Bất kỳ sản phẩm hữu cơ nào cũng được dán nhãn có ghi “100% hữu cơ” đúng không? Việc ghi nhãn cần thực hiện theo quy định nào?


Tôi thấy ngày nay mọi người đang ưa dùng các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết sản phẩm hữu cơ thực tế là gì? Có phải là những sản phẩm được trồng mà không dùng phân bón hay không? Sản phẩm hữu cơ được ghi nhãn như thế nào để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ? Trong trường hợp phát hiện ra những sản phẩm giả dạng sản phẩm hữu cơ mà không đảm bảo chất lượng thì phải xử lý như thế nào?

Sản phẩm hữu cơ có phải các sản phẩm được trồng mà không cần dùng phân bón hay không?

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, sản phẩm hữu cơ được hiểu như sau:

“3. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản phẩm hữu cơ) là thực phẩm, dược liệu (bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền), mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định này.”

Theo đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hay còn được gọi là sản phẩm hữu cơ, không phải là sản phẩm được trồng mà không cần dùng phân bón, mà là những thực phẩm, dược liệu (bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền), mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định của pháp luật, cụ thể được quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ.

Sản phẩm hữu cơ

Sản phẩm hữu cơ

Bất kỳ sản phẩm hữu cơ nào cũng được dán nhãn có ghi “100% hữu cơ” đúng không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, việc ghi nhãn đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được quy định như sau:

“Điều 11. Công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ

2. Ghi nhãn theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm, nhãn dược liệu, nhãn mỹ phẩm, nhãn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các quy định sau đây:

a) Việc sử dụng cụm từ “100% hữu cơ”, “hữu cơ” hoặc “sản xuất từ thành phần hữu cơ” kèm theo tỷ lệ các thành phần cấu tạo trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ;

b) Sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ mã số giấy chứng nhận, ngày cấp, tên đầy đủ hoặc tên viết tắt, mã số của tổ chức chứng nhận;

c) Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có nhãn không đáp ứng đầy đủ quy định tại Nghị định này thì phải có nhãn phụ theo quy định.”

Theo quy định trên, việc ghi nhãn đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần tuân thủ theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm, nhãn dược liệu, nhãn mỹ phẩm, nhãn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Riêng đối với việc sử dụng cụm từ “100% hữu cơ”, cần tuân thủ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Dẫn chiếu đến quy định về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tại Điều 5 Nghị định 109/2018/NĐ-CP:

“Điều 5. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ

1. TCVN về nông nghiệp hữu cơ được xây dựng, công bố và áp dụng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài:

a) Trường hợp sản xuất để xuất khẩu: cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn theo thỏa thuận, hợp đồng với tổ chức nhập khẩu;

b) Trường hợp sản xuất hoặc nhập khẩu để tiêu thụ trong nước: cơ sở có thể áp dụng tiêu chuẩn mà Việt Nam là thành viên hoặc có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận áp dụng tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá và công bố danh sách các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được áp dụng tại Việt Nam.

3. Khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.”

Như vậy, việc ghi nhãn nói chung và sử dụng cụm từ “100% hữu cơ” trên nhãn nói riêng đối với sản phẩm hữu cơ cần đảm bảo tuân thủ đúng các quy định nêu trên.

Trường hợp phát hiện ra những sản phẩm giả dạng sản phẩm hữu cơ mà không đảm bảo chất lượng thì phải xử lý như thế nào?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 109/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:

“Điều 13. Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng

2. Cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc trong các trường hợp sau:

a) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

b) Khi cơ sở phát hiện sản phẩm hữu cơ do mình sản xuất, kinh doanh không phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; ghi nhãn, lô gô không đúng quy định; quá hạn sử dụng hoặc hư hỏng (gọi chung là sản phẩm không đảm bảo chất lượng).

3. Sản phẩm hữu cơ phải thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Ghi nhãn, lô gô không đúng quy định;

b) Hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường;

c) Không phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

d) Bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;

đ) Có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định;

e) Sản phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.”

Do vậy, trong trường hợp sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng (không phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; ghi nhãn, lô gô không đúng quy định; quá hạn sử dụng hoặc hư hỏng) thì cơ sở sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc, đồng thời sản phẩm hữu cơ đó cũng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định.