Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong mắt người tham quan
(Xây dựng) – Trong tiết trời se lạnh của Hà Nội, dù không vào ngày nghỉ nhưng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vẫn là điểm đến mà nhiều người lựa chọn ghé thăm.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập sớm nhất trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finotdo trường Viễn Đông Bác Cổ do người Pháp xây dựng năm 1926 và khánh thành vào năm 1932. Được thành lập theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 26/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một công trình văn hóa tọa lạc ngay tại quận Hoàn Kiếm, trung tâm của Thủ đô Hà Nội, gần với khu quần thể di tích linh thiêng của Thủ đô như Tháp Rùa-Hồ Gươm; Cầu Thê Húc-Đền Ngọc Sơn-Bút Tháp và nhiều công trình văn hóa nổi tiếng khác của Pháp như Nhà hát Lớn… Đây là Bảo tàng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến ngày nay một cách tổng hợp, phong phú, liên tục và toàn diện nhất.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được sơn màu vàng tạo cảm giác cổ kính, vì được bao quanh bởi hàng cây lâu năm nên không gian trở nên tĩnh mịch, trầm lắng. Với diện tích trưng bày gần 4.000m2, với khoảng 10.000 tư liệu hiện vật, hệ thống trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện theo nguyên tắc trưng bày niên biểu, lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu hiện vật mới do công tác nghiên cứu sưu tầm đem lại, làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Không gian trưng bày tầng 1 là các hiện vật Việt Nam thời tiền sử (cách đây 30-40 vạn năm), Việt Nam từ thời dựng nước đến triều Trần và gian trưng bày chuyên đề với sảnh chính trưng bày hai cổ vật mới đó là Trống đồng Hoàng Hạ (Hà Đông) và Tháp đồng Đào Thịnh (Yên Bái).
Hiện vật đươc nhiều người chú ý đến, quan tâm dành thời gian để ngắm nhìn vẻ đẹp của nó chính là Trống đồng Ngọc Lũ. Trống đồng này có niên đại cách ngày nay 2.500 năm, được xếp vào loại H1 – Heger (theo sự phân loại dựa trên 165 chiếc trống đồng được biết đến thời điểm ấy của học giả F.Héger – người Áo – vào năm 1902), H1 là “loại cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời”. Chính vì lẽ đó, mà Trống đồng Ngọc Lũ được đặt chung không gian với các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Ngục trung nhật kí”, “Đường kách mệnh” hay Ấn đồng “Môn Hạ sảnh ấn” để nói lên phần nào tầm quan trọng của nó đối với lịch sử dân tộc ta. Bạn Hòa, sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp nói: “Hôm nay, mình đến đây mình cảm thấy rất vui và có rất nhiều điều mình có thể học thêm. Mình mới vào đây thôi nhưng Trống đồng Ngọc Lũ làm mình quan tâm nhất vì nó khá là nổi tiếng”. Bên cạnh đó, khoảng trống giữa các gian trưng bày là hiện vật cổ quý gồm Thống gốm hoa nâu thời Trần, Chuông chùa Vân Bản (Nam Định), Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga thời Lê Sơ,.. cùng với các màn hình lớn để khách tham quan có thể thấy rõ các nét hoa văn được in trên cổ vật.
Khi đang cùng các bạn của mình thảo luận về các công cụ thời đồ đá, bà Võ Thị Yến (hơn 80 tuổi, quê ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: “Tôi ra Hà Nội tham quan cùng các ông bà và cô chú đến đây tôi nhận thấy không gian rất là đẹp. Bây giờ, hiện tại thì tất cả mọi thứ đều đẹp nhưng nét đẹp của thời mới không bằng những đồ cổ hồi xưa mà từ cả mấy trăm năm trước. Dù là những vật nhỏ nhất ở đây mà mình được thấy như vậy thì mình tưởng tượng lại hồi đó là như thế nào. Nhờ vào Bảo tàng này mà tôi mới thấy được thời gian nào, đời vua nào, nó đã có từ khi nào, đó là điều mà mình muốn biết thêm, hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam”.
Trên tầng 2 của Bảo tàng nổi bật nhất chính là Bia Vĩnh Lăng (bản phục chế) cao 330cm, rộng 270cm, dày 27cm; nội dung trên bia do Nguyễn Trãi soạn khắcnói về thân thế, sự nghiệp và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) chống quân xâm lược Minh (Trung Quốc) của Lê Lợi. Bia Vĩnh Lăng cũng là một trong những công trình điêu khắc đá tiêu biểu cho nghệ thuật dân tộc thế kỷ 15. Sâu dần vào bên trong là các triều đại Việt Nam từ triều Hồ cho đến triều Trần, các trận đánh đi vào lịch sử cùng tên các vị vua, các nhà cách mạng thời kỳ Pháp thuộc, các cổ vật của từng thời.
Bên cạnh những dấu ấn riêng biệt của người Chăm về kỹ thuật làm gạch kết dính để xây tháp và chạm trổ trên đá như Phù điêu Shiva thế kỷ XI-XII, biểu tượng cho vương quyền sư tử thế kỷ X – XI,… có “ghi lại” một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu trước Công nguyên ở đồng bằng Nam bộ, đó là nền văn hóa Óc Eo. Gian phòng trưng bày nền văn hóa cổ này tạo cảm giác kì bí vì không gian tối cùng ánh đèn vàng để làm nổi bật các tượng Visnu, Buddha,.. Các công cụ để chế tạo trang sức, nồi, đồ trang sức được chế tác từ vàng, thạch anh, mã não… đáng chú ý là các lá vàng dập nổi chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ cho thấy sự khéo léo cũng như tính thẩm mỹ cao.
Ông Carlos, du khách nước Pháp chia sẻ: “Tôi rất thích nơi này dù đây là lần đầu tiên tôi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Các hiện vật ở đây được bài trí rất đẹp, chúng được chia theo từng giai đoạn, có phiên dịch tiếng Anh và một số hiện vật được phiên dịch sang cả tiếng Pháp, tôi rất thích điều đó. Tôi nghĩ tôi sẽ trở lại đây lần sau cùng với gia đình mình”.
Không chỉ các em học sinh, các bạn sinh viên cần đến bảo tàng mà cả những người lớn tuổi hay du khách nước ngoài sâu trong mỗi người luôn tìm tòi học hỏi những giá trị nhân văn có từ trong nền văn hóa xa xưa của ông cha, những sự kiện quan trọng của mỗi dân tộc. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn các cổ vật mà ở đó ta còn học được rất nhiều điều về cội nguồn nơi ta đang sinh sống.
Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: