất rồi đến phân phối và quảng bá đến khách hàng. Vậy nên một sản phẩm authentic chúng ta cầm trên tay là công sức của cả một đội ngũ phía sau, sử dụng hàng chính hãng nghĩa là chúng ta đang tôn trọng và ủng hộ những con người đang làm việc miệt mài cho thương hiệu.
Dùng hàng giả hay hàng nhái nghĩa là tiếp tay cho người “ăn cắp” chất xám trái đạo đức, nếu người tiêu dùng không có nhu cầu thì các nhà cung cấp sẽ dần biến mất. Vậy nên nếu mỗi người chúng ta nói không với chúng thì chắc chắn số lượng các sản phẩm này trên thị trường sẽ giảm đi.