Bất cập về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
Bất cập về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
20/03/2018 09:35
Ảnh minh họa
Căn cứ Mục 1, Chương III Luật khiếu nại 2011 thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định dưới hình thức liệt kê từ Điều 17 đến Điều 26, thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về những chủ thể sau:
Chủ tịch UBND xã phường thị trấn và thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ trưởng; Tổng thanh tra Chính phủ; Chánh thanh tra các cấp; Thủ tướng Chính phủ.
Việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại được thực hiện dựa trên nguyên tắc sau:
Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1: Quyết định hành chính (sau đây gọi là QĐHC), hành vi hành chính (sau đây gọi là HVHC) xuất phát từ cơ quan nào, thủ trưởng cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Ví dụ: Trưởng Công an xã ra quyết định xử phạt anh A 200,000, anh A không đồng ý sẽ khiếu nại lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã
Như vậy, có thể thấy rằng, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với QĐHC, HVHC của mình hoặc của cán bộ công chức thuộc sự quản lý của mình (Phần lớn Thủ trưởng là người ra QĐHC, có HVHC).
Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2: Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Tuy nhiên có ngoại lệ, đó là trường hợp Bộ trưởng mặc dù không phải là cấp trên trực tiếp của Chủ tịch UBND cấp tỉnh vẫn có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết. (Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chung, còn Bộ trưởng, có thẩm quyền đối với những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý)
Ví dụ: Doanh nghiệp bị Chủ tịch UBND tỉnh T ra quyết định xử phạt 500 triệu vì hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp khiếu nại lần 1 đến Chủ tịch UBND tỉnh T. Khiếu nại bị bác. Doanh nghiệp khiếu nại lần 2 lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường.
Từ những quy định trên, xét thấy việc phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau với những nội dung, cách thức và quan điểm lập pháp không thống nhất, cụ thể:
Thứ nhất, không phân định rõ giữa đối tượng của khiếu nại lần đầu với đối tượng của khiếu nại lần hai làm cho các chủ thể lúng túng khi thực hiện quyền khiếu nại, điều này gây khó khăn cho các chủ thể khi xác định quyền giải quyết khiếu nại
Thứ hai, phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại thiếu nhất quán, không triệt để và bất hợp lí không những có nguy cơ làm gia tăng áp lực công việc giải quyết tranh chấp hành chính mà còn hạn chế quyền khiếu nại hành chính.
Ví dụ: đối với QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được khiếu nại lần hai và do Bộ trưởng giải quyết khiếu nại, trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Nhưng, đối với khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, sẽ do Bộ trưởng thụ lý giải quyết lần đầu, Luật không quy định trường hợp khiếu nại lần hai thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về chủ thể nào? Cũng không quy định cơ chế lựa chọn quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nếu người khởi kiện không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng.
Thứ ba, Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định rõ trường hợp 1 quyết định xử phạt liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, khi bị khiếu nại thì xử lý thế nào.
Ví dụ: Chủ tịch UBND tỉnh Đ ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn B đối với 2 hành vi: (1) Gây ô nhiễm môi trường; (2) Xây dựng không phép, ông Nguyễn Văn B khiếu nại QĐHC lần 1 lên Chủ tịch UBND tỉnh Đ, khiếu nại lần 1 bị bác, ông B sẽ gửi khiếu nại lần 2 đến ai?
Mặc dù Luật không quy định cụ thể, nhưng dựa trên nguyên tắc nội dung của vụ việc thuộc quyền quản lý của chủ thể nào sẽ do chủ thể đó thụ lý. Trên thực tế sẽ tách vụ việc ra thành hai nội dung và khiếu nại lên 2 Bộ trưởng.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại đều từ các cơ quan quản lý hành chính, điều đó cho thấy giải quyết khiếu nại hành chính là phương thức giải quyết tranh chấp hành chính có tính chất thuần tuý hành pháp. Do đó, nhược điểm vốn có của thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính là không bảo đảm được sự khách quan và bình đẳng giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại; không bảo đảm được tính “chuyên trách” trong quá trình giải quyết tranh chấp hành chính. Ngược lại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính lại có khá nhiều ưu điểm cần phát huy, như: có khả năng giải quyết nhanh chóng, toàn diện tranh chấp hành chính ở cả phương diện hợp pháp và hợp lí; góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa chủ thể quản lí và đối tượng quản lí hành chính nhà nước; góp phần tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nền hành chính quốc gia.
Ths. Nguyễn Thị Oanh
Giảng viên Khoa Luật, ĐH Đà Lạt