Bất cập trong quy chế quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên

Trung tâm GDNN-GDTX TP Thanh Hóa được thành lập sau khi sáp nhập trường Trung cấp nghề số 1 và Trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố Thanh Hóa từ năm 2019. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một quy chế cụ thể và đồng nhất cho hoạt động của trung tâm.

Bà BÙI THỊ THU AN, Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Thanh Hóa: “Cho đến thời điểm này cũng chưa có quy chế hoạt động chung cho Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, hiện tại thì trung tâm đang áp dụng hai quy chế; quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy chế của Bộ LĐTBXH, dẫn tới trong quá trình tổ chức thực hiện gặp rất nhiều khó khăn bất cập.”

Thực tế cũng cho thấy trung tâm đang thiếu cả giáo viên dạy văn hóa cả giáo viên và cơ sở để đào tạo nghề.

Ông NGUYỄN TUẤN TƯỞNG, Phó phòng Văn hóa tỉnh Thanh Hóa: “Vấn đề thứ nhất là hầu như tất cả các trung tâm thiếu về đội ngũ giáo viên dạy văn hóa cũng như dạy nghề, mà theo chỉ tiêu hằng năm thì các trung tâm này không có định biên. Vấn đề thứ hai là thiếu giáo viên dạy nghề, đặc biệt thiếu trang thiết bị tổ chức dạy nghề, cho nên những trung tâm này kể cả có đào tạo nghề thì sau này đưa đi lao động thì các doanh nghiệp cũng phải tổ chức đào tạo lại.”

Ông ĐỖ CHÍ NGHĨA, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: “Theo tôi, hai Bộ cần ngồi lại với nhau để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tạo cơ chế quy chế hành lang pháp lý tốt hơn để trung tâm này phát huy vai trò của nó, trong đó tập trung hướng về giáo dục nghề nghiệp, để sự phân luồng của chúng ta có ý nghĩa. Các em học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không học lên THPT mà chuyển sang Trung tâm GDNN”.

Mục đích sát nhập và thành lập trung tâm GDNN – GDTX nhằm phân luồng 20% học sinh từ THCS, đào tạo nguồn lao động cho địa phương tuy nhiên để phát triển trung tâm theo đúng mô hình đã đặt ra rất cần một cơ chế thống nhất từ đó nhận được sự quan tâm đúng mực về cơ sở vật chất cũng như chuyên môn đào tạo.

Thực hiện : Như Hiền Đức Minh