Bảo tồn giá trị di sản cố đô Hoa Lư (Ninh Bình): Phát huy hiệu quả cần bắt đầu từ quản lý tốt

Thứ Hai 15/08/2022 | 10:47 GMT+7

VHO- Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Hoa Lư” vừa được Sở VHTT Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức cuối tuần qua. Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết những dấu tích của cố đô Hoa Lư hiện vẫn đang nằm trong lòng đất, chờ được làm sáng tỏ diện mạo.

 Đền thờ Đinh Tiên Hoàng

Theo đó, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản cần xác định một chiến lược, hướng sự ứng xử phù hợp cho khu di tích từ những đặc điểm và giá trị của nó. Tuy nhiên, điều trước hết là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần bảo vệ di sản cho hiệu quả, đừng để nơi đây bị xâm phạm như dư luận báo chí phản ánh

Cần sự đầu tư xứng tầm giá trị

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư được xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu tiên năm 1962, đến năm 2012 được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cố đô Hoa Lư là một trong ba vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận là di sản hỗn hợp (văn hóa và thiên nhiên) đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014.

ThS Đặng Khánh Ngọc, Q. Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, Hội thảo lần này nhằm đánh giá vai trò, vị trí, đặc điểm, quy mô của Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử; đánh giá quá trình quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử – văn hóa cố đô Hoa Lư, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản cố đô Hoa Lư trong thời gian tới. Theo ông Ngọc, từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, công tác thám sát, thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học trong khu vực cố đô Hoa Lư được tiến hành nhiều lần. Những phát lộ của khảo cổ học tuy đã phần nào làm sáng tỏ quá khứ nhưng vẫn còn quá ít để hình dung diện mạo của cố đô xưa. Hầu hết những dấu tích của cố đô hiện vẫn còn đang nằm trong lòng đất chờ được khai quật để làm sáng tỏ diện mạo.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoa Lư còn vết tích lịch sử của nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, các dấu tích kinh đô đó giờ đây hầu như biến mất khỏi mặt đất. Đến Hoa Lư ngày nay chỉ còn thấy những đoạn thành đá thiên nhiên hùng vĩ và các đền thờ tưởng nhớ hai triều đại oanh liệt được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 17 trở lại đây. Ông Tín cho biết, công việc nghiên cứu, giáo dục và phát huy tiềm năng văn hóa, du lịch của khu di tích Hoa Lư thế kỷ X đã được nghiên cứu từ thế kỷ trước và đang tiếp tục. Qua các đợt nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích tường thành, nền móng kiến trúc cùng số lượng di vật phong phú phản ánh các giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của kinh đô Hoa Lư. Công việc nghiên cứu còn đang tiếp tục, nhưng bước đầu đã có thể thấy một số giá trị to lớn của Hoa Lư qua các di tích khảo cổ học.

Với những giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt, trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trong khu di tích cố đô Hoa Lư, đặc biệt là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, xây dựng các tuyến kết nối. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích vẫn chưa xứng tầm với những giá trị văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, cùng với thời gian và tác động của kinh tế thị trường, đô thị hóa, cảnh quan khu vực đang ngày càng có những biến đổi theo chiều hướng mất dần bản sắc riêng độc đáo. Nhiều khu vực trong khu di tích đang dần bị đô thị hóa, cảnh quan hai bên dòng sông Sào Khê lịch sử đang ngày càng bị lấn chiếm và ô nhiễm; nhiều di tích trở thành phế tích chưa được phục dựng; các đoạn tường thành đa số chỉ còn dấu vết mờ nhạt, nhiều đoạn bị xâm hại. Điểm nhấn của toàn bộ Khu di tích quốc gia đặc biệt mới là khu vực đền vua Đinh, đền vua Lê và sân lễ hội phía trước nhưng vẫn chưa đồng bộ.

 Các đại biểu chủ trì hội thảo

Quy hoạch thành công viên lịch sử

TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình cho biết, xác định di sản văn hóa là thế mạnh của tỉnh, công tác trùng tu, tôn tạo di tích cố đô Hoa Lư được triển khai cẩn trọng, nghiêm túc. Tuy nhiên, theo ông Cường, so với yêu cầu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Hoa Lư vẫn còn những hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa đồng bộ; hoạt động giới thiệu, tôn vinh giá trị di sản chưa lan tỏa, nhận thức của nhân dân và du khách về giá trị của di sản còn hạn chế; công tác giáo dục lịch sử, truyền thống thông qua di tích còn đơn điệu, chưa thu hút thế hệ trẻ…

Tại hội thảo, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nêu ý kiến về quy hoạch khu di tích lịch sử và văn hóa Hoa Lư thành công viên lịch sử. Ông cho rằng, để bắt tay vào xây dựng Quy hoạch tổng thể khu di tích lần thứ 2, cùng với việc đánh giá những kết quả thực hiện Quy hoạch cách nay ngót 20 năm, cần thiết cân nhắc thêm những căn cứ cho Dự án Quy hoạch lần này. Trước tiên, cần xác định một chiến lược, một hướng ứng xử duy nhất phù hợp cho khu di tích có một không hai từ những đặc điểm và giá trị của nó. GS Kính lưu ý, từ góc nhìn chứng tích và tư liệu lịch sử đích thực, nên coi khu di tích cố đô Hoa Lư là khu di tích mở đối với công cuộc nghiên cứu đòi hỏi thời gian, đầu tư công sức, tư duy chuyên biệt cho bảo tồn, phát huy tác dụng. Đồng thời, cần thiết đặt tiêu chí về tính khả thi làm cơ sở cân nhắc xây dựng quy hoạch và đánh giá quy hoạch.

Cũng theo GS Hoàng Đạo Kính, quy hoạch khu di tích lịch sử và văn hóa Hoa Lư thành công viên lịch sử nhằm mục đích bảo tồn trọn vẹn các vết tích và các di tích trên mặt đất, các di chỉ khảo cổ học, các địa danh lịch sử trong phạm vi vùng lõi giả định của cố đô. Sau đó là bảo tồn khung cảnh thiên nhiên của khu di tích với tư cách là tài nguyên lịch sử đặc trưng. Sau cùng, nhằm tạo nên những đối tượng, nội dung và những điều kiện cho tham quan, du lịch cùng các hoạt động văn hóa cộng đồng khác, làm cho khu di tích này có khả năng thu hút riêng trên nền kỳ quan Tràng An cùng các công trình tâm linh ngày càng mở mang. Điều này chỉ có thể khi ta đặc sắc hóa công viên lịch sử này.

GS Kính cũng gợi ý một số nội dung công việc cần thực hiện với Công viên lịch sử cố đô Hoa Lư. Theo đó, tăng cường và có hệ thống các cuộc khai quật khảo cổ học trong phạm vi công viên, ưu tiên vùng lõi. Tiến tới xây dựng bản đồ khảo cổ học (Atlas), phản ánh đầy đủ và chính xác các di chỉ và vết tích dưới mặt đất đã phát lộ và giả định, các di tích trên mặt đất, các địa điểm và địa danh lịch sử… nhằm tạo dựng tương đối chính xác quy mô và đặc điểm quy hoạch – kiến trúc của cố đô. “Duy trì lộ thiên các hố khai quật, áp dụng giải pháp khoa học và công nghệ để bảo quản nguyên vẹn hiện trường, các hiện vật hầu hết không còn mấy khả năng tồn tại, giới thiệu một cách thuyết phục các tàn tích vật chất câm lặng. Tuy nhiên, nên chọn những di chỉ hàm chứa nhiều thông tin hơn cả…”, GS Hoàng Đạo Kính gợi mở.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nêu quan điểm, trong kế hoạch quản lý chương trình hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư với tư cách là hợp phần quan trọng của di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An, chúng ta nhất thiết phải ưu tiên tới bốn đối tượng quan trọng: Di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa làng, di sản văn hóa gia đình và dòng họ, đặc biệt là yếu tố đặc trưng vốn có của một Cố đô như Hoa Lư, Thăng Long và Huế. 

 Cùng với thời gian và tác động của kinh tế thị trường, đô thị hóa, cảnh quan khu vực đang ngày càng có những biến đổi theo chiều hướng mất dần bản sắc riêng độc đáo. Nhiều khu vực trong khu di tích đang dần bị đô thị hóa, cảnh quan hai bên dòng sông Sào Khê lịch sử đang ngày càng bị lấn chiếm và ô nhiễm.

Nhiều di tích trở thành phế tích chưa được phục dựng; các đoạn tường thành đa số chỉ còn dấu vết mờ nhạt, nhiều đoạn bị xâm hại.

PHƯƠNG ANH