Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Hạn chế về chiến lược sưu tầm
Theo tôi, quy mô, chất lượng sưu tập của bảo tàng bị hạn chế vì không được kế thừa các sưu tập cung đình quý tộc, tư nhân đồ sộ nào. Nước ta không có truyền thống sưu tập như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Có được số hiện vật lớn với chất lượng như hiện nay là thành công rất quý giá. Tuy nhiên, phần cổ ít có các tác phẩm nguyên bản nên phải chép làm phiên bản nhiều mà không chú thích đầy đủ. Phần này sơ sài có tính minh họa (giáo cụ trực quan) cho lịch sử MT cổ hơn là bản thân lịch sử MT cổ đích thực! Các nguyên bản nằm rải rác ở các di tích làng xã không thể mua, quy tập được. Nghiên cứu chưa đủ sâu sắc để có phương án trình bày rõ những bản sắc độc đáo của MTVN vì vậy phần trưng bày mờ, nhạt và buồn!
Phần hiện đại do nằm trong quỹ đạo tuyên giáo suốt nửa thế kỉ nên chỉ chú trọng phần nghệ thuật kháng chiến, hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phần MT trước 1945 cũng mờ nhạt, nhiều bản chép không được thông tin minh bạch. Phần miền Nam trước 1975 hầu như vắng bóng. Phần nghệ thuật (NT) từ đổi mới tới nay không hệ thống, không tiêu biểu, chỉ có các tác phẩm “tầm tầm” mua từ các giải thưởng của các triển lãm toàn quốc, địa phương “tầm tầm”, hoàn toàn chưa có các tác phẩm NT đương đại (các loại hình mới như video, multimedia, sắp đặt, trình diễn…). Mặt khác, đúng là chúng ta có hạn chế về tiền, nhưng khó hơn là hạn chế về chiến lược sưu tầm, quan niệm nghệ thuật… khiến các bộ sưu tập của BTMTVN không tiêu biểu, đại diện, chất lượng không cao lên được.
Về các hoạt động của bảo tàng, có thể nói ngắn gọn: Nghèo nàn, đơn điệu, hầu như không tạo ra được các sự kiện văn hóa tầm quốc gia. Không trở thành trung tâm của hoạt động NT, của thị trường NT, của nghiên cứu NT. Cũng không thành được một trung tâm giải trí văn hóa và giáo dục NT. Kết quả là, phần nhà chính vắng vẻ âm u lèo tèo vài xe du lịch dẫn khách tới một lần rồi thôi. Còn phần nhà phụ cho thuê hầu như ai muốn bày gì cũng được.
Tôi nghĩ cần có một phương án xây dựng BTMT quốc gia cho 20 – 30 năm nữa (về nghiên cứu, sưu tầm, chiến lược văn hóa, chiến lược trưng bày/ hoạt động, kế hoạch đào tạo nhân sự… trước khi đi tới việc cuối cùng là xây một cái nhà, tạo không gian – làm bảo tàng. Ta thường làm ngược: Xây nhà trước, để trống không biết bày gì làm gì, nếu có bày thì nhà lại không hợp công năng! Dự án chiến lược này phải ở tầm của Bộ VHTTDL, Chính phủ chứ bản thân BTMT không thể cáng đáng nổi. Nếu làm tốt, họa may 30 năm nữa ta sẽ có một BTMTQG đúng nghĩa, như mong mỏi.