Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh – Niềm tự hào dân tộc

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh – Niềm tự hào dân tộc

Để có được sự tự do và nền độc lập như hôm nay, cha ông ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu để đánh bại sự xâm lược của ngoại bang. Cùng Việt Đăng Di ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về Chiến dịch cuối cùng đã đánh tan hoàn toàn chế độ Mỹ – Diệm, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nhé!

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh nằm trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ số 2 đường Lê Duẩn, quận 1 (gần Thảo Cầm Viên và bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Nơi đây được thành lập năm 1986, nằm trong toà nhà được xây từ đầu thế kỷ 20 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Trước năm 1975, toà nhà này là Trường cao đẳng Quốc phòng.

Sau năm 1975, đây là Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Cuối năm 2020, Bộ Quốc Phòng nâng cấp toà nhà thành một bảo tàng độc lập, do Quân khu 7 quản lý. Bảo tàng chính thức thành lập vào tháng 1/2021.

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng Quân khu 7) trưng bày nhiều bộ sưu tập, hiện vật độc đáo, quý giá thể hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ chiến dịch đường 14 – Phước Long, chiến dịch Tây Nguyên-Huế-Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh hiện tại mở cửa tham quan tự do trừ thứ 7 và chủ nhật. Bạn không cần phải mua vé mà chỉ gần khai báo thông tin cá nhân tại bàn quản lí nằm ngay cửa chính ra vào bảo tàng.

Lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh

Chiến dịch Hồ Chí Minh, diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975, là chiến dịch cuối cùng trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phòng hoàn toàn miền Nam, đập tan chính quyền Mỹ – Diệm, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Toàn bộ bảo tàng được chia làm hai phần: khu trưng bày trong nhà có diện tích mặt bằng 1.000 m2 và khu trưng bày ngoài trời 2.000 m2. Hiện, bảo tàng trưng bày 6.293 hiện vật và hơn 500 hình ảnh tư liệu, trong đó có 2.881 hiện vật gốc.

Nổi bật ở khu trưng bày chính ngay lối vào là chiếc sa bàn lớn mô tả lại những diễn biến chính của chiến dịch Hồ Chí Minh. Phía trên đặt màn hình chiếu phim tái hiện toàn bộ chiến dịch bằng tiếng Việt, Anh, Pháp.

Phía sau khu trưng bày lớn là các phòng nhỏ, phân thành những chuyên đề riêng theo diễn tiến lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hiện vật Bản dự thảo Kế hoạch chiến dịch Hồ Chí Minh còn lưu giữ nguyên vẹn trong bảo tàng.

Giá trị nhất trong bảo tàng là cuốn sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn sổ, các sĩ quan trực ban tác chiến của Bộ chỉ huy tại Sở chỉ huy tiền phương ở Căm Xe, Bình Dương ghi lại diễn biến chiến dịch từ ngày 25/4 đến 1/5/1975. Sổ ghi tên người trực ban, tình hình chiến sự quân ta và quân địch, tình hình lương thực, vũ khí, các mũi tấn công, các mục tiêu chính tại Sài Gòn… Hiện vật này được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Hàng trăm tranh ảnh, bản đồ về diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh được treo trong bảo tàng. Nổi bật là bức tranh xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu sự thắng lợi của chiến dịch và thống nhất đất nước.

Bên ngoài bảo tàng trưng bày xe tăng, máy bay chiến đấu từng được sử dụng trong chiến dịch. Ngoài ra còn có xác một chiếc máy bay của đối phương bị bắn rụng trong những ngày cuối tháng 4/1975.

Dành khoảng 1 giờ đồng hồ tham quan bảo tàng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về sự kiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các bạn sẽ cảm nhận được sự hào hùng, bất khuất, mưu lược tài ba của cha ông ta, những người đã góp phần vào công cuộc giữ nước, bảo vệ hòa bình cho dân tộc.

Việt Đăng Di