Bảo quản nông sản sau thu hoạch đúng cách để đảm bảo nguồn dinh dưỡng
Bảo quản nông sản sau thu hoạch theo cách truyền thống
Từ xưa đến nay, việc bảo quản nông sản gồm lúa, ngô, khoai, sắn… sau thu hoạch luôn là một trong những công đoạn quan trọng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của các loại sản phẩm. Tùy vào điều kiện, thời tiết của từng địa phương, người dân có những cách bảo quản khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết vẫn là bảo quản theo phương thức truyền thống.
Chị Tá Sơn Minh (xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: Do đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu nên Vân Tùng có lợi thế về trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô. Đây cũng là hai cây lương thực chủ lực trên địa bàn xã.
Việc trồng các loại cây lương thực này ngoài việc cung cấp lương thực phục vụ bà con Nhân dân tại địa phương thì còn được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Do đó, sau khi thu hoạch về, người dân đã phơi nông sản dưới ánh nắng mặt trời đến khi khô hoàn toàn rồi cất vào kho để bảo quản, dùng dần.
Theo chị Tá Sơn Minh, việc phơi và bảo quản thóc đúng cách, đúng kỹ thuật chính là một trong những biện pháp giúp tăng năng suất đối với bà con nông dân vì thực tế mức hao hụt sau khi thu hoạch của lúa thường chiếm tới 15 đến 20%.
Để làm khô thóc theo có thể dùng nhiều cách như phơi dưới thời tiết nắng, phơi trong bóng mát, phơi trên nền xi măng, trên những tấm bạt, sân gạch… Đây chính là những phương pháp truyền thống, được hầu hết bà con nông dân sử dụng. Với cách phơi này nó có một số nhược điểm như phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, điều kiện sân bãi, khi tiến hành xay xát để sử dụng thì tỉ lệ hư hao nhiều và chất lượng gạo lại không được cao.
Thu hoạch lúa mùa trên địa bàn huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn
“Mục đích của việc bảo quản là để giúp cho hạt thóc luôn được đảm bảo, thóc không bị ẩm ướt, không bị mốc, bị men, các loại côn trùng, chuột vào phá. Dụng cụ bảo quản thích hợp là chum, vại, bồ, hòm, thùng phuy, cót quây… có nắp đậy kín. Cách này thường được các hộ gia đình áp dụng với số lượng nhỏ. Thóc sau khi được phơi khô đến độ thủy phần an toàn (khoảng 11-13%), quạt sạch để loại bỏ tạp chất, sâu mọt và chuyển vào các dụng cụ bảo quản đã được làm sạch, khô ráo để tồn trữ, dùng dần. Nếu được đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được 4-5 năm mà chất lượng hạt gạo vẫn đảm bảo, tỷ lệ hao hụt không đáng kể”, chị Minh nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản
Cũng là địa phương có diện tích sản xuất lúa thương phẩm lớn, hằng năm, trên diện tích khoảng 9.000 ha, sản lượng lúa của huyện Yên Định (Thanh Hóa) đạt khoảng 55.000 tấn. Do đó, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, UBND huyện Yên Định đã khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư máy sấy lúa để bảo đảm chất lượng hạt gạo.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Trước đây hầu hết lúa sau thu hoạch trên địa bàn huyện đều được sơ chế theo hình thức thủ công và chủ yếu là phơi khô trên nền gạch, hình thức này phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nên nếu thu hoạch gặp mưa kéo dài, lúa dễ bị mọc mầm hoặc mốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tỷ lệ hao hụt bình quân khoảng 11 – 13%.
Vì vậy, để chủ động trong việc sơ chế, bảo quản, nhằm hạn chế tổn thất, nâng cao chất lượng cho các loại nông sản, từ năm 2016, UBND huyện đã cân đối nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ 3 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp đầu tư lắp đặt máy sấy nông sản. Đến nay, toàn huyện hiện đã có 9 máy sấy các loại nông sản và chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể.
Bà con nông dân thu hoạch nông sản
Để giải bài toán khó cho việc giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho công nghiệp chế biến; Hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi từ vốn để đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân…
Thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp mà các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ cũng đã quan tâm đầu tư thiết bị chế biến hiện đại từ khâu thu hoạch, bảo quản, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị nông sản. Tiêu biểu, như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), đầu tư 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống máy sấy thăng hoa sản xuất bột và trà rau má túi lọc; Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Thành Công (Như Xuân, Thanh Hóa), đầu tư hệ thống nhà lạnh, công suất 20 tấn để bảo quản sản phẩm cây ăn quả…
Được biết, để đẩy mạnh sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch trên địa bàn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp, rà soát và cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ 5 hợp tác xã xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Đồng thời, các địa phương lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư hệ thống sơ chế. Đây được xem là động lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy công tác sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; Góp phần nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân.