Bật mí kỹ thuật thu hoạch quả nhãn chất lượng

Để quả nhãn đạt chất lượng, mẫu mã đẹp và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì bà con cần chú trọng khâu kỹ thuật thu hoạch và bảo quản. Việc thu hái và bảo quản đúng kỹ thuật sẽ góp phần làm tăng giá trị của quả nhãn, giảm thiểu tỷ lệ hư hỏng và mang lại hiệu quả kinh tế tối đa.  

Hướng dẫn kinh nghiệm thu hoạch quả nhãn

Kỹ thuật thu hái quả nhãn

  • Thời gian chín của quả nhãn phụ thuộc các yếu tố như giống, điều kiện thời tiết vùng trồng và chế độ chăm sóc,… Trung bình thời gian chín của quả rơi vào khoảng 3 – 4 tháng.

Xác định độ chín sinh lý của quả nhãn

– Nên thu hoạch khi vỏ quả  chuyển từ nâu xanh sang nâu vàng, vỏ quả mịn và mỏng, quả mềm hơn, cùi có vị ngọt và thơm, hạt chuyển thành màu đen hoàn toàn [1]. 

– Cần thu hái nhãn khi đạt đúng độ chín, nếu để quá lâu sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất của quả và khó bảo quản lâu. 

Lưu ý: Có thể thu hoạch khi quả đạt 80 – 90%. Thu hoạch quả nhãn quá non, sẽ gây khó bảo quản, chất lượng quả thấp. Thu hoạch quá già, khi bảo quản dễ hư hỏng.

Thời điểm thu hoạch nhãn

– Bà con nên thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thu hoạch vào giữa trưa khi trời quá nóng hoặc khi trời mưa.

Kỹ thuật thu hoạch nhãn[1]

  • Đối với cây nhãn khỏe hoặc chín sớm:

    Dùng kéo hoặc dụng cụ chuyên dụng cắt chùm quả kèm theo đoạn lá mọc sít nhau.

  • Đối với cây nhãn sinh trưởng yếu hoặc chín muộn:

    Cắt chùm quả không kèm theo lá của cành quả.

  • Sau khi thu hái, nếu cắt cả chùm thì cần phải cắt bỏ các quả có vết nứt, quá nhỏ, sâu bệnh,… để tránh lây nhiễm và gây thối những quả khác trong lúc bảo quản.

  • Nếu quả bị bệnh bồ hóng, bà con có thể vệ sinh quả bằng cách dùng giấy mịn lau nhẹ nhàng vết bẩn trên quả.

Lưu ý: Thu hoạch phải nhẹ nhàng, quăng quật gây xây xát, bầm dập quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây hại xâm nhập gây hư hỏng.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Lê Văn Lương, 2005. Một số biện pháp kỹ thuật thu hoạch nhãn và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nhãn ở giai đoạn sau thu hoạch, Thông Tin Khoa học & Công nghệ số 3/ 2005, trang 7.